Thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm phương án đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về với đất nước thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa.
Hoàng đế chi bảo còn có tên là Kim bảo tỷ (金寶璽), nhà đấu giá Millon đã đưa lên sàn với giá ước định từ 2.000.000 đến 3.000.000 euro, tương đương từ 49,4 đến 72,5 tỷ đồng.
10 ngày để thương lượng mua
Cụ thể, sau tất cả những nỗ lực đàm phán, vào 7h30 ngày 31/10 vừa qua (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và nhà đấu giá Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Tiếp đó, đến 10h10 phút cùng ngày, hãng Millon đã có thông cáo chính thức về việc đưa chiếc ấn vàng này ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10.
Trước đó, ngày 19/10, website của Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật - trong đó có hai cổ vật đặc biệt của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 01 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101 và 01 bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100. Phiên đấu giá này dự kiến diễn ra vào 11h ngày 31/10 và lập tức nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam.
Thông qua các minh chứng thu thập được, sử dụng chuyên gia, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Ấn vàng (lô số 101) chính là Hoàng đế chi bảo được đúc năm 1823 thời Hoàng đế Minh Mạng (1820-1841).
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng này, Chính phủ chỉ đạo Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương tìm kiếm phương án đưa cổ vật đặc biệt này “hồi hương .
Theo đại diện Cục Di sản Văn hóa, phía Việt Nam đã thông qua biện pháp ngoại giao để đi tới kết quả cuối cùng: Hãng Million tạm hoãn đấu giá trong vòng 10 ngày, cho phép phía Việt Nam có thể thương lượng để được mua trực tiếp.
Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trong thời gian sớm nhất.
Nhà nước hoặc tư nhân sở hữu đều được
Cần nhắc lại, theo các sử liệu cũ, Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Chiếc ấn này được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), làm bằng vàng khối với khối lượng hơn 10kg, được dùng trong nhiều hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn.
Đặc biệt, ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn này cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, vào năm 1952, bộ ấn kiếm trên đã rơi vào tay người Pháp, sau đó được trao lại cho cựu hoàng Bảo Đại và đưa sang Pháp vào năm 1953.
Như vậy, quyết tâm đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về Việt Nam không chỉ gắn với việc bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia, dân tộc. Việc này cũng nhằmgìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
- Hơn 300 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam được bán đấu giá tại Pháp
- Đề nghị xác minh thông tin về 2 cổ vật triều Nguyễn sắp được đấu giá tại Pháp
Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa, đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cũng theo Cục Di sản văn hóa, khái niệm hồi hương ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: Cổ vật trở về Việt Nam có thể thuộc về sở hữu của Nhà nước, hoặc của tư nhân, miễn là không lưu lạc ở nước ngoài. Cụ thể, Luật Di sản Văn hóa cũng đã có những điều khoản khuyến khích cá nhân hồi hương cổ vật bằng việc miễn thuế giá trị gia tăng khi đưa cổ vật về nước.Với trường hợp ấn vàng Hoàng đế chi bảo,nếu có cá nhân muốn đứng ra đưa cổ vật này hồi hương, các cơ quan quản lý sẽ tập trung tạo điều kiện tối đa, đồng thời hỗ trợ các giải pháp hợp lý nhằm phát huy giá trị để xã hội cùng biết thêm về bảo vật này.
Hoàn thiện bộ sưu tập Kim Ngọc bảo tỷ Trong 143 năm tồn tại, với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), hoặc chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện bộ sưu tập Kim Ngọc bảo tỷ triều Nguyễn do Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ đang bảo quản 85 kim ngọc bảo tỷ khác nhau. Việc hồi hương chiếc ấn Hoàng đế chi bảo sẽ bổ sung và hoàn thiện cho bộ sưu tập này, nên vô cùng ý nghĩa và cấp thiết. |
Ngân Lượng - Cúc Đường
Tags