Sự trở lại của đội trưởng CLB Hà Nội, Nguyễn Văn Quyết, trong danh sách dự kiến đội hình ĐTQG Việt Nam ở loạt trận FIFA Days tháng 10 này đã gây nhiều sự chú ý và cũng nhiều tranh cãi.
Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, 4 trận gần nhất dưới thời HLV Kim Sang Sik, đội tuyển thua 3 và chỉ thắng 1, ghi được 5 bàn thắng và để lọt lưới tới 10 lần. Phong độ tệ hại của hàng công ĐTQG là lý do khiến HLV người Hàn Quốc phải cầu viện tới chân sút người Việt xuất sắc nhất nhì trong lịch sử V-League? Có lý!
Nguyễn Văn Quyết sinh năm 1991, nhưng anh đã và đang trải qua mùa giải V-League thứ 15 trong màu áo CLB Hà Nội (với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T), ghi 107 bàn thắng và vẫn chưa dừng lại. Trước đó, Văn Quyết trưởng thành từ lò đào tạo Viettel và chơi cho đội bóng này ở giải hạng Nhất, từ khi mới 17 tuổi.
Không ngoa khi nói rằng, Quyết là cầu thủ tấn công người Việt hay nhất V-League trong gần 15 năm qua. Nó không chỉ thể hiện bằng số lượng bàn thắng, dù không phải lúc nào Quyết cũng chơi tiền đạo, mà chính bởi vai trò, tầm ảnh hưởng của anh lên lối chơi của CLB giàu thành tích nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam ở kỷ nguyên lên chuyên.
Trong những mùa giải mà CLB Hà Nội bơi ra đấu trường châu lục, đặc biệt là AFC Cup 2019, Văn Quyết (cùng Thành Lương) càng cho thấy vai trò đầu tàu, thủ lĩnh, lĩnh xướng hàng công của đội bóng.
Tuy nhiên, Văn Quyết lại dường như không mấy có duyên trong sắc áo các ĐTQG. Cho đến bây giờ, thành tích tốt nhất của cầu thủ tấn công người Hà Tây (cũ) là chức vô địch AFF Cup 2018, HCB giải đấu này năm 2022 và cùng Olympic Việt Nam lọt vào bán kết Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 18 năm 2018. Ở các giải đấu ấy, dấu ấn chuyên môn của Văn Quyết là không nhiều, dù anh vẫn được tín nhiệm đeo băng đội trưởng. Quyết thậm chí còn chút thua thiệt với thế hệ các cầu thủ đàn em.
Quan điểm chiến thuật và dùng người của các HLV là không giống nhau. Ở góc nhìn của người viết, Văn Quyết có đầy đủ năng lực để thích nghi với mọi sơ đồ hay các ý tưởng về lối chơi. Ai bảo Quyết làm chậm nhịp độ hay tốc độ chuyển đổi trạng thái, xem như hơi thiếu... chuyên môn.
HLV Park Hang Seo đã quen với mô hình "2-3 trong 1" suốt 5 năm dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam. Điều quan trọng là nó hiệu quả. Trước đó, nhiệm kỳ các HLV Nguyễn Hữu Thắng, Toshiya Miura hay Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng...lại rơi vào khoảng hẫng của nền bóng đá nên không tính. Gần nhất, ông Philippe Troussier lại tin dùng cầu thủ trẻ từng là các học trò ruột. Với HLV Kim Sang Sik lúc này, không nhiều người kỳ vọng vào một cuộc cách mạng về lối chơi.
Sự hiện diện của Văn Quyết có thể khiến phòng thay đồ của ĐTQG Việt Nam có chút "xáo trộn". Quyết là cánh chim đầu đàn và vai trò của anh ở lần trở lại này đương nhiên cũng khác. Quyết là mẫu cầu thủ dẫn dắt lối chơi chứ ít chịu chấp nhận làm nền cho người khác. Tư chất này đã xuất hiện từ khi Văn Quyết đeo băng đội trưởng đội tuyển U19 Việt Nam tung hoành ở các giải trẻ.
Ở tầm này, Văn Quyết có lẽ không cần phải khẳng định hay chứng minh với ai cả. Công việc của anh tại CLB Hà Nội và vai trò trụ cột gia đình mới là tất cả. Song có lẽ, anh vẫn cần một lần tỏa sáng thực sự ở ĐTQG. AFF Cup 2024 chắc chắn sẽ là giải đấu quốc tế cuối cùng của Nguyễn Văn Quyết, một huyền thoại ở sân Hàng Đẫy, một người hướng nội. Đội bóng cần kinh nghiệm và đẳng cấp chơi bóng cao nhất của Quyết. Vậy còn chờ gì nữa?!
Các trận giao hữu với Ấn Độ và Lebanon tới đây chính là những dịp tuyệt vời, với các chiến binh lão luyện thực chiến như Văn Quyết và Quế Ngọc Hải.
Tags