Vén màn kho kịch quý của 'Nữ hoàng truyện trinh thám'

Thứ Bảy, 29/08/2015 05:29 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các cuốn truyện của Nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie đã tiêu thụ được 2 tỷ bản trên toàn thế giới và nhiều kiệt tác sân khấu đã đưa bà trở thành nhà soạn kịch nữ giới thành công nhất mọi thời.

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Christie (15/9/1890 - 12/1/1976), nhà sản xuất sân khấu Anh Julius Green đã có một phát hiện vô cùng có ý nghĩa.

10 tác phẩm ít người biết tới

Ông đã tìm thấy 5 vở kịch dài và 5 vở kịch một hồi của Christie, bị lãng quên đã lâu hoặc không hề được biết tới trước đây.

Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi phần lớn trong số đó là những tác phẩm mang đề tài án mạng, bí ẩn. Trong đó có một tác phẩm chuyển thể sân khấu, viết xong vào năm 1945, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà, mang tựa đề Towards Zero (1944).


Nữ văn sĩ Anh Agatha Christie

Năm 1956, tiểu thuyết này cũng đã được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu. Nhưng Green cho biết vở kịch của năm 1945 rất khác với năm 1956. "Vở kịch năm 1945 có bối cảnh ngoài trời và đây là yếu tố khác lạ trong các tác phẩm sân khấu của Christie.

Tính cách của nhân vật cũng mạnh mẽ hơn, chân thật hơn so với tinh thần của cuốn truyện gốc” – Green cho biết.

Thêm nữa, Green còn tìm được nhiều bức thư chưa hề được công bố, với một số nêu quan điểm của Christie về những diễn viên hàng đầu thời điểm ấy, như Ralph Richardson, người có gương mặt mà bị bà mô tả là “trông rất khó chịu”.

Những tác phẩm này được lưu giữ ở nhiều trung tâm tư liệu khác nhau, gồm cả kho tư liệu của gia đình Christie. Green đã được tiếp cận các kho tư liệu đó và có phát hiện gây chú ý.

Tin tức hiển nhiên sẽ khiến các fan rất phấn khích. Từ lâu nay, họ đã mê mẩn các nhân vật thám tử nổi tiếng thế giới trong truyện của Christie, như Hercule Poirot và Miss Marple.

Hilary Strong, Giám đốc điều hành công ty Agatha Christie, nơi quản lý bản quyền các tác phẩm văn học của nữ văn sĩ, nói rằng phát hiện của Green “cực kỳ thú vị”.


Bìa cuốn sách Curtain Up: Agatha Christie - A Life In Theatre của Julius Green

“Khai quật” những vở kịch từng nằm trong quên lãng

Các tác phẩm mới tìm thấy này sẽ được đăng trong cuốn sách của ông, do Nhà xuất bản HarperCollins phát hành vào ngày 10/9, mang tựa đề Curtain Up: Agatha Christie - A Life In Theatre.

“Khảo sát  những vở kịch của Christie, ‘từ trang viết đến sân khấu’, cho thấy sinh thời bà quan tâm tới viết văn hơn, song “vẫn tìm thấy sự sáng tạo thực sự” trong các tác phẩm sân khấu. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà tiểu sử trước đây "hầu như  lờ đi" trước  các vở kịch của bà" - ông nói.

Nghiên cứu của Green cho thấy Christie có khoảng 30 tác phẩm kịch. Các vở kịch dài khác chưa được xuất bản còn gồm Someone At The Window. Green tin rằng vở kịch này được Christie sáng tác từ năm 1934, trong đó “đầy ắp những câu thoại dí dỏm, cùng các bình luận xã hội về nước Anh giữa 2 cuộc chiến”.

Nguyên nhân vở kịch này chưa bao giờ xuất hiện trên sân khấu giờ vẫn chưa có câu trả lời. Green có giải thích lý do khiến vở kịch được ít người biết tới: “Christie không hề đề cập tới vở kịch này trong tự truyện của mình".

Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện của Christie lại có nói đến một “vở kịch u buồn, ảm đạm” và Green cho rằng đó là The Lie. Đây là một vở kịch nằm trong quên lãng tại một kho tư liệu về Christie, cho đến khi được ông phát hiện ra.

Vở kịch gồm 3 hồi này được Christie viết trong thời gian khủng hoảng hôn nhân với người chồng bội bạc Archie Christie. Trong vở kịch này, Christie còn viết về sự không chung thủy và những tác động hình thành từ của cuộc hôn nhân đổ vỡ của bà.

Cảm giác cay đắng của tác giả thể hiện khá rõ qua câu thoại của một nhân vật trong vở kịch: "Những tính xấu của anh ta đều được che đậy tốt dưới vẻ bề ngoài. Tôi đã hứa kết hôn với anh ta, bất chấp việc thân nhân đã cố hết sức để ngăn chặn đám cưới, bởi họ hiểu anh ta hơn tôi. Tuy nhiên, lúc đó tôi còn trẻ và bướng bỉnh, nên chẳng nghe ai. Tôi đã chọn con đường riêng của mình và đã mù mắt trước sự thật”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›