(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, sân khấu Thế Giới Trẻ (TP.HCM) vừa ra mắt Ngược gió. Và không khó để khẳng định: Vở diễn đã chinh phục khán giả chỉ sau vài suất diễn đầu tiên.
Ở đó, ta nhận ra những chuyện tình dung dị luôn đủ sức khiến mỗi người thương cảm và tin rằng nhân nghĩa là điều có thật trong cuộc đời.
Những người đi ngược gió
Thật sự tình yêu có những ẩn số mà người ta không giải mã được. Yêu là yêu, bất chấp trái ngang, đau khổ. Đôi khi lý trí biết là không nên, nhưng trái tim cứ lên tiếng, thế là yêu trong dằn vặt, âu lo.
Như cô Là trong vở, vì chịu ơn ông chủ giúp cả gia đình, lại thấy ông hiền lành, nhân hậu, cô cảm thương tự lúc nào không rõ, và tự nguyện hiến dâng. Ông chủ lỡ một cơn say, hối hận, nhưng không vượt qua được khuôn khổ gia đình và người vợ quyền lực, thế là không bảo vệ được thân phận bé nhỏ của Là và cái bào thai trong bụng cô. Là đã đi ngược gió, và gió thổi tạt cô vào vòng tay anh Trôi, người chồng hờ đã che chở cô trong cơn hoạn nạn.
Nhưng Trôi lại yêu Là từ lâu. Anh chăm chút cho cô từ lâu. Anh vui sướng hy vọng từ chuyện “chồng hờ” sẽ thành chồng thật. Có điều, Là vẫn không yêu anh. Và cô đã biến mất trên dòng sông thăm thẳm. Suốt 2 năm, anh chàng bán chiếu nghèo chèo cái ghe chiếu đi khắp mọi ngõ ngách của dòng sông để tìm vợ. Gió thổi ngược vào trái tim anh, mòn mỏi, héo sầu. Chỉ có tiếng hát là không bao giờ dứt, vì anh hy vọng: Dù bất cứ Là ở đâu, khi nghe bài Lý son sắt của anh thì cô sẽ gặp lại anh. Đời anh cứ trôi dạt y như cái tên mồ côi mà bà mẹ nuôi đã đặt cho khi lượm được mình. Chiếc ghe chiếu gợi hình ảnh trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, chung thủy và tuyệt vọng.
Nhưng cũng có một người khác đi ngược gió cùng 2 thân phận kia. Cô Nương bạn thanh mai trúc mã với Trôi, thầm yêu “thằng bạn” mà không nói nên lời. Nhưng “thằng bạn” quá vô tình, không nhận ra từng chăm sóc nhỏ nhặt, chu đáo mà “con bạn” dành cho mình, cứ coi nó như hồi còn con nít. Cho nên Nương cứ chạy theo Trôi suốt dọc bờ sông, suốt cả thanh xuân, cũng ngược gió, cũng héo sầu. Những cơn gió thổi dạt người ta về phía sau nhưng người ta cứ muốn bươn tới, để cận kề, chăm sóc, yêu thương.
Đến lượt Sơn “mặt thẹo” cũng lặng lẽ ngược gió như vậy. Từ một gã du côn, Sơn biến thành người chí thú làm ăn và vất vả chăm sóc Là khi cứu cô, khi cô nằm viện vì sẩy thai. Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu công sức đổ ra, Sơn không đòi hỏi Là trả lại. Anh lặng lẽ đi bên cô bằng chữ tình lẫn chữ nghĩa. Gió vẫn thổi ngược trong lòng, chỉ có điều người đàn ông giang hồ này không hề thể hiện. Nếu anh Trôi còn dám bộc lộ, dám khóc than, thì Sơn lại tỉnh bơ cùng chén rượu.
Suốt vở diễn, mỗi người đi ngược gió bằng cách khác nhau. Nhưng gió lúc nào cũng lạnh.
Cuối cùng họ cũng nhận ra: Không thể nắm bắt những ảo ảnh tình yêu, mà hãy nắm lấy hạnh phúc gần gũi nhất bên mình. Ai chở che, chăm sóc mình khi hoạn nạn? Ai chia sẻ khi mình cô đơn, đau khổ? Người đó chính là hạnh phúc của mình. Cô Là “buông” hình bóng ông chủ, ôm chầm lấy Sơn. Anh Trôi chúc mừng hạnh phúc của Là, và hối hả chạy đi tìm Nương, nắm chặt tay cô. Thời gian quá dài chăm sóc nhau và đón nhận sự chăm sóc, đã khiến chữ tình trong họ biến thành chữ nghĩa bền chặt hơn. Đúng hơn, là tình nghĩa, một từ đôi vốn không thể tách rời trong cuộc sống người Nam bộ.
Đậm màu sắc miền Tây
Đạo diễn Tiết Duy Hòa là người đã dàn dựng rất thành công vở Đò tình vào năm ngoái, cho nên sân khấu đã đặt hàng anh làm cho một vở cũng màu sắc miền Tây dung dị, đáng yêu. Tiết Duy Hòa tự chắp bút viết kịch bản và lên sàn tập suốt 6 tháng trời. Anh gốc người miền Tây, nên am hiểu cuộc sống, tâm lý, không gian miền Tây, và anh đã chuyển tải lên sân khấu một cách ngọt ngào.
Sân khấu Thế Giới Trẻ là sân khấu quay, nhưng dường như rất ít đạo diễn chịu sử dụng lợi thế này. Tiết Duy Hòa là người tận dụng triệt để sân khấu quay trong cả Đò tình lẫn Ngược gió. Nhờ vậy thiết kế của anh vừa đẹp vừa thuận tiện. Chiếc ghe đã “bơi” một vòng sân khấu, đủ cho người ta tưởng tượng nó đã ra sông, hoặc cập bến, hoặc trôi dạt miên man… tùy vào mỗi cảnh. Rồi chiếc cầu tre, bến nước, cụm lá dừa, gánh hàng rong, chiếc xe cup cổ lỗ sĩ, đôi dép nhựa đứt quai được cột lại bằng sợi dây nylon… rất đặc trưng của miền Tây, khiến người ta bồi hồi hoài niệm, nhớ thương.
Điểm nhấn đặc biệt nhất của Ngược gió chính là âm nhạc. Màu sắc miền Tây đã thể hiện rất rõ trong âm nhạc. Mà đặc biệt hơn nữa, toàn bộ âm nhạc xuyên suốt vở đều sử dụng các điệu lý quen thuộc của miền Tây, không cần viện tới tân nhạc. Các điệu lý vừa đủ man mác, xao xuyến, nhưng rất dễ nghe, không đến nỗi đậm đặc chất cải lương như các bài bản cải lương. Đạo diễn đã cho phối lại khiến các điệu lý trở nên mới mẻ và hiện đại, chinh phục được khán giả trẻ, nghe thú vị vô cùng. Có lẽ chưa đạo diễn nào xử lý âm nhạc dân gian vào suốt vở kịch như Tiết Duy Hòa. Rõ ràng Nam bộ có một kho tàng âm nhạc quý giá mà chúng ta chưa khai thác hết khi dựng các vở diễn có không gian Nam bộ.
Dàn diễn viên quen thuộc như Quang Tuấn, Kỳ Thảo, Minh Dự, Hồng Trang, Hữu Tiến, Hoàng Phi, Tiểu Bảo Quốc, Nam Thư đều diễn rất giỏi chất miền Tây, bởi hầu hết đều gốc người miền Tây. Bi lẫn hài đều có đủ. Và 3 cây hài nổi tiếng Minh Dự, Tiểu Bảo Quốc, Hoàng Phi cùng “gom” vào một vở, đã rất ăn ý, làm khán giả cười nghiêng ngửa bằng lối diễn rất duyên và sạch…
Hoàng Kim
Tags