04/09/2014 08:40 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện “bé” Hào Anh là nạn nhân của nạn bạo hành ngày nào nay thành thủ phạm ngược đãi chính cha mẹ đẻ của mình khiến dư luận dậy sóng. Mọi tức giận lúc này trút cả lên Hào Anh, kêu gọi phải trừng trị cậu ta thật nặng…
Còn nhớ, ngày 1/5/2010, Công an huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chính thức khởi tố vụ án, khởi tố bị can Huỳnh Hoàng Giang (30 tuổi) và Mã Ngọc Thơm (33 tuổi) về hành vi “hành hạ người khác”. Quyết định này như kết thúc có hậu khép lại những ngày bị đày đọa của Hào Anh (sinh năm 1996).
Sau những năm tháng bị đày đọa khủng khiếp về cả thể chất và tinh thần, Hào Anh được cả xã hội hướng về. Các nhà hảo tâm khắp cả nước đã ủng hộ tiền như để bù đắp lại những mất mát, đau thương của Hào Anh. Câu chuyện lúc đó đẹp như cổ tích.
Đùng một cái, 4 năm sau, vào ngày 3/9/ 2014, Hào Anh xuất hiện hàng loạt trên các mặt báo vì hành động “ngược đãi cha mẹ”, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Sở dĩ cậu ta có thể làm được điều đó bởi ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của cậu ta, do cậu ta mua được từ số tiền từ thiện của các nhà hảo tâm.
Câu chuyện cổ tích năm nào đã hóa thành bi kịch. Trong vòng vài tiếng đồng hồ khi những bài báo đầu tiên xuất hiện, cộng đồng mạng (trong đó có những người từng khản cổ than vãn cho số phận Hào Anh) nay lại nuối tiếc vì tình yêu thương “đặt nhầm chỗ”. Họ miệt thị rồi lại kêu gọi phải trừng trị Hào Anh. Trừng trị thật nặng!
Không dừng lại ở đó, những lý do dẫn tới bi kịch trước đây của Hào Anh cũng được mổ xẻ, nhưng theo một cách nhìn hoàn toàn khác: “Chẳng phải tự nhiên mà ngày xưa người ta hành hạ Hào Anh như thế. Đó là do bản tính hung hăng ngấm vào máu của Hào Anh” (?!); “Với thú tính trong hình hài con người, Hào Anh xứng đáng phải chịu cực hình như 4 năm về trước” (?!); “Giờ phải xử Hào Anh như cách mà cha mẹ nuôi cậu ta đã hành xử trước đây” (?!)...
Dư luận phẫn nộ, và quay ngoắt 180 độ trong cảm xúc với Hào Anh. Tuy nhiên, bình tĩnh lại sẽ thấy, người ta chỉ nhìn vào hành động đuổi cha mẹ ra khỏi nhà của cậu ta, chứ không nhìn vào tuổi thơ sống trong tội ác của cậu ta để lý giải cho những sai lầm của ngày hôm nay và có thể tiếp tục giúp đỡ cậu ta theo một cách nào đó.
Theo thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, những ẩn ức về bạo hành thưở thơ ấu chắc chắn sẽ tác động đến hành vi của con người ta khi trưởng thành. Năm nay, Hào Anh đã 18 tuổi, không còn là cậu bé đáng thương ngày nào. Nhưng chắc chắn trong con người cậu ta vẫn còn những vết sẹo năm xưa. Dường như, sự cứu giúp của mọi người trong thời gian qua mới chỉ chữa lành những vết thương trên da thịt và tạo cho cậu ta có được một cuộc sống đầy đủ về vật chất, chứ chưa chữa lành những vết thương về tinh thần.
Và giờ, thay vì tìm cách dưỡng dục (dù rất khó nhưng không phải không thể) thì người ta lại muốn dùng bạo lực, ít nhất là trong lời lẽ để “trừng trị”.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất