VFF tái ký hợp đồng với HLV Mai Đức Chung: Không mạo hiểm hay quá an toàn?

Thứ Hai, 13/05/2024 08:13 GMT+7

Google News

Một HLV "không còn trẻ" quyết định chia tay với các đội tuyển trẻ, và một HLV đã quá tuổi hưu rất xa quay lại đảm nhiệm công việc "trẻ hóa" đội tuyển nữ. Trong khi đó, đội tuyển quốc gia nam lại vừa giao cho một HLV chưa từng có kinh nghiệm ở cấp độ này.

Không khó để thấy việc đưa HLV Hoàng Anh Tuấn về lại với các đội tuyển U, thuyết phục HLV Mai Đức Chung tạm hoãn kế hoạch nghỉ ngơi lần thứ 2 để dẫn dắt đội tuyển nữ, hay chọn một HLV đến từ Hàn Quốc thông qua sự bảo đảm của "công thần" Park Hang Seo đều là những lựa chọn an toàn của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hoàn toàn có thể đồng cảm với các giải pháp nói trên. Nền bóng đá đang quá dễ tổn thương, nếu không muốn nói là chúng ta thậm chí còn đang "trọng thương". Đội tuyển thi đấu bết bát dưới thời HLV Troussier còn các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng thì là các "quả bom" ở cấp độ CLB.

Có lẽ những điều này nằm ngoài những tính toán của giới quản lý, nên họ buộc lòng phải "trả" mọi thứ về mức độ yên tâm nhất có thể, cho dù chính họ cũng chẳng biết là yên tâm đến đâu.

VFF tái ký hợp đồng với HLV Mai Đức Chung: Không mạo hiểm hay là quá an toàn? - Ảnh 2.

Sự trở lại của HLV Mai Đức Chung với ĐT nữ Việt Nam không thể được coi là một dấu hiệu lạc quan của bóng đá nữ. Ảnh: Hồng Lĩnh

Nhưng không mạo hiểm đâu có giống việc quá an toàn?! Hệ quả đầu tiên là sự rút lui của HLV Hoàng Anh Tuấn. Công bằng mà nói, điều này tốt cho cả ông Tuấn lẫn các đội tuyển trẻ. Ở cái tuổi của mình, cho dù có yêu thích bóng đá trẻ đi nữa thì khả năng hòa hợp giữa ông Tuấn và những cầu thủ đáng tuổi cháu mình không hề đơn giản.

Còn đứng ở góc độ nhà quản lý, không thể cứ "ấn" các đội tuyển trẻ cho một người từng có thành công với bóng đá trẻ là xong.

Làm việc với các đội tuyển U khác hẳn với việc "trẻ hóa" đội bóng trưởng thành. Quản lý cầu thủ trẻ hoàn toàn không phải là công việc mà các HLV giỏi muốn làm. Điều này có thể thấy qua xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ khá manh mún tại V-League.

Việc rút lui của ông Tuấn "con" cho thấy các nhà quản lý dường như suy nghĩ đơn giản, hoặc họ rơi vào trạng thái tìm sự an toàn quá mức. Ai cũng hiểu, giới hâm mộ đang chờ đợi những tín hiệu khởi sắc từ bóng đá trẻ, thông qua thành tích của các tuyển U sau khi không còn nhiều kỳ vọng ở đội U23 và tuyển quốc gia hiện tại.

Mà bây giờ, không giao cho ông Tuấn thì cũng chẳng biết giao cho ai vì thực tế là nhiều năm qua, chúng ta không hề có một hệ thống HLV chuyên trách các đội trẻ bằng cách đầu tư, bồi dưỡng cho các HLV trẻ có gốc từ cầu thủ nổi tiếng. Vấn đề là ông Tuấn đâu còn trẻ nữa.

Tương tự, dù đây là sự trở lại của HLV Mai Đức Chung. Chuyện này chỉ ghi nhận sự nhiệt tình, yêu nghề từ phía ông Chung "xe ca", còn thành thật mà nói, nó rất… kỳ cục. HLV Mai Đức Chung chia tay sau 2 sự kiện lớn là World Cup và Asiad, rõ ràng là một cái kết không hoàn hảo về mặt kết quả nhưng rất đẹp đối với sự nghiệp của một công thần như ông Chung.

Như đã nói, cá nhân ông Mai Đức Chung không có vấn đề gì khi nhận lời mời quay lại, có thành công hay thất bại trong thời gian tới cũng chẳng làm cho công trạng của ông bị đánh giá khác. Nhưng còn đối với bóng đá Việt Nam, không lẽ chúng ta hy vọng đội tuyển nữ sắp đến sẽ… thất bại tơi tả dưới quyền của ông Chung để cho người kế nhiệm ông… bớt áp lực? Bởi đơn giản, giả sử như ông Chung tiếp tục thành công, thì biết đến bao giờ ông mới… được nghỉ.

Nên có cảm giác là sau hơn một năm đầy dằn vặt dưới thời HLV Troussier, bóng đá Việt Nam rơi vào trạng thái như "chim sợ cành cong". Chúng ta cứ "auto" chọn những phương án được cho là an toàn nhất dù chẳng biết nó có thực sự hợp lý hay không.

Ví dụ như chuyện chọn ông Kim Sang Sik cho đội tuyển nam chẳng hạn. Ngoài yếu tố Hàn Quốc và tạm xem là do "người nhà" giới thiệu, mức lương không quá cao, thì có rất ít cơ sở để xác định tân HLV của đội tuyển sẽ phù hợp với tình hình hiện tại của bóng đá Việt Nam do ông có quá ít kinh nghiệm huấn luyện.

Khi giao quyền cho ông Kim Sang Sik, cũng không thấy ai nói gì đến những tầm nhìn xa cho đội tuyển nữa, "Phép thử" với ông Troussier để lại một hệ lụy quá nghiêm trọng và cái đáng lo là nò không chỉ xảy ra ở đội tuyển nam mà đã lan đến những quyết sách ở bóng đá nữ hay các đội tuyển trẻ.

Đáng tiếc hơn, đây là thời điểm mà nếu VFF có… mạo hiểm hơn một chút có lẽ cũng chẳng mất gì. Đằng nào thì bóng đá Việt Nam cũng đang ở một điểm thấp, còn VFF thì cũng đang ở giữa nhiệm kỳ. Nhưng thay vì chọn sự thay đổi, chúng ta lại đang tự mình làm khó.


Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›