(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện "quả bóng đá có mấy múi" gắn với một vị lãnh đạo ngành TDTT đã cũ mà người viết không tiện nhắc tên. Nhưng câu chuyện cách đây đã tới 20 năm vẫn còn mang đầy tính thời sự...
- Ghế nóng, ghế lạnh ở VFF
- Đoạn trường ghế Chủ tịch VFF
- Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường: ‘Đá bóng mà như đánh nhau, phải xử nghiêm’
1. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá (VFF) - ông là ai? Câu hỏi tưởng dễ ấy mà hóa ra khó kể từ năm 1989, khi Đại hội VFF khóa đầu tiên được tổ chức với vị Chủ tịch là Phó Chủ tịch Tổng cục TDTT Trịnh Ngọc Chữ, mà ít ai còn nhớ ông Chữ nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa mới chỉ được điều chuyển về ngành thể thao.
Khó là ở chỗ, VFF - đơn thuần chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng lại có sự ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội phải do người nào làm Trưởng - Dân trong nghề; Doanh nghiệp hay Chính khách? mà mỗi người ở cương vị của mình lại có ảnh hưởng riêng đến sự phát triển chung của cả nền bóng đá quốc gia.
Doanh nghiệp ư? Chả cần phải đến lúc này để báo giới phải "dạy khôn" những người làm công tác tổ chức nhân sự Liên đoàn. Đại hội nhiệm kỳ II VFF năm 1993 đã bầu ông Đoàn Văn Xê - Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam lên cương vị Chủ tịch bởi không chỉ Đường sắt vẫn đang là đội bóng hàng đầu quốc gia mà khi ấy, đường sắt là phương tiện vận tải "xịn" nhất đưa các CLB đi thi đấu trong toàn quốc. Gần nhất, thời bóng đá lên chuyên với chữ "đầu tiên" làm đầu, doanh nghiệp thứ hai - ông Lê Hùng Dũng cũng được bầu lên với hy vọng kiếm nhiều tiền hơn vào thời chuyên nghiệp.
Còn chính khách cũng chả thiếu, có lẽ với cái suy nghĩ cũng cực kỳ đơn giản - Có uy! Mà khi đã có uy thì tiền là chuyện nhỏ. Khóa IV VFF là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, ông Hồ Đức Việt và cũng trong khóa ấy ông Mai Liêm Trực - Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông được bầu thay làm Chủ tịch, do ông Hồ Đức Việt bận nhiều công việc không thể đảm đương.
Quan chức ngành thể thao thì ngay từ khóa I, do ông Trịnh Ngọc Chữ được điều động sang công tác khác, ông Dương Nghiệp Chí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đảm đương chức Quyền Chủ tịch trong 2/3 thời gian còn lại. Sau này trong ngành thể thao còn có các ông Mai Văn Muôn, Nguyễn Trọng Hỷ ngồi ghế nóng nhiệm kỳ III và V-VI.
2. Nhắc lại cả chặng đường 7 nhiệm kỳ đã qua để thấy ai, dù là doanh nghiệp hay chính khách lẫn dân trong nghề ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF đều... khó! Dù cái sự khó của mỗi người có thể là khác nhau với minh chứng là câu chuyện quả bóng có mấy múi.
Chính khách có cái uy - Doanh nghiệp giỏi kiếm tiền, nhưng hơn 20 năm trước, vị lãnh đạo ngành TDTT đã từng tuyên bố - Các vị ấy có biết... Quả bóng có mấy múi? Mà đúng hơn là lời chê bai về sự kém hiểu biết về chuyên môn với dân trong với dân ngoài nghề. Ai cũng có cái lý riêng của mình.
Trở lại với bóng đá Việt thì hiện tại mà cụ thể là Đại hội VFF khóa VIII đã hoãn đến hàng tháng trời. Ghế Chủ tịch lại nóng và thay vì chọn doanh nghiệp, chính khách hay dân trong nghề, "minh chủ" của làng cầu nội được thay bằng cụm từ - người tài! Người tài, đương nhiên là quý bất kể lĩnh vực nào chứ chả riêng gì bóng đá, chỉ có điều kiếm người tài lúc này là cực khó!
Hàng loạt doanh nghiệp liên quan đến bóng đá mà cụ thể ở đây là các ông bầu đều từ chối lời mời vì lý do chung... bận kinh doanh, mà ai cũng hiểu, họ chẳng muốn dính vào chỗ... bán danh 3 đồng! Chính khách lúc này cũng không phải là dễ khi còn vướng Luật Công chức và công tác quản lý chuyên ngành. Vậy dân trong nghề? Chả thấy còn ai thực sự xứng đáng bởi đều dính "phốt" và đều bị đánh... tơi tả!
Vậy phương án vừa là người trong ngành, vừa là nhà quản lý rõ ràng là tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại. Chỉ có điều, không phải ai cũng nghĩ thuận như thế, dù thừa biết với nhau... trái bóng có mấy múi.
Vũ Minh
Tags