(Thethaovanhoa.vn) - Việc “bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975” là nội dung được rất nhiều người quan tâm đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định 79 mà Cục NTBD đang tiến hành. Trong đó, việc quy định nội dung ca khúc như thế nào thì không được phép lưu hành có lẽ là điều rất quan trọng.
Sự quan tâm này cũng dễ hiểu, bởi trong thời gian qua và hiện nay, các chương trình nhạc bolero, nhạc xưa nở rộ và thu hút đông đảo khán giả.
“Lịch sử” cấp phép lưu hành ca khúc trước 1975
Sau ngày 30/4/1975, ngoại trừ những ca khúc trong phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên, tất cả số bài hát sáng tác trong vùng tạm chiếm ở các tỉnh thành miền Nam được xem là “nhạc vàng” không được phép phổ biến.
Tuy nhiên, những năm sau đó, một số bài hát nói trên được các Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao) của các tỉnh thành cấp phép cho các chương trình biểu diễn hoặc chương trình sản xuất băng đĩa. Đặc biệt, giai đoạn vàng son của thị trường băng đĩa Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1990, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM đã cấp phép cho rất nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam.
Tháng 10/2012, Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấuđược ban hành. Ở Khoản 3, Điều 29 của Nghị định có ghi: “Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn”.
Điều đó có nghĩa rằng từ ngày 1/1/2013 (thời gian Nghị định 79 bắt đầu có hiệu lực), chỉ có Cục NTBD mới có thẩm quyền cấp phép lưu hành các bài hát sáng tác trước năm 1975, còn các Sở Văn hóa, Thể thao không còn thẩm quyền cấp phép.
Ngày 15/3/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2016/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP nói trên. Nhưng nội dung về cấp phép lưu hành ca khúc sáng tác trước năm 1975 hầu như không thay đổi.
Tuy nhiên, ồn ào xung quanh việc cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 mở màn khi Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM đề nghị dừng lưu hành 5 ca khúc đã được Cục NTBD cấp phép… Và đỉnh điểm của sự việc là khi Cục công bố phổ biến 300 ca khúc trước 1975 trong đó có rất nhiều bài hát từ lâu đã quen thuộc với công chúng. Sự việc này dấy lên phản ứng mạnh mẽ khiến Cục trưởng Cục NTBD lúc bấy giờ phải lên tiếng xin lỗi.
Sau này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng có ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Sự “đổi mới” bắt đầu từ “Con đường xưa em đi”?
Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975, Chính phủ chỉ mới đồng ý về mặt chủ trương, còn thể hiện cụ thể thế nào trong Nghị định sửa đổi thì nó vẫn còn là dự thảo.
Trả lời báo giới, Quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh nói: “Chúng tôi hướng tới việc xây dựng dự thảo sẽ chỉ ban hành quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng và không được phép phổ biến rộng rãi dưới mọi hình thức”, bên cạnh việc giao trách nhiệm cấp phép cho địa phương.
Nhưng với phương án này, nhiều ý kiến quan ngại khả năng của cán bộ cấp Sở khó hoàn thành được nhiệm vụ. Mặc khác, nhiều người tiên liệu sẽ xảy ra tình trạng cùng một bài hát, nhưng địa phương này thì “cho” còn địa phương khác thì “cấm”.
Phương án mà một số nhà sản xuất, nghệ sĩ lựa chọn là Cục nên đưa ra danh sách các bài hát không được phép lưu hành. Nhưng qua nhiều năm, Cục NTBD cho rằng phương án này không khả thi, vì Cục không đủ nhân lực để rà soát hết.
Từ sự việc thu hồi quyết định dừng lưu hành 5 bài hát, trong đó có bài Con đường em đi (tác giả: Châu Kỳ - Hồ Đình Phương), chúng ta có thể hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi trong việc nhìn nhận các ca khúc trước năm 1975.
Theo nhiều báo thông tin, bản nhạc gốc Con đường xưa em đi mà nhạc sĩ Châu Kỳ nộp trong hồ sơ ủy thác thu tác quyền tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có 2 câu khác với các bản ghi âm đang lưu hành hoặc biểu diễn trước tháng 3/2017 là: “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”. Hai câu này được cho là “nhạy cảm” vì đề cập tới người lính ở chế độ cũ Sài Gòn. Vì vậy các ca sĩ hát thành “Lối mòn anh bước đi” và “Nơi đây thao thức canh dài”.
Nhưng từ khi Con đường xưa em đi được lưu hành trở lại, nhất là sau khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thẩm định và kết luận là “không có vấn đề về nội dung”, nhiều ca sĩ đã hát đúng lời nguyên gốc.
Chỉ tính trên các chương trình “chính thống” của một số đài truyền hình, chúng ta có thể bắt gặp các ca sĩ, thí sinh hát Con đường xưa em đi với lời hát “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” như sau: Ca sĩ khách mời Tố My trong chương trình Gương mặt thân quen tập 6 (17/6/2017, VTV); Duy Tài - Đan Phượng trong Tuyệt đỉnh song ca (tập 8, 31/10/2017, Truyền hình Vĩnh Long); Lê Cường - Thúy Vân trong Tuyệt đỉnh song ca (tập 10, 12/9/2018, Truyền hình Vĩnh Long)…
Ở sân khấu biểu diễn, gần đây nhất là màn song ca của Đàm Vĩnh Hưng - Lệ Quyên trong chương trình Bởi vì yêu tại Cung VH Lao động Hữu nghị Việt Xô (5/8/2018) do Thăng Long Show tổ chức.
Sự việc này có thể rơi vào 1 trong 2 trường hợp: Bài hát có đề cập đến người lính chế độ cũ Sài Gòn, nhưng mang tính “vô thưởng vô phạt”, hoặc bài hát đó được sửa lời thì cũng được phép lưu hành. Đó là điều mà trước đây chưa từng có. Phải chăng đây là trường hợp biểu thị cho sự “đổi mới” trong việc xem xét các ca khúc trước năm 1975?
Nhà sản xuất cần nêu cao trách nhiệm Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ghi âm VN, cho rằng: “Với phương án quy định về nội dung các ca khúc trước năm 1975 được lưu hành, các nhà sản xuất cần nêu cao trách nhiệm, phải tự biết bài hát nào nên làm, bài nào không. Không nên sửa lời ca hoặc cứ đề xuất lên cơ quan quản lý, được thì tốt, không được thì thôi. Nếu Cục ban hành được danh sách các bài hát cấm thì thuận lợi cho những ca sĩ, nhà sản xuất hơn”. |
Cần có danh sách bài hát không được phép lưu hành Ca sĩ Ánh Tuyết, người từng làm chủ một phòng trà và cũng hát rất nhiều bản nhạc xưa cho rằng: “Nếu giao quyền cấp phép cho các Sở địa phương, chắc chắn sẽ có tình trạng địa phương này “cho” nhưng địa phương khác lại “không cho” và đó có thể cũng là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, có khi nhà sản xuất hoặc ca sĩ còn cực khổ hơn. Theo tôi, giải pháp là Cục cũng phải xây dựng một danh sách các ca khúc không được phép lưu hành và cập nhật thường xuyên vào đó. Với trường hợp ca khúc có sự xử lý khác nhau giữa các địa phương, Cục sẽ là người quyết định và cập nhật tiếp vào danh sách, nếu bài hát đó thuộc diện không được phép lưu hành”. |
(Còn tiếp)
Bình Minh
Tags