VĐV sống sót sau động đất trở thành người hùng Olympic của Nhật Bản

15/02/2014 13:37 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây gần 3 năm Hanyu sợ hãi khi nhìn thấy sân băng dưới chân mình rạn nứt, mặt đất rung chuyển ở một địa điểm cách Sochi 8000km. Đấy là khi xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter ở thành phố quê hương cậu Sendai vào tháng 3/2011.

Trận động đất ấy không chỉ phá hủy khu tập luyện của cậu mà còn tạo nên cơn sóng thần Tsunami và thảm họa hạt nhân khiến gần 20.000 người thiệt mạng ở Nhật Bản. Trong hồi ức vẫn còn tươi mới về thảm họa ngày nào, Hanyu nói rằng cậu thiếu chút nữa đã từ bỏ giấc mơ đã biến mình thành VĐV trượt băng đầu tiên của Nhật Bản vô địch Olympic.

“Tôi cảm thấy thật khó khăn khi nhắc lại chuyện này. Trận động đất đã làm hỏng sân trượt băng của tôi. Tôi đã phải vật lộn để tiếp tục sống chứ không nói gì đến chuyện trượt băng. Thực sự là tôi đã nghĩ đến chuyện từ bỏ môn thể thao này”, VĐV trượt băng 19 tuổi của Nhật Bản cho biết. Sau trận động đất dữ dội ấy, khát vọng Olympic của Hanyu dường như trở nên quá xa vời vì nhà anh bị phá hủy. Gia đình cậu phải tìm nơi trú ẩn ở một phòng thể dục.

Tại đây, họ ngủ trên sàn nhà trong vài ngày cùng với nhiều người khác. Trong khi ống nước dưới sân băng nổ tung còn băng thì tan chảy. Dường như sự nghiệp của Hanyu khi đó cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Nhưng khoảng 10 ngày sau khi động đất xảy ra, cậu trở lại sân băng gần Tokyo mà cậu từng tập luyện khi còn học tiểu học.

Sân băng này nằm ở phía Bắc và cách nhà cậu 3 giờ chạy ô tô. Hanyu đã xuất hiện trong khoảng 60 chương trình biểu diễn khắp Nhật Bản cho tới khi sân băng ngừng hoạt động để sửa chữa vào tháng 7/2011. “Bây giờ tôi là nhà vô địch Olympic và bắt đầu từ hôm nay tôi muốn phục vụ cho tất cả những nạn nhân của trận động đất. Rất nhiều người đã ủng hộ tôi để tôi có thể tiếp tục sự nghiệp. Tôi muốn đền đáp lại tình cảm của họ. Tôi dẫn đầu top 3 VĐV xuất sắc nhất mang theo hy vọng của hàng nghìn, hàng triệu CĐV. Tôi cảm thấy tự hào về điều đó”, Hanyu nói.

Dù màn trình diễn ở thể loại trượt băng tự do không được như ý khi cậu hai lần tiếp đất lỗi nhưng Hanyu cuối cùng vẫn giành được HCV do các đối thủ cạnh tranh của cậu liên tục trượt chân. Các giám khảo cho cậu 290,09 điểm kèm tấm HCV. Thành tích của cậu là món quà vô giá cho 127 triệu người Nhật Bản.

“Tôi rất tự hào về thành tích này với tư cách là một người Nhật Bản. Olympic là cuộc thi rất khó dự đoán. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy hồi hộp đến thế khi tham dự một cuộc thi. Chính tôi cũng không hài lòng với màn trình diễn của mình nhưng tôi đã cố gắng hết sức mình”, Hanyu cho biết.

Thời niên thiếu, Hanyu trông khá mảnh khảnh với chiều cao 1,72m và nặng 54kg nhưng ẩn chứa bên trong thân hình mảnh mai ấy là ý chí thép. Phẩm chất ấy đã giúp cậu vượt qua không chỉ thảm họa hạt nhân mà còn đánh bại cả căn bệnh hen xuyễn từng có lúc ảnh hưởng tới sức khỏe và thời gian tập luyện của cậu.

Đến với trượt băng nghệ thuật từ năm 4 tuổi, Hanyu đã tạo được thương hiệu riêng với các động tác nhảy Salchow 4 vòng và nhảy toe loop 4 vòng cùng với khả năng di chuyển hết sức mềm mại, thanh thoát nhờ đôi chân và sải tay dài của cậu.

Vào năm 2012, Hanyu bắt đầu tập luyện với sự hướng dẫn của Brian Orser và chuyển địa điểm tập luyện sang Canada. Nhận xét về Hanyu, Brian Orser nói: “Cậu ấy là người cầu toàn. Tôi rất tự hào về Yuzuru. Cậu ấy đã làm nên lịch sử”.

HT

Theo Reuters

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm