(Thethaovanhoa.vn) - Ở Huế, có một tour sáng đi chiều về đưa khách đến cảnh quan thiên nhiên hoang sơ: bãi biển Quảng Ngạn và phá Tam Giang.
1. Quảng Ngạn nằm trên đường đi phá Tam Giang và cách Huế khoảng 15km. Xe đưa du khách đi ngang thành phố ma thuộc xã Quảng Công. Cách đây mười mấy năm, nơi đây còn chưa có đường nhựa, dân nghèo sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới chẳng đủ ăn, nhà cửa lụp xụp trên những trảng cát và sỏi đá khô cằn chỉ có phi lao và xương rồng.Giờ đây xe chạy trên con đường nhựa láng o, ngang qua nhiều ngôi nhà xây mới. Sự kinh ngạc lên đến đỉnh điểm khi xe đi ngang những nghĩa trang mà không từ nào có thể diễn tả được bằng hai từ: hoành tráng. Những ngôi mộ nguy nga lộng lẫy, mang dáng dấp của lăng tẩm xưa với bình phong, bờ rào và đắp hình rồng phượng. Người dân địa phương nói rằng tiền xây mộ là của con cháu các gia đình gửi về.
Với quan điểm "sống gửi thác về" và trả ơn cho những đấng sinh thành, họ không tiếc tiền chi cho việc lập mộ. Nhiều ngôi mộ trị giá hàng tỷ đồng. Và cũng không tránh được thói thường thế gian, mộ xây sau luôn phải hoành tráng và đắt giá hơn mộ xây trước.
Nghe chuyện và nhìn những ngôi nhà lụp xụp của người sống, mà thấy lòng ngậm ngùi. Ông bà ghi nhận tấm lòng hiếu thảo của con cháu, nhưng ông bà có vui khi thấy cháu con vẫn cuộc sống lam lũ ngay bên những ngôi mộ nguy nga xanh đỏ?
Bờ biển Quảng Ngạn dài khoảng 3,5 km, là nguồn sống của những người dân nơi đây. Con đường dẫn ra biển đi xuyên qua một làng chài đặc trưng xứ Huế có những ngôi nhà cũ, mới đan xen. Nhà nào cũng có một khoảng sân trước mặt để phơi lưới và cá, phía sau những hàng rào cây khô. Những đôi mắt dõi theo chúng tôi sau cánh cửa hững hờ của giấc ngủ trưa. Ngay sau rừng dương mát rượi, biển mở ra trước mắt chúng tôi, mênh mông một màu xanh hồ thủy bên bờ cát trắng. Một màu xanh rất lạ, khác với màu xanh biển của Mũi Né, Đà Nẵng, Phú Quốc hay Cửa Lò.
Một màu xanh như hương của lúa, màu trắng của cát, dù là giữa trưa vẫn không lóa mắt, dường như được dịu đi là nhờ cái sắc xanh ấy. Bên bờ biển, những con thuyền nghỉ ngơi thật yên bình. Hai người đàn ông đang ngồi đan lưới. Chúng tôi như say đi, mê đi trong hương nồng nồng của nắng, trong ngạt ngào gió và tiếng biển rầm rì.
Một trưa nắng trên bờ biển quê hương, có sóng và gió, có thuyền và biển. Có những người đàn bà mải mê vẽ, mải mê bên gương mặt đầy nắng gió và cơ bắp của chàng ngư dân với ánh nhìn đầy mùi của biển. Những người đàn bà vẽ mải mê, quên cả lối về.
2. "Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang".
Phá Tam Giang là một trong những đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 24km, diện tích 52km2. Cùng với phá Cầu Hai, đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Việt Nam, án ngữ gần hết chiều dài biển của Thừa Thiên- Huế. Phá Tam Giang là nơi gặp gỡ của sông Ô Lâu, sông Chuồi và sông Hương trước khi đổ ra cửa biển Thuận An. Sâu trung bình từ 2-4m, có nơi 7m, dài hơn 15km, phá Tam Giang chạy dọc theo những con sóng, những đồng lúa và những cây cầu, dọc theo con đầm phá đến làng chài Quảng Lợi.
Người dân ở đây sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm và trồng rau câu. Trên là trời bát ngát, dưới là nước mênh mông trong một màu xám bạc. Vài con thuyền mũi cong đặc trưng của Huế bập bềnh chạy dọc theo những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như những bàn cờ trên phá. Thuyền chúng tôi chạy ngang những rặng cây Chá lúp xúp, mà dân địa phương quen gọi là Rú chá. Đây là một loại rừng ngập mặn, một tài sản quý của phá để ngăn chặn sự xâm lấn của biển.
Cây Chá cùng họ với cây sú, cây bần, đước hay vẹt, có những tàng lá dày ken thành hàng và một sức sống dẻo dai trước những cơn sóng dữ. Xa xa là rừng dương và những ruộng lúa đang mùa lên đòng. Bức tranh thiên nhiên toàn bích mở ra trước mắt khiến mọi tâm hồn đều như mềm lại. Khi thuyền quay đầu trở về bến, cũng là lúc hoàng hôn dần buông xuống trên phá.
Trời nhiều mây nên chúng tôi đã không có được một hoàng hôn rực rỡ sắc màu như vốn dĩ phải thế trên phá Tam Giang. Nhưng bù lại, hôm nay phá Tam Giang mang một diện mạo khác, một sự bình yên, tĩnh lặng và khẽ khàng của thời khắc khi đêm chạm vào ngày, chạm vào mặt nước lấp lánh bạc vàng, chạm vào những con thuyền neo trên bến.
Khi chúng tôi rời thuyền, một vầng trăng tròn vàng rực rỡ đã treo lơ lửng trên bầu trời tím đã thành huyền thoại của phá Tam Giang. Chẳng còn dấu vết gì của những con sóng dữ dằn khét tiếng, đêm nhẹ nhàng lướt những ngón tay, chậm rãi đưa đầm nước mênh mông chìm dần vào bóng tối. Đêm bình yên và ngày rồi cũng sẽ bình yên.
Bài và Ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh
Tags