Một sự việc "có một không hai" đã xảy ra tại môn điền kinh Đại hội thể thao sinh viên thế giới ở Thành Đô, Trung Quốc. Một chân chạy người Somali khiến dư luận dậy sóng khi chậm chạp trên đường chạy 100m, cán đích kém các đối thủ khác tận 10 giây.
VĐV gây sốc tại giải điền kinh ở Trung Quốc vì chạy… quá chậm
Ở nội dung 100m nữ, chân chạy Nasra Ali Abukar đại diện cho Somali đã cán đích với thành tích 21,81 giây. Đây là thông số được xác nhận là "tệ nhất lịch sử" các cuộc thi điền kinh quốc tế. Đoạn video ghi lại nội dung thi được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, Nasra Ali Abukar chậm chạp xuất phát và tụt lại phía sau. Trong khi các đối thủ đã cán đích và tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi, thì đại diện của Somali mới hoàn thành phần thi của mình.
VIDEO: Phần thi gây xôn xao của VĐV điền kinh người Somali
Dư luận lập tức đặt ra câu hỏi, tại sao Somali lại gửi một chân chạy dường như không có chút kinh nghiệm, và trông không giống VĐV một chút nào để dự thi ở một sự kiện lớn. Trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng Abukar là cháu gái của Phó chủ tịch Liên đoàn điền kinh Somali, Khadija Adan Dahir, nên mới có cơ hội tham dự giải đấu này.
Elham Garaad, tài khoản đã đăng video về cuộc thi trên Twitter, viết: "Bộ Thanh niên và Thể thao nên từ chức. Thật nản khi chứng kiến một cơ quan bất tài như vậy. Làm thế nào mà họ lại chọn một cô gái chưa được đào tạo để đại diện cho Somali thi đấu. Điều đó gây sốc và tạo ra hình ảnh không tốt cho đất nước chúng ta trên đấu trường quốc tế".
Ở đoạn tweet sau đó, Garaad cho hay: "Đó là cháu gái Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Somali. Thế thì bạn còn mong chờ gì?". Tài khoản này cũng chia sẻ ảnh chụp màn hình bài đăng trên Facebook ông Dahir chúc mừng cháu gái được chọn đi thi đấu ở Đại hội thể thao các trường đại học thế giới.
Tờ Newsweek đưa tin rằng Liên đoàn điền kinh Somali đã mở một cuộc điều tra về lý do tại sao Abukar được chọn tham gia giải đấu này.
Đây không phải là lần đầu tiên thể thao Somalia trở thành đề tài bàn tán. Tại Olympic Rio 2016, VĐV Maryan Nuh Muse cũng về cuối khi hoàn thành vòng loại 400 m nữ với thời gian 1 phút 10 giây 14. Nhưng khi đó, cô được ca ngợi là niềm cảm hứng khi vượt qua điều kiện khó khăn của đất nước để tranh tài ở trình độ cao nhất của thể thao. Các bản tin vào thời điểm đó đã tiết lộ những điều kiện gây sốc mà Zamzam được đào tạo, bao gồm cả một tuyến đường được gọi là "con đường tử thần", nơi các vận động viên đôi khi phải né những viên đạn bắn vào họ…
Đại hội thể thao sinh viên thế giới được tổ chức hai năm một lần. Năm nay giải diễn ra từ 28/7 đến 8/8 tại Thành Đô, Trung Quốc. Các VĐV từ 113 quốc gia sẽ tranh tài ở 18 môn thể thao. Đoàn thể thao sinh viên Việt Nam tham dự với 12 thành viên, thi đấu hai môn là điền kinh và taekwondo.
Tags