(TT&VH) - Năm nay kỷ niệm tròn 150 năm ngày sinh của họa sĩ Áo Gustav Klimt (1862-1918). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - The Kiss (1907-1908) xuất hiện ở khắp mọi nơi. Song điều gì khiến các tác phẩm của ông có sức cuốn hút rộng khắp đến vậy?
Tranh của Klimt nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế giới, nhưng chúng cũng là những hình ảnh trang trí ở những nơi đại chúng nhất, như quán giải khát hay làm vòng đeo chìa khóa và đồ trang trí dán trên tủ lạnh.
Thậm chí công ty sản xuất búp bê Barbie còn tung ra sản phẩm mang chân dung làm theo họa phẩm Portrait Of Adele Bloch-Bauer (Chân dung Adele Bloch-Bauer) của ông.
Sức hấp dẫn phổ thông, toàn cầu
“Cách Klimt đến được với số đông công chúng thật lạ thường” - nhà phê bình nghệ thuật Richard Cork nói. “Ông là một trong số ít nghệ sĩ được tổ chức triển lãm hồi cố ở khắp nơi”.
Theo nhà phê bình Cork, Klimt nổi tiếng bởi ông là một nghệ sĩ cấp tiến trong thời của mình, thử nghiệm nhiều điều mới mẻ và những chủ đề của ông có sức hấp dẫn rất lớn.
Tiến sĩ Alfred Weidinger, một trong những chuyên gia hàng đầu về Klimt đồng thời là PGĐ Bảo tàng Belvedere ở Vienna nơi đang lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất thế giới của Klimt, khẳng định sức hấp dẫn của Klimt thực sự mang tính toàn cầu.
Năm 2009, Weidinger đã đi khắp châu Phi chụp ảnh và tại một vùng nông thôn ở Ethiopia, nơi rất ít khách du lịch đặt chân tới, ông đã gặp một phụ nữ mặc chiếc áo phông có hình ảnh bức tranh The Kiss của Klimt. Người phụ nữ này đã giải thích với Cork rằng, một nhiếp ảnh gia Italia đã tới thăm ngôi làng của chị và khi kết thúc cuộc khám phá tại đây, ông muốn tặng chị một món quà để tỏ lòng cám ơn và đưa ra 3 chiếc áo phông để chị lựa chọn. Mặc dù không biết gì về Klimt, nhưng chị đã chọn chiếc áo mang hình ảnh họa phẩm của ông vì chị thích màu vàng trong đó.
Bậc thầy về sử dụng kim hoàn
Là con trai của một thợ kim hoàn, Klimt hiểu rõ được việc sử dụng các kim loại trong tranh giống như một số ít nghệ sĩ cùng thời. Mặc dù ông vẽ tranh bằng màu, song ông có khả năng độc đáo trong việc tạo nên hiệu ứng màu sắc bằng các kim loại quý, đá và đồ trang sức.
Klimt được đào tạo tại trường Nghệ thuật Ứng dụng chứ không phải Viện Mỹ thuật của Vienna. “Ông muốn sử dụng đá cẩm thạch, vàng và bạc thật, nhưng hiếm khi ông và những người bảo trợ của mình có đủ khả năng để thực hiện mong muốn đó” - tiến sĩ Weidinger cho biết.
The Kiss - bức tranh nổi tiếng nhất của Gustav Klimt.
Và khi có cơ hội thì Klimt đã tha hồ thỏa mãn niềm đam mê đó. Ông được đặt hàng làm một trụ ngạch khảm trong dinh thự của Adolphe Stoclet - một chủ ngân hàng giàu có. Klimt đã nạm trụ ngạch đó bằng đồ trang sức, men, ngọc trai, bạc và vàng. Sau này, ông đã tái tạo cách làm đó trong nhiều bức tranh của mình.
Không chỉ là một bậc thầy về kim loại, đá quý, Klimt còn là một bậc thầy về marketing. Ông là một trong số ít nghệ sĩ ở Áo tái sản xuất các tác phẩm của mình với số lượng lớn và ông cũng cho phép các nghệ sĩ khác chép lại tranh của mình.
Trào lưu nghệ thuật mới và sự tôn vinh nhục cảm
Klimt còn là người trụ cột của trào lưu Secession, một nhóm nghệ sĩ Áo thách thức lại sự cứng nhắc của hội họa Áo truyền thống. Mục đích chính của trào lưu này là đưa nghệ thuật, nghề thủ công và thiết kế vào một trào lưu lớn mang tên Gesamtkunstwerk.
Người bạn lâu năm và được cho là người tình của Klimt - bà Emilie Floege cũng tham gia vào trào lưu này với vai trò là người may trang phục phụ nữ. Floege chỉ là một trong nhiều người tình của Klimt. Mặc dù là một người nhút nhát, nhưng ông đặc biệt ham thích phụ nữ và sau năm 1900, Klimt đã vẽ nhiều tác phẩm dành cho họ.
Hop II, tranh của Gustav Klimt
Nhiều người phụ nữ của ông được vẽ trong hình ảnh nude hay trong những tư thế rất khêu gợi. Có những hình ảnh gây tranh cãi khi thể hiện sự tôn vinh thú nhục dục.
Năm 1903, ông buộc phải tháo bỏ bức tranh Hope I ra khỏi cuộc triển lãm hồi cố đầu tiên của trào lưu Secession. Bức tranh này mô tả một phụ nữ mang thai khỏa thân và nó đã bị cho là vượt quá ranh giới khuôn phép.
Tư tưởng cấp tiến đó của ông đã nhận được sự đồng cảm của các thế hệ trẻ sau này. “Không ai có thể tổng hợp các cảm xúc như tình yêu, niềm đam mê hay sự khao khát nhưng đồng thời cũng gây nỗi tuyệt vọng và sự lo lắng giống như Klimt” - Klaus Pokorny, thuộc bảo tàng Leopold ở Vienna, nhận định. “Đó chính là lý do tại sao ông lại lôi cuốn người trẻ đến vậy”.
Vài nét về Gustav Klimt Klimt sinh năm 1862 ở Baumgarten, gần Vienna. Tuổi thơ của ông sống trong nghèo đói. Klimt vẽ các tác phẩm mang tính trang trí và nhiều màu sắc. Các họa phẩm gây thích thú giác quan của ông đôi khi tạo nên scandal. Tác phẩm nổi tiếng nhất The Kiss được cho là chân dung tự họa duy nhất của ông. Klimt qua đời năm 1918 do đột quỵ. Danh tiếng cũng như giá tranh đấu giá của ông đã tăng vọt từ cuối thế kỷ 20. |
Việt Lâm (lược dịch)