(Thethaovanhoa.vn) - Ủng hộ đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong đề xuất bãi bỏ nhiều loại giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng VCCI cũng cho rằng còn nhiều loại giấy phép khác cần tiếp tục được rà soát, đặc biệt cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim.
Trong công văn góp ý gửi cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ủng hộ các đề xuất bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài; và bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, qua rà soát các loại giấy phép và thủ tục hành chính tại Luật Điện ảnh, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bãi bỏ một số quy định.
Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…
Theo VCCI, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập.
Thứ nhất, độc quyền về kiểm duyệt phim. Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.
So sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì sẽ thấy cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay rất bất cập. Ví dụ, trong lĩnh vực xuất bản, hiện nay Việt Nam có đến 60 nhà xuất bản. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho các nhà xuất bản khác nhau. Nhà xuất bản sẽ phải làm việc với tác giả để kiểm duyệt những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch. Nếu nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình thì tác giả có thể mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Nhà nước đứng ở vị trí cấp phép, hướng dẫn và hậu kiểm các nhà xuất bản.
Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Đây sẽ là những con số hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.
"So sánh với lĩnh vực xuất bản cũng sẽ thấy, năm 2018 Việt Nam có 32.000 đầu sách được xuất bản. Điều này sẽ không thể có được nếu cơ chế kiểm duyệt sách cũng dựa vào những hội đồng độc quyền như lĩnh vực điện ảnh", VCCI nêu ý kiến.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim. Cụ thể, Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.
Mặt khác, ban hành các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
“Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…”, VCCI kiến nghị.
Cần bãi bỏ nhiều giấy phép
VCCI cũng cho rằng, quy định các cơ sở điện ảnh nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là không cần thiết và cần được bãi bỏ.
Lý do, hiện nay, việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã phải tiến hành thủ tục xin phép Sở Công Thương các địa phương theo quy định của Nghị định 07/2016/NĐ-CP. Do đó, việc yêu cầu các đơn vị này xin thêm giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là trùng lặp về thủ tục hành chính.
Việc các hãng phim, doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện là điều cần được khuyến khích. Đây chính là cơ hội để người làm điện ảnh của Việt Nam có cơ hội để hợp tác, học hỏi từ điện ảnh thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để phim Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới.
VCCI cũng kiến nghị bãi bỏ giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hiện nay, việc sản xuất phim đang ngày càng được quốc tế hoá theo hình thức chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi quốc gia chỉ tham gia làm một vài công đoạn của bộ phim. Với những hoạt động đa dạng như vậy thì với quy định hiện tại sẽ rất khó xác định được hoạt động nào cần phải xin phép, hoạt động nào không.
VCCI cho rằng, vền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam hiện nay đang đi sau các nước trên thế giới rất nhiều về công nghệ, kỹ năng, phương pháp, trình độ quản lý. Sự hợp tác giữa những nhà sản xuất phim trong nước và các hãng phim nước ngoài sẽ là cơ hội rất lớn để các nhà làm phim Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, học hỏi từ thế giới. Luật Điện ảnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó bằng cách tạo điều kiện, gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính này có thể khiến các hãng phim lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác với các quốc gia khác thay vì hợp tác với nhà làm phim của Việt Nam.
Dự thảo đề xuất việc thu tiền từ doanh thu chiếu phim, doanh thu của các doanh nghiệp phổ biến phim qua internet để tạo nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo VCCI, những nghĩa vụ tài chính này không khác gì các khoản thuế mới đặt ra đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Việc lấy doanh thu từ các phòng chiếu phim sẽ khiến các phòng chiếu buộc phải đẩy chi phí này vào giá bán vé cho người xem, kết quả là giá vé xem phim sẽ tăng. Nếu giả sử quỹ thu từ 1-3% doanh thu bán vé, với mỗi vé xem phim có giá từ 30.000 – 100.000 đồng thì tức là mỗi người đi xem phim sẽ phải chịu chi phí tăng thêm từ 300 đồng đến 3.000 đồng. Đối với người xem phim thì đây không khác gì việc tăng thuế VAT đối với toàn bộ việc sản xuất, phổ biến phim từ 10% lên 11- 13%. Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh được khuyến khích thì chính sách này lại làm tăng giá thành, tăng chi phí, tăng giá cả của loại hình dịch vụ này, đi ngược lại với chính sách chung. |
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Tags