Xem vở 'Những mặt người thấp thoáng': Thế mới là kịch Hà Nội

Chủ nhật, 29/07/2012 13:25 GMT+7

Google News

(TT&VH) - LTS: Cất công từ Quảng Ninh vào tới tận Huế để dõi theo bước đi của Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp Toàn quốc tổ chức tại đây, NSƯT Bằng Thái nhận thấy không hề “uổng”công mình theo dõi. Anh cho rằng cái “bột” đầy đặn để gột nên “hồ” phải kể tới vở Những mặt người thấp thoáng của nhà văn Xuân Đức.

Chia sẻ với TT&VH bài viết này, anh hy vọng, bạn đọc hãy tạm nhìn một “chiếc lá” để tưởng tượng một “rừng cây”.

Giữa nhiều vở kịch khác như Giếng thơi trong lòng phố của Chu Thơm, Mùa hạ cay đắng của Nguyễn Quang Lập..., bài viết này viết kỹ một vở diễn Những mặt người thấp thoáng của Xuân Đức, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang, trợ lý đạo diễn - NSƯT Trung Hiếu, thiết kế mỹ thuật: NSƯT Song Hào, nhạc sĩ Tiến Minh.

Nghệ thuật “ém”, “mở” kịch tính

Những mặt người thấp thoáng (Nhà hát Kịch Hà Nội) đã đoạt HCV đúng như kỳ vọng của NSƯT Bằng Thái, tác giả bài viết.

Chuyện kịch xảy ra thời hiện tại trong gia đình một cán bộ có chức có quyền, Khả (Tiến Minh đóng) là Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách “mảng” xây dựng. Khả có một người vợ mắc bệnh “tâm thần” tên là Thơm (Thu Hà đóng). Còn Thêm là con gái ông Hoàn (Tiến Đạt đóng) nguyên là cán bộ tổ chức tỉnh.

Không khí vở diễn được mở ra khi tỉnh sắp có đại hội. Với cái “cớ” này chuyện kịch ngày một gay gắt khi Khả bằng mọi cách để giữ lấy cái ghế của mình. Khả, từ một chàng sinh viên ngơ ngác rồi thất nghiệp, cộng với một cái lý lịch không rõ ràng, bởi có một ông bố di cư vào Nam và trốn ra nước ngoài, Khả đã nhận đứa con trong bụng của Thêm để trở thành “con rể” ông Hoàn và cứ thế “thăng quan tiến chức vùn vụt”…

Tác giả Xuân Đức đã tỏ ra cao tay khi biết “ém” các sự kiện và đẩy dần kịch tính. Dù có đau đớn đến cùng thì các nhân vật của vở diễn lại được dịp bộc lộ chân tướng của mình. Khán giả tin ở một cái kết mặc dù để lửng nhưng chắc chắn sẽ có một sự thay đổi cho những nhân cách phẩm giá của con người, nó sẽ được trả về trong sự trong sáng minh bạch, chứ không phải một sự “thấp thoáng” , “lấp ló” trong cuộc đời.

Kịch hay, đạo diễn,  diễn viên giỏi

Lúc đầu tên vở là Những mặt người lấp ló về sau để văn học hơn, tính điển hình cao hơn, một cái nhìn đánh giá tổng thể hơn, tác giả đồng ý đổi tên là Những mặt người thấp thoáng. Tôi vinh dự và may mắn được dự trại sáng tác ở Đại Lải năm 2011 nên được biết kỹ hơn về kịch bản này.

Một cái nhìn sâu sắc, quyết liệt, một không khí “kịch dữ dội”, một đời sống “nóng bỏng” với các mẫu người điển hình của cuộc sống hôm nay được chăm chút, gây dựng và thể hiện tinh tế đến phút cuối cùng. Xuân Đức đã thành công. Riêng tôi “tâm phục khẩu phục” anh.

Nhưng người ta cũng nói “kịch hay” mà không có đạo diễn giỏi, diễn viên giỏi thì cũng bằng “thừa”. May quá! Kịch Hà Nội đã làm được, trước hết phải nói là đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang và trợ lý đạo diễn - NSƯT Trung Hiếu.

Trước hết là biên tập lại kịch bản với 79 trang đánh máy chỉ đọc thôi đã làm trên 2 tiếng đồng hồ chưa kể diễn viên thể hiện, rồi âm nhạc, những phút ngưng lặng,  thay cảnh... Thế mà khán giả lại chấp nhận một cách hào hứng và “tự nguyện” hồi hộp đón nhận nó một cách say sưa không kể những  “cú” đóng màn ấn tượng, những đoạn “độc  thoại”  được “tặc lưỡi”, những tràng vỗ tay giữa kịch... Để thấy đạo diễn đã gặt hái nhiều lắm.

Một Doãn Hoàng Giang không trộn lẫn, sự lịch lãm của cây đại thụ trong làng đạo diễn. Những trò ngẫu hứng, những lớp quần chúng vui nhộn, một trang trí sân khấu hai tầng nhưng năm nay người ta thấy Doãn Hoàng Giang trẻ trung và lãng mạn hơn trong trang phục thay cho “đỏ - đen” là màu trắng tinh khôi. Thay cho “khăn bịt mặt” là những chiếc mặt nạ ấn tượng, cảnh  những ô cửa kính đủ màu (tất nhiên phần trang trí là của họa sĩ Song Hào).

Phải nói là Trung Hiếu xứng đáng là “đệ tử” của “sư phụ” Doãn Hoàng Giang. 3 vở của anh gần đây (2 vở của  Kịch Hà Nội  và 1 vở của Kịch Quảng Ninh) phần nào nói lên sức trẻ của thế hệ đạo diễn đã bắt đầu “tiếp nối” cha anh?

Về âm nhạc thì Tiến Minh, cái anh chàng nghệ sĩ tài năng trên sân khấu, trên truyền hình đã bắt đầu “có chỗ đứng” trong làng âm nhạc rồi đấy. Nhạc sĩ Phú Quang (trong Hội đồng giám khảo) cười rất thoải mái “Chú khỏe anh mừng”.

Cuối cùng là nghệ sĩ biểu diễn. Tôi cho rằng “nghệ sĩ là trung tâm sân khấu” quá đúng. Ê - kíp biểu diễn này tuyệt vời. Một Tiến Đạt (bạn học với tôi) xứng tầm trong vai diễn “để đời” này: Ông Hoàn. Tôi đã phải thốt lên: “Tuyệt đỉnh”. Người ta thấy có bóng hình của một thế hệ vàng son Trọng Khôi, Đoàn Dũng trong Tiến Đạt. Chắc chắn rằng NSND sẽ không xa với Tiến Đạt. Ngoài Tiến Đạt là Trung Hiếu và Tiến Minh, họ học được nhau, bổ sung cho nhau để hoàn hảo, để “ăn nhập và tung hứng”. Nếu là giám khảo tôi sẽ cho 3 anh diễn viên này HCV.

Còn một người đẹp nữa là Thu Hà. Thu Hà vào vai ngon lành và có sự “đổi mới” trong một lối diễn dung dị và thánh thiện. Tuy nhiên “nàng” cũng hơi đẫy đà một chút,  điều này bắt buộc Thu Hà phải “chăm chút” cho thân hình mình mảnh dẻ hơn.

Ngày 28/7 kết thúc hội diễn. Nếu cho phép để bỏ phiếu bình chọn vở diễn hay với tư cách một nhà báo thì tôi sẽ dành trọn cảm tình cho Những mặt người thấp thoáng ngôi đầu bảng.

NSƯT Bằng Thái

Cảnh trong vở 'Những mặt người thấp thoáng'
























Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›