(Thethaovanhoa.vn) - Ở mùa giải Dế Mèn thứ nhất, cô bé Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) được vinh danh ở giải Khát vọng Dế Mèn với bộ tranh vừa hồn nhiên, vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như kiên cường của thế giới trong cuộc chiến với Covid-19. Còn ở mùa giải năm nay, một họa sĩ nhí cũng được xướng danh, nhưng với bộ tranh rất khác. Đó là Xèo Chu với những bức tranh vẽ thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm” của cậu bé sinh năm 2007.
Vậy Xèo Chu là ai?
Xèo Chu có nghĩa gần gũi là “con heo nhỏ”. Xèo Chu tên đầy đủ là Phó Vạn An. Sinh ra trong gia đình là chủ của hai phòng tranh lớn bậc nhất tại Việt Nam, ngay từ trong bụng mẹ, Xèo Chu đã được lắng nghe, rồi nhìn ngắm tác phẩm và gần gũi với các hoạt động nghệ thuật, trưng bày sáng tác, giao lưu nghệ sĩ…
Vào năm 4 tuổi, trong một lần theo hai anh trai đến lớp học vẽ để chơi, Xèo Chu đã bộc lộ ngay năng khiếu bằng cách vẽ lên tay, lên giấy, lên bàn ghế, hoặc vẽ lên bất kỳ cái gì có thể vẽ được... Cũng từ lúc ấy, hành động vẽ đã theo Xèo Chu về nhà, đi mọi nơi, thậm chí trong các chuyến đi chơi cùng gia đình, hoặc ngồi trên xe đến công viên, về quê thăm ông bà.
Vài tháng sau đó, bức tranh đầu tiên vẽ bằng acrylic của Xèo Chu ra đời lúc hơn 4 tuổi. Thật ngạc nhiên, ấy là bức chân dung tự họa, khá chân thực. Đó cũng là cơ duyên để gia đình cho Xèo Chu theo học vẽ, thầy giáo cũng nhận ra năng khiếu bẩm sinh ngay ở buổi gặp gỡ lần đầu.
Nhật ký bằng tranh
Trong vô số câu trả lời xuyên suốt lịch sử mỹ thuật, thì tựu trung vẫn là ghi lại khoảnh khắc của bản thân ngay lúc đó, và nếu được, thử trả lời câu hỏi: Ta thật sự là ai? Vì sao ta đến đây? Đến đây để làm gì? Rồi đi đâu?
Mới hơn 4 tuổi mà Xèo Chu đã vẽ chân dung tự họa, bức tranh ấy chưa nhằm mục đích trả lời những câu hỏi lớn như vừa nêu, nhưng cũng không chỉ dừng lại ở khía cạnh mô tả cho giống, kiểu truyền thần. Trong bức tranh còn khá vô tư ấy đã có các tín hiệu cho thấy đây là một tâm hồn biết xao động, một trái tim biết rung cảm trước những điều thay đổi tinh tế.
Theo thói quen của gia đình, mẹ sẽ nhắc hai anh trai của Xèo Chu chọn cách ghi lại những gì diễn ra xung quanh mình bằng việc viết nhật ký, còn với Xèo Chu thì nhật ký chính là vẽ tranh. Đó có thể là bình hoa mẹ thường cắm, là vườn rau quả sai trái trước hiên nhà, là hồ cá, hoặc cây mai vàng mùa xuân, là giàn khổ qua của nhà hàng xóm, là Boot - chú chó, đồng thời là một người bạn đặc biệt của xèo Chu…
Vì vậy mà tuổi thơ của Xèo Chu đầy ắp những trang nhật ký bằng tranh, ghi lại những gì đơn thuần khiết, gần gũi ở xung quanh.
Lớn lên một chút, được đi nhiều nơi hơn, tranh của Xèo Chu bắt đầu là những hang động, là sóng nước ở vịnh Hạ Long, là mùa Thu ở Canada, là Blue Mountain tuyết trắng xóa, là ruộng bậc thang mùa lúa chín ở núi rừng Tây Bắc… Nói chung, đi đâu thì Xèo Chu cũng vẽ, cũng chụp hình tư liệu, cũng ghi chép. Dù đây chỉ là những gì Xèo Chu nhìn thấy ngoài đời sống, nhưng qua bộ lọc trái tim và tâm hồn tinh tế, chân trời và mỹ cảm của tác phẩm rộng mở hơn, rung cảm hơn, sâu lắng hơn. Nghĩa là Xèo Chu không chỉ trầm trồ, thích thú và mô tả hiện thực, mà còn kể một câu chuyện mới về hiện thực thông qua bộ lộc nội tâm, bắt đầu gởi gắm những tình cảm riêng vào ngoại giới.
Như bức Hoa mai chẳng hạn, Xèo Chu vẽ khi đất trời miền Nam bước vào mùa Xuân, loài hoa biểu tượng cho may mắn, hạnh phúc đang rực rỡ sắc vàng. Xèo Chu vẽ hoa mai đang nở viên mãn, sắp đến lúc tung bay trước gió, ghi nhận thời khắc Xuân đi qua. Bức tranh không dừng lại ở việc nắm bắt một hiện thực bất biến, mà còn mở rộng tầm nhìn ra thành dự cảm về cuộc sống, sớm nở tối tàn, âu cũng là quy luật.
Năm lên 9 tuổi, Xèo Chu đã vẽ bức hoa mai đầu tiên, một món quà tặng sinh nhật mẹ, nhằm tạo sự bất ngờ. Tết nào Xèo Chu cũng muốn vẽ hoa mai, như muốn nhìn lại, không có bức nào giống bức nào, bởi họa sĩ đã dần vẽ được tâm sự của hoa mai, vẽ được sự chờ đợi mùa mai năm sau.
Tranh vì thiện nguyện
Xèo Chu giữ được đam mê của mình xuyên suốt 10 năm qua, trong khi với các đứa trẻ bình thường, chỉ giữ được đam mê chừng 2-3 năm đã khó. Điều gì giúp Xèo Chu làm được điều này? Có lẽ là do em luôn muốn kể một câu chuyện mới, một hình ảnh khác về hiện thực. Xèo Chu dùng các bút pháp của ấn tượng, biểu hiện, thậm chí pha trừu tượng… một cách tự nhiên, nên khi kể lại hiện thực, tất cả đều được chọn lọc và kể theo một diện mạo khác.
Nhân sinh nhật 10 tuổi, gia đình làm cho Xèo Chu một triển lãm tại Sài Gòn và in cuốn sách nhỏ như là một kỷ niệm để lưu lại những bức vẽ, sợ bị thất lạc. Nhưng thật không ngờ, sau khi cuốn sách ra đời, Xèo Chu đã được vài nhà sưu tập ở Singapore, ở New York chú ý, rồi mời đi triển lãm. Trong rất nhiều tác phẩm đã vẽ, Xèo Chu đã chọn ra hơn 100 bức, chúng đã hiện diện ở 3 cuộc triển lãm cá nhân tại New York (Mỹ), Singapore và Việt Nam.
Năm 2015, sau khi gia đình gặp một chút biến cố, Xèo Chu và mẹ càng quý thời gian bên nhau, nên dành nhiều chuyến đi đến các vùng miền đất nước, chiêm ngắm thiên nhiên và hoa lá. Xèo Chu được đi tham quan nhiều bảo tàng mỹ thuật ở Ý, Pháp, Úc, Mỹ, Singapore, Việt Nam…, cũng như được xem nhiều bộ sưu tập tranh lớn của tư nhân. Tuy vậy, nhưng Xèo Chu không bị ảnh hưởng của bất kỳ họa sĩ nào, lý do là vì em vẽ như chơi, vẽ mà không suy nghĩ để thành họa sĩ, vẽ không chịu bất cứ áp lực nào, vẽ không để bán. Từ nhỏ, Xèo Chu đã không chơi điện thoại, do ngoài thời gian học ở trường, thì đi đá banh, đánh bòng bàn, học thêm tiếng Hoa, học thêm vẽ, đi dã ngoại, phụ mẹ cắm hoa, học nhạc… Xèo Chu cũng không có Facebook, Intergram hoặc các trang mạng riêng, vì vậy mà ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, có thể tự nhiên nhất khi vẽ.
- Có những khát vọng Dế Mèn thật đặc biệt
- Vắng 'Hiệp sĩ' nhưng đầy 'Khát vọng Dế Mèn'
- Bảng vàng Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn
Cuối năm 2020, Xèo Chu có triển lãm cá nhân Flower 2020 - Big world, Little eyes tại TP.HCM, bày 20 bức hoa, được bán toàn bộ trong giờ khai mạc. Vì nhiều người hỏi mua, nên triển lãm chỉ bán cho mỗi người được một bức. Đây có lẽ là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam làm được điều này. Nhưng với Xèo Chu thì có vẽ không quan trọng, vì bản thân vẫn muốn viết nhật ký bằng tranh về cuộc sống chung quanh. Mẹ của Xèo Chu thì không muốn con mình nghĩ ngợi đến việc bán tác phẩm, nên gần như toàn bộ số tiền thu về đều được làm việc thiện nguyện, chia sẻ đến những bạn học sinh ở miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai và vì dịch Covi-19.
“Tất cả tiền bán tranh mình đều dành làm từ thiện, vì mình thấy bản thân không cần nó nhiều lắm. Có rất nhiều người cần nó hơn” - Xèo Chu chia sẻ.
“Ban đầu, khi em nghe tin mình được giải Khát vọng Dế Mèn, ở một giải lớn như thế này, em không dám tin được, thật là một vinh dự. Nó cho em thấy em sẽ có một sự ảnh hưởng nào đó đến các bạn đồng lứa khác, một điều mà em chưa từng mơ đến. Nhưng tất nhiên nếu chỉ có một mình em thì em sẽ không có ngày hôm nay, em muốn gửi lời cảm ơn đến thầy cô, mẹ cha, các anh chị đã giúp đỡ em” (phát biểu của Xèo Chu). |
Hiền Hòa
Tags