Vân Long – người tiên phong theo lối 'văn học xanh'

06/01/2021 08:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sống ở tuổi bát tuần, nhà thơ Vân Long đang là người hiếm hoi của văn học Việt Nam hiện đại cầm bút từ ngày lập quốc 1945. Năm 2016 trong một hội thảo khoa học về văn chương Hà Nội thời tạm chiếm, nhà thơ Vũ Quần Phương trân trọng: “Những người còn lại chúng tôi mời được đến đây hôm nay chỉ có anh Vân Long và anh Lê Văn Ba hai cây bút trẻ của thời kì ấy…”.

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (Kỳ 25): Hoài Vũ – đau đáu về một 'miền xanh'

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (Kỳ 25): Hoài Vũ – đau đáu về một 'miền xanh'

Nói đến nhà thơ Hoài Vũ, có thể ít người biết, nhưng nói đến bài hát Vàm Cỏ Đông thì ngược lại. Vàm Cỏ Đông là bài hát mà nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ bài thơ cùng tên của Hoài Vũ. Bài hát với lời thơ của Hoài Vũ đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ…

Ở thời kì ấy kịch thơ Mơ xuân của Vân Long đã in trên một giai phẩm xuân của Hà Nội 1952. Và trên một tờ báo phát hành ở Sài Gòn đã có bài của cây bút trẻ Vân Long viết về quê mình với những câu dữ dội: “ngói vỡ, đình vỡ, gạch mướt mồ hôi”, “Có con sông đỏ máu trai làng” ,“Súng gầm tan cối đá / Máu người ngâm cho thóc nẩy mầm” (Lửa Yên Khê - báo Đời Mới, 25.3.1954 ).

Thuộc Hà Nội tầm xa tới tận sông Đáy, sông Đà

Vân Long viết cho các em thiếu nhi thì khác hẳn, không dữ dội mà ấm áp, hiền lành dù sắc sảo. Và, kĩ tới từng chữ, từng dấu câu: “… khi đi một mình, tôi thích ôm cặp vào ngực, nhìn lên các vòm cây, vừa đi vừa lẩm nhẩm ôn bài… Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời. Nhưng khi lửa ở cây gạo sắp lụi thì nó lại “bén” sang những cành cây vông cạnh cầu Thê Húc…” (Qua những mùa hoa, sách Tiếng Việt 5 tập 2 tr. 98)

Chỉ một bài mà học sinh học được tới 6 loài cây - gạo, vông, phượng, bằng lăng, muồng, sấu; chỉ một một chữ lửa xửa xưa mà người viết giúp các em nhìn thấy đuốc cây, để rồi tưởng tưởng ra hội rước đuốc nối bốn mùa thiên nhiên trong “cuộc chạy tiếp sức của các loài hoa trong thành phố”. Bài này được dạy trong tuần học sinh có bài lí thuyết tả cây cối. Đây là một lựa chọn hay của nhóm biên soạn giáo khoa.

Vân Long rất thuộc Hà Nội để viết được như thế. Là con trai của một chủ tiệm may lớn ở phố Tràng Tiên, nhưng vì những khúc mắc trong gia đình, ông sớm phải bôn ba kiếm sống. Vân Long từng cắp cặp, ngược xuôi khắp thành phố khi làm nhân viên thu ngân cho một công ty. Năm 1956, ông cùng bạn văn Băng Sơn mở tiệm bán sách 72 phố Huế rồi có “cơ may” cụt vốn để được trở thành nhạc công violon chính danh trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Ông có mặt ở đêm diễn của đoàn trong một dạ hội tại vườn Bách Thảo, buổi diễn được ghi lại trong bức hình lịch sử Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàncủa tác giả Lâm Hồng Long).

Chú thích ảnh
Nhà thơ Vân Long

Vân Long thuộc cả Hà Nội mở rộng, nhờ 5 năm liền, mỗi sáng xách cà-mèn cơm vợ nấu, chen xe buýt vé tháng, vào Hà Đông làm cán bộ phòng sáng tác Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình. Ông thuộc Hà Nội xa tới tận sông Đáy, sông Đà. Tầm xa là vậy. Tầm gần thì cận cảnh tới tận gân lá, râu cây đất này:

“Cây quỳnh lá dày, giữ được nước, chẳng phải tưới nhiều. Cây hoa ti gôn thích leo trèo, cứ thò những cái râu ra, theo gió mà ngọ nguậy như những cái vòi voi bé xíu. Cây hoa giấy mọc ngay bên cạnh bị nó quấn chặt một cành. Những chiếc vòi quấn chắc nhiều vòng, rồi một chùm ti gôn hé nở. Cây đa Ấn Độ thì liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt. Khi đủ lớn, nó xòe ra thành chiếc lá nâu rõ to, ở trong lại hiện ra cái búp đa mới nhọn hoắt, đỏ hồng...” (Chuyện một khu vườn nhỏ, sách Tiếng Việt 5 tập 1 tr. 102).

Bài tập đọc này được dạy cùng tuần với bài chính tả “Luật bảo vệ môi trường” nhắc học sinh “tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học”. Chính tác giả Vân Long, tự nhắc mình điều này, khi trong thơ ông thiên nhiên không chỉ ngồn ngồn trong cả 6 tập, mà còn gần như biêng biếc trong từng trang thơ! Ông là người tiên phong đưa thơ Việt theo lối văn học xanh.

Đắm đuối với hoa lá cây rừng…

Việc ấy không phải dễ khi Vân Long, anh thanh niên “tạch tạch sè” (tiểu tư sản). Ông từng kể anh bạn họa sĩ-nhà thơ Hoàng Tố Nguyên cùng phòng sáng tác với mình. Một lần, xã Bình Minh là điển hình nông nghiệp của tỉnh, ngành văn hóa cho xuất bản một tập ca dao tuyên truyền, nhân điển hình. Được phân công vẽ bìa, Hoàng Tố Nguyên thức cả đêm thực hiện. Ông vẽ toàn cảnh đồng lúa đang lên xanh, ở cận cảnh hai lá lúa mơn mởn uốn câu giao nhau, phía sau chạy chữ Bình Minh. Tập thể phòng trầm trồ khen đẹp. Nhưng một đồng chí lãnh đạo khi duyệt thì, nói thầm: “Cẩn thận không lại thành biểu tượng hai mặt! Hai lá lúa giao nhau, hai gạch chéo, không khéo người ta lại bảo mình phủ định thành tích, phủ định nông nghiệp, khinh thường nông dân”.

Khó thế mà từ ấy, Vân Long đã dám đắm đuối với hoa, với lá, với cây, với rừng:

Những bé cây xinh xắn trong nôi

Gỗ tứ thiết cũng một thời trứng nước

Tôi cảm phục những người đang chọn hạt

Nhân đại ngàn từng vốc trên tay

(Cánh rừng thơ ấu - tr. 67- sách Hành trình thơ)

Vân Long có một thiên nhiên trên tay bé bỏng, yếu đuối như con mình thời sơ sinh cần nâng niu, bảo vệ. Có một thiên nhiên lớn hơn ngay bên mình như vợ ông, người mang tên hoa, để ông nương tựa và thủy chung cả với hoa và người:

Phượng rạo rực đầu cảnh nở đỏ

Tháng năm bừng một trời thương nhớ

Nghìn cách xa em vẫn liền bên

Ta quên đâu mà hoa nhắc tên!

(Gửi người trùng tên hoa tr. 28)

Thủy chung cho tới khi vào lòng đất, tìm lối sang thế giới bên kia, để cùng trường tồn:

Năm ngoái còn chơi đào thế trực

Năm nay nhà rộng thế tung hoành

Một mai ngang dọc vừa ba thước

Cây có thế gì trên mộ anh?

Còn thế gì khác cái thế đẹp của một nhà văn đưa bút như “Những ngọn cây cao/ Cứ sục tìm chi khoảng biếc/ Nõn lá tủa ra quyết liệt”.

Chú thích ảnh
“Chuyện một khu vườn nhỏ” của Vân Long trong sách Tiếng Việt 5 tập 1

Đắm đuối nhưng can trường và được việc

Người viết bài nhớ, khi còn là sinh viên, mình được học thầy Hồ Ngọc Đại một học phần tâm lí học khi thầy chưa qua Liên-Xô (cũ) lấy bằng tiến sĩ.

Học tâm lí cho nên ở tiết học cuối cùng, thầy liên hệ thực tế bằng việc đưa ra một bài tứ tuyệt ngũ ngôn, nói về tâm lí rối loạn của một người tình. Thơ tình ấy là thơ Vân Long:

Gần nhau non buổi chiều/ Ngẩn ngơ tròn buổi tối/ Đường về quên mất lối/ Rẽ lầm tới nhà em (Quen - tr.20)

Những người yêu nhau, học thầy Đại cũng dùng thơ Vân Long để thuyết phục người mình yêu:Qua dải sân mưa tôi ngắm em/ Màn mưa nhòa những nét thân quen/ Tình yêu mới nở sao mà đẹp/Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen (Qua mưa tr. 21)

Thi phẩm được việc như thế, thi nhân cũng được việc theo. Nhà thơ Đỗ Bạch Mai chưa quên những bài thơ tình mà chồng mình, cố nhà thơ Bế Kiến Quốc, viếtnhững ngày tiền hôn nhân: “Tại sao anh chẳng tới/ Cô ấy đang mong chờ/ Bạn bè về kể lại/ Như trách anh thờ ơ/ Cô ấy buồn thực sự/ Khi thấy một mình tôi/ Thôi bạn đừng kể nữa/ Thế cũng khổ nhau rồi”. Cái anh bạn “thông tấn tình yêu" với hai lời thoại tin nhắn kia chính là nhà thơ Vân Long!

Nhà văn, nhà ngoại giao Hồ Anh Thái kể chuyển mang thơ Vân Long đi sứ bên Ấn Độ: “Vừa mới dứt hai câu đầu của bài thơ Không chiến trường của Vân Long: “Đất nước im súng bom/ Lòng lại bày trận mạc…”.Tức khắc có tiếng xôn xao của các nhà thơ (Ấn Độ) ở phía sau: “vì sao?” “vì sao vậy?”. “Tươi tắn thế chả lẽ em làm giặc/ Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua”. Thế là cả thính giả, cả các nhà thơ ồ lên thích thú…”.

Cái người đưa tay đầu hàng em để ôm chặt em hơn lại là nhạc công violon can trường cưỡi ca nô đè sóng biển Đông, qua mặt thủy lôi Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng ngày ấy, để tấu nhạc Việt, trên các boong tàu, góp phần lên tinh thần cho các thủy thủ đến Việt Nam từ Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương… để có thi hứng và thi liệu, viết bài thơ Chuyện kể về một vùng biển nóng dài tới 10 trang, nối biển xanh vào vai trần những người công nhân cảng: “Đã thấy trập trùng núi dựng, hàng lên/ Đã thấy những vai thồ nhấp nhô sóng lượn…”.

Vài nét về nhà thơ Vân Long

Sinh 1934.Tên thật Nguyễn Văn Long.Đã từng là nhạc công, là cán bộ cán bộ Sở Văn hóa Hải Phòng, Hà Sơn Bình, là biên tập viên báo Ðộc lập, báo Sức khỏe và đời sống, NXB Hội Nhà văn.

Các tác phẩm chính:

- Thơ: Ðường vào tim, Tia nắng, Thành phố tôi yêu, Qua những miền đất ,Gió và lửa,Thành phố những ban mai,Vào thu, Những khối hình câm.

Thơ, truyện viết cho các em: Sư tử xanh,Trai ngọc và sứa vật vờ, Làm ngọc, Rùa đá đi chơi, Mùa thu quê Việt (tuyển thơ)

- Giải thưởng: Giải thưởng Văn học công nhân (1975-1980); Giải thưởng thơ Hội VHNT Hà Nội (1986-1991);Giải thưởng thơ Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các HộiVHNT Việt Nam (2000)

Bế Đỗ Kiến Văn

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm