(Thethaovanhoa.vn) - Tại Vân Nam (Trung Quốc), nơi vẫn được coi là khu vực có người Thái sinh sống sớm nhất trước khi phát triển xuống các vùng đất phía Nam, cộng đồng người Thái ở đây cũng có những điệu xòe của riêng mình. Nhưng, không phải ngẫu nhiên mà Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO vinh danh bởi những sáng tạo rất đặc thù và chuyên biệt.
1. Là chủ nhiệm dự án Kiểm kê di sản Nghệ thuật Xòe Thái để xây dựng hồ sơ trình UNESCO vài năm trước, GS-TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) từng trực tiếp sang châu Xishuanbanna (Tây Song Bản Nạp) thuộc khu vực Tây Nam Vân Nam, Trung Quốc vào năm 2018 để trực tiếp tìm hiểu về nghệ thuật xòe tại đây.
Theo GS Thanh, các nghiên cứu lịch sử đều cho rằng, từ không gian sinh kế này, trải qua những biến thiên lịch sử, con cháu nhiều thế hệ người Thái tỏa dần theo lưu vực Hồng Hà/ sông Cái men dọc biên giới Việt - Trung, tràn vào các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam; hoặc xuôi theo lưu vực sông Mekong về phía Nam, tràn sang đất Myanmar, tiến qua Thượng Lào và xuôi về hạ nguồn Thái Lan để sinh sống.
Các tư liệu thu thập từ khu vực này cho thấy hiện có 12 thôn/ bản gốc thuần người Thái cư trú và làm ăn. Tại đó, các chuyên gia có thể nhận diện được một số hình thức sinh hoạt xòe tiêu biểu được các thế hệ người Thái bảo tồn và trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa để thu hút khách thập phương.
“Tôi lần lượt tới 5 bản trong số đó để tìm hiểu về xòe. Ngoại trừ những điệu xòe được cải biên hiện đại, người Thái ở đây giữ được khoảng dăm điệu xòe cổ. Nhìn chung, các điệu xòe này cũng khá đơn giản cả về nhịp điệu, trang phục và nhạc cụ” - PGS Bùi Quang Thanh nói - “Chẳng hạn, điệu xòe Trống dành cho nam giới, từng người đeo trống và múa theo các động tác mô phỏng chuyện gieo trồng, chống thú dữ và động tác gặt hái, đón vụ thu hoạch bội thu. Điệu xòe Chim khổng tước mô phỏng loại chim thần vốn được người Thái coi là vật thiêng của dân tộc mình, qua các động tác giang tay như bay lượn, điệu xòe Vòng thì không nắm tay nhau, mỗi cá nhân múa theo động tác giống như điệu Lăm vông của người Lào”.
Như nhận xét của PGS Bùi Quang Thanh, dù có một số điểm tương đồng với Xòe Thái của Việt Nam, nhưng các điệu Xòe Thái tại Vân Nam nhìn chung còn hạn hẹp và đơn điệu. Nếu như Xòe của người Thái ở vùng Tây Bắc, Việt Nam luôn có sự gắn kết sâu sắc với tín ngưỡng bản địa, các phương tiện sử dụng (cũng là căn cứ để đặt tên cho từng điệu xòe) cực kỳ đa dạng và phong phú, thì Xòe Thái ở Vân Nam thuần túy mang chức năng vui chơi, giải trí trong các kỳ lễ tiết, thực hành tôn giáo (Phật giáo). Đặc biệt, việc các điệu xòe này gắn kết chặt chẽ với không gian sinh hoạt văn hóa Phật giáo có thể lý giải bằng sự lan tỏa mạnh của Phật giáo từ Ấn Độ, Myanmar vào Vân Nam, và cũng là cách vận động để phát triển, chống lại sự tác động, lấn át của văn hóa Hán trong lịch sử sinh tồn và truyền lưu của cộng đồng dân tộc Thái tại đây.
2. Đặt trong sự so sánh với Xòe Thái tại Vân Nam, PGS Bùi Quang Thanh khẳng định: Xòe Thái tại Việt Nam được sáng tạo với tính đa dạng và sinh động rất cao.
Cụ thể, riêng ở phần tín ngưỡng, bản thân di sản của Việt Nam đã gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan đặc thù của cộng đồng người Thái tại Tây Bắc về phần xác và hồn trong cơ thể con người. Thêm vào đó, nghệ thuật xòe còn chứa đựng nhiều biểu tượng văn hóa do người Thái đúc kết nên, vừa thể hiện quan điểm của họ về ứng xử với tự nhiên và xã hội, vừa đáp ứng các nhu cầu về tâm tư tình cảm của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Hoặc, ở phương diện diễn xướng, rất nhiều “đạo cụ” được người Thái tại Việt Nam sáng tạo khi sử dụng để tạo ra những điệu xòe khác nhau như xòe khăn, xòe nón, xòe tính tẩu, xòe chai, xòe quạt. Điển hình, chỉ riêng chiếc khăn trong các điệu xòe của người Thái cũng đã gắn với những sáng tạo vô cùng đặc sắc.
- Xòe Thái - Di sản đại diện của nhân loại (kỳ 2): Một vũ điệu đặc sắc, đa giá trị
- Xòe Thái - Di sản đại diện của nhân loại (Kỳ 1): Xòe Thái trong quá trình 'tái sáng tạo'
- Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
“Về nghệ thuật, người xòe sử dụng khăn chuyển động khéo léo với thân người, cùng sự vận động của đôi chân tùy theo tư thế, góc độ, kết hợp uyển chuyển cùng nét mặt, ánh mắt để tạo nên những đường nét xòe khăn hấp dẫn” - PGS Bùi Quang Thanh phân tích -“Về góc độ thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tấm khăn qua các điệu thức thực hành sẽ biến đổi theo từng lớp lang nghi lễ khác nhau. Khi 2 tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn là biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn sông Hồng tìm về đất Tổ. Khi khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu, đó là biểu tượng cho chiếc thang đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu. Khi xoắn lại quay theo nhịp múa, khăn trở thành chiếc roi ngựa, tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới”.
Như thế, về tổng thể, có thể thấy rõ Xòe Thái tại Việt Nam đã có những đặc thù riêng trong biên độ nội dung phản ánh thực trạng đời sống văn hóa bản địa cũng như trong các hình thức biểu đạt và sử dụng phương tiện diễn xướng nghệ thuật. Để rồi, chính từ sáng tạo và thực hành độc đáo này, nghệ thuật Xòe của cộng đồng người Thái tại Việt Nam đã được tạo tác để trở thành một sản văn hóa độc đáo được UNESO vinh danh, với bản sắc riêng và chuyển tải những giá trị văn hóa mang tầm nhân loại.
Trí Uẩn
Tags