Với trên 4.000 hội viên các Hội văn học, nghệ thuật Hà Nội và hàng nghìn văn nghệ sỹ các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương sinh sống, làm việc trên địa bàn, Hà Nội được coi là nơi hội tụ nhiều tài năng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ này.
Văn nghệ sỹ Thủ đô đã phát huy tài năng nghệ thuật của mình, cống hiến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đóng góp nhiều công trình có giá trị về văn hóa; đồng thời là nguồn nhân lực nòng cốt trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Bên cạnh mạch nguồn sáng tạo là yêu nước, nhân văn, dân tộc, văn học, nghệ thuật Thủ đô đang có sự thích ứng linh hoạt với yếu tố thời đại.
Qua các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự phát triển của thành phố và con người Hà Nội qua các loại hình văn học nghệ thuật (như: Văn học, sân khấu, âm nhạc, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, kiến trúc…) cho thấy, văn học, nghệ thuật vẫn bám sát khuynh hướng sáng tạo chính; góp phần đẩy lùi cái xấu, mang đến cuộc sống những giá trị nhân văn tốt đẹp, trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Bên cạnh khuynh hướng kế thừa, phát triển truyền thống, văn học, nghệ thuật Hà Nội xuất hiện hai khuynh hướng mới; đó là khuynh hướng cách tân và khuynh hướng thị trường.
Khuynh hướng cách tân đang được nhiều tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ tìm tòi, thể nghiệm, tìm kiếm phương thức biểu đạt mới như một đòi hỏi tất yếu của sáng tạo. Điều đó cũng thể hiện sự nhạy bén với cái mới, phù hợp với xu thế thời đại và mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới. Với lực lượng sáng tác trẻ, hầu hết các loại hình nghệ thuật đem đến một sinh khí mới, triển vọng phát triển mới trong văn học, nghệ thuật hiện nay.
Khuynh hướng thị trường ngày càng tác động đến đời sống văn học, nghệ thuật. Mặt tích cực của nó là tạo ra nhiều nguồn lực và động lực mới cho văn học, nghệ thuật phát triển, thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình xã hội hóa hoạt động này trong giai đoạn mới, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho rằng, việc chấp nhận và thể hiện chức năng giải trí như là một nhu cầu của công chúng nghệ thuật bên cạnh các chức năng cơ bản khác là một dấu hiệu mới góp phần mở rộng ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tự do, dân chủ trong sáng tác ngày càng được tôn trọng và mở rộng, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng đậm nét trong các sản phẩm văn học, nghệ thuật.
Ưu thế của các nền tảng số, không gian mạng, âm thanh trực tuyến đã tạo ra nhiều hình thức phát hành, xuất bản mới như: Sách điện tử, phim chiếu trên mạng, nhạc số… Đây là cơ hội cho không ít nghệ sỹ thử nghiệm sáng tác bằng tiếng nước ngoài, chọn thị trường quốc tế để công bố sản phẩm. Nhiều tập thể, cá nhân người làm nghệ thuật còn xuất bản phi truyền thống, biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online", "Phòng trưng bày online" đưa các vở diễn, chương trình đến với khán giả trong và ngoài nước.
Hà Nội ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; trong đó, chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực nghệ thuật như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo. Như vậy, các lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Nhà Lý luận phê bình Trần Lệ Chiến cho rằng, văn học, nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, đặc biệt là thời đại kỷ nguyên số, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện nghị quyết của Chính phủ xây dựng nền công nghiệp văn hóa. Bởi vì, sự phát triển bền vững và có giá trị của văn học, nghệ thuật khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Trong lĩnh vực văn học, lực lượng sáng tác chuyển mình với xu hướng cởi mở, nhanh nhạy. Các tác phẩm giàu sáng tạo, trội về cá tính, đa dạng, nhiều màu sắc, thích ứng với đời sống xã hội. Theo đại diện Hội Nhà văn Hà Nội, thời gian qua, lượng tác phẩm của hội viên Hội Nhà văn Hà Nội được liên kết xuất bản, giới thiệu ra nước ngoài có mật độ cao. Chỉ tính trong 3 năm gần đây đã có trên 20 tập truyện, ký và thơ được dịch và giới thiệu sang các nước khối ASEAN và Hàn Quốc, Nga, Mỹ…
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, các vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội lồng ghép nhiều hình thức nghệ thuật trong tác phẩm như: Kịch nói, múa rối hay thủ pháp sân khấu lồng sân khấu; nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, quan họ… cũng được đan xen khéo léo với nhạc rap, nhảy hiện đại, vừa tạo chiều sâu văn hóa cho tác phẩm, vừa phù hợp với thị hiếu của khán giả. Nhà hát Chèo Hà Nội tạo sự khác biệt bằng cách xây dựng các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống, đan xen ca hát dân gian, Nhà hát Múa rối Thăng Long cuốn hút khách quốc tế bởi ngôn ngữ biểu đạt độc đáo và chất liệu vốn văn hóa dân gian đặc sắc…
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với xã hội hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đầu tư kinh phí cho lĩnh vực này còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa của cả nước. Mặc dù tác phẩm văn học, nghệ thuật của Hà Nội rất phong phú và đa dạng nhưng còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với truyền thống nghìn năm văn hiến, tầm vóc, vị thế của Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đang yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan văn hóa phải tham mưu cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô; trong đó có lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm như: Thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sỹ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm; thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội. Như vậy mới khơi dậy, phát huy được nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước.
Tags