Quá trình triển khai VAR của V-League đã vào giai đoạn cuối của công tác chuyển bị và nếu không có gì thay đổi thì mùa tới bóng đá Việt Nam sẽ có VAR. Lâu nay chúng ta luôn thắc mắc tại sao không triển khai VAR sớm, nhưng hơi vô lý là chẳng ai hỏi: Tiền đâu để lắp VAR khi mà chưa tính đến yếu tố thiết bị và công nghệ, áp dụng VAR "ngốn" thêm mỗi trận đấu hơn chục con người. Họ đều phải được trả lương.
Nên cái chuyện của Chủ tịch CLB Hải Phòng đề nghị phát sóng trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với Hong Kong (TQ) theo hình thức miễn phí cho thấy ngay tư duy của người làm bóng đá cũng dường như chưa nhận thức đầy đủ tính "sống còn" của tiền trong bóng đá, kể cả khi những người như Chủ tịch Văn Trần Hoàn cũng phải "chạy" tiền cho Hải Phòng FC mỗi mùa.
Cả năm 2023, đội tuyển có đá được bao nhiêu trận trên sân nhà đâu, một cơ hội tốt như vậy mà không "tranh thủ" bán sóng thì đợi đến khi nào? Và ở khía cạnh khác, ngay cả người hâm mộ, nếu bây giờ không đóng góp cho đội tuyển bằng việc trả phí bản quyền thì đợi đến lúc nào?
Cứ cho là đội tuyển Việt Nam đang làm "nghĩa vụ quốc gia" và có một phần ngân sách Nhà nước chi cho các đợt tập trung, tập huấn, nhưng chi phí khách mời thì sao? Để có được một trận đấu trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp sở hữu bản quyền và "bán" sóng, thì chúng ta phải mời người ta sang.
Muốn mời các đội mạnh, thì tiền càng phải nhiều. Đá với đối thủ yếu, thì bảo là chúng ta không có uy tín để mời các đội mạnh, nhưng kỳ thực, muốn có một đội bóng danh tiếng chấp nhận sang đá với đội "chiếu dưới" như Việt Nam thì uy tín chỉ là chuyện nhỏ, mọi thứ nằm ở số tiền mà chúng ta có thể đáp ứng.
Nên, dù có nhiều tranh cãi, thì đến lúc bóng đá Việt Nam cần phải được "tính tiền". Nghĩa là mọi thứ phải được quy đổi, được định giá. Ví dụ như trận Việt Nam - Hong Kong (TQ) kể cả khi có miễn phí thì trước hết cũng phải tính cho ra giá trị của nó về khía cạnh bản quyền là bao nhiêu và lúc đó mới nói chuyện ai sẽ trả tiền cho việc miễn phí đó, bởi nếu không tính ra được tiền, thì sẽ có các trường hợp như Chủ tịch của Hải Phòng FC đề nghị miễn phí.
Bóng đá Việt Nam cần được tính tiền, nhất định phải như vậy, kể cả khi điều đó sẽ làm giảm sút sự thiện cảm của người hâm mộ, bởi có một thực tế là cái cơ chế miễn phí không đem lại lợi ích đáng kể nào cho bóng đá cả. Cứ lấy V-League làm ví dụ, có vài sân bóng chỉ bán 50-100.000 đồng cho mệnh giá thấp nhất nhưng số khán giả có đông được đâu?
Có mùa, sân Gò Đậu Bình Dương miễn phí vé, cũng chẳng vì thế mà khán giả đến sân. Để xem các trận đấu của V-League chỉ cần một thao tác đơn giản là đăng ký tài khoản miễn phí, vậy nhưng người ta vẫn xem trên các trang web phát lậu. Tóm lại, không cứ là miễn phí thì mới đúng tính chất phục vụ người dân hoặc thu hút được thêm người xem.
Các gói mua bản quyền mà FPT Play thực hiện ở V-League hay ở đội tuyển quốc gia có thể nói là một bước tiến lớn trong lộ trình "tính tiền" cho bóng đá Việt Nam vì đây là lần đầu tiên, các trận đấu, giải đấu quan trọng nhất của một nền bóng đá được thể hiện ở các số tiền cụ thể cho dù vẫn có vài chi tiết mang tính tương đối.
Có số tiền ấy, mới có VAR, có được chất lượng sóng tốt và có cả những bình luận viên xuất sắc để tăng trải nghiệm cho người xem. Có số tiền ấy, thì mới đong đếm được giá trị của các trận đấu. Nếu phát miễn phí, trận Hà Nội FC đá với HAGL sẽ chẳng thể nào biết được là lớn gấp bao nhiêu lần so với trận của 2 đội trụ hạng.
Một khi đã không biết được giá trị của trận đấu, thì sẽ không thể nói đến chuyện bản quyền truyền hình của đội này, đội kia nhận được từ nhà đài là bao nhiêu. Mà đã không biết mình nhận bao nhiêu, thì làm sao có thể đầu tư để cố gắng tạo ra các trận đấu có giá trị cao để mà nhận được nhiều tiền.
Nếu trận đấu Việt Nam - Hong Kong (TQ) được phát miễn phí, thì sẽ khó biết trận đấu đó thu được bao nhiêu tiền từ thuê bao. Từ đó, sẽ không tính ra được con số mà VFF phải kiếm để mời một đội bóng danh tiếng đến Việt Nam thi đấu hoặc mức "giá ra sân" mà đối tác đưa ra là có phù hợp hay không?
Cho đến lúc này, vẫn chưa ai hỏi: Tiền đâu để trả cho công nghệ VAR?
Tags