(Thethaovanhoa.vn) - Ngày hôm nay gậy hỗ trợ chụp ảnh "tự sướng" (selfie) được hàng triệu người sử dụng, trở thành món đồ không thể thiếu, giúp họ có bức ảnh ăn ý. Ít ai biết những cây gậy này đã được phát minh ra tới 2 lần, cách nhau 2 thập kỷ, bởi 2 người đàn ông sống cách nhau tới nửa vòng Trái đất.
Cây gậy selfie đầu tiên được cho là sản phẩm phát minh của Hiroshi Ueda, một người Nhật Bản.
Thất bại thê thảm của chiếc gậy đầu tiên
Trong những năm 1980, ông làm việc cho công ty máy ảnh Minolta và rất khoái chụp ảnh. "Bất cứ khi nào ra nước ngoài, tôi đều mang theo máy ảnh cùng mình và chụp rất nhiều bức ảnh" - ông kể với BBC.
Nhưng trong một lần du lịch châu Âu, ông đã gặp vấn đề. Ông thích chụp ảnh bản thân và vợ con, nhưng cảm thấy không an tâm khi giao máy cho người lạ. "Khi đặt chân tới bảo tàng Louvre ở Paris, tôi đã nhờ một đứa trẻ chụp ảnh chúng tôi. Nhưng khi tôi vừa xoay lưng, nó đã chạy biến mất cùng máy ảnh của tôi" - ông nói.
Vấn đề đó đã tạo động lực để Ueda tìm ra giải pháp. Ông bèn chế ra cái gọi là "gậy nối dài" - thực tế là một cây gậy với một giá đỡ, được thiết kế để dùng với một chiếc máy ảnh nhỏ, nhẹ. Ông gắn thêm một tấm gương ở phía trước máy ảnh, để người chụp biết mình đang ngắm vào đâu.
"Ý tưởng đằng sau cây gậy là tôi không cần phải dựa vào bất kỳ ai để chụp ảnh. Tôi có thể tự chụp ảnh mình bất kỳ lúc nào tôi muốn" - ông nói.
Từ cây gậy nối dài ban đầu đó, Ueda muốn biến thành một sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền, nhắm tới người dùng bình thường. Tuy nhiên ý tưởng đã vấp phải một số sự phản đối.
Phòng thử nghiệm của Minolta thấy rằng các đối tượng như phụ nữ còn rất ngại ngùng với việc tự chụp ảnh mình. Sau này Ueda cũng thừa nhận rằng khi ấy, ảnh selfie vẫn là điều rất mới mẻ.
Tuy nhiên Minolta vẫn thử làm theo đề xuất của Ueda, đơn giản vì nó khá hay ho. Cây gậy nối dài của ông được cấp bản quyền vào năm 1983 và sản phẩm ra thị trường cùng năm. Tuy nhiên Ueda đã nhanh chóng thất vọng, bởi cây gậy không thành công về thương mại. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại là khi dùng gậy nối dài để chụp ảnh, chất lượng các bức ảnh thường không cao.
2 ý tưởng tương đồng nhưng cách nhau 2 thập kỷ
Mặc dù vậy, Ueda vẫn giữ niềm tin vào phát minh của ông. Ueda cũng cho biết ông vẫn liên tục dùng cây gậy nối dài này, ngay cả khi hoạt động sản xuất nó đã ngừng được 30 năm trời. "Nó như một cánh tay nối dài của tôi vậy. Bất cứ khi nào muốn, tôi có thể rút cây gậy ra và khi cần đi đâu đó, tôi sẽ thu nó lại" - ông cho biết.
Năm 2003, bản quyền gậy nối dài của ông Ueda hết hiệu lực - khoảng 1 thập kỷ trước khi bùng nổ làn sóng gậy selfie của hiện nay. Nhưng Ueda chẳng có gì tiếc nuối. "Ý tưởng của tôi tới quá sớm, nhưng nó cũng chỉ là 1 trong 300 phát minh mà tôi đã đăng ký bản quyền" - ông nói.
Michael Pritchard, Tổng giám đốc Hội nhiếp ảnh Hoàng gia Anh, người nghiên cứu ảnh selfie và thấy hoạt động này bắt đầu từ những năm 1840, cho rằng nỗ lực đưa người chụp vào trong bức ảnh chẳng phải điều gì mới mẻ. Một trong những thiết bị giúp hiện thực hóa việc này chính là bộ hẹn giờ của máy ảnh. Người ta thường lắp máy ảnh vào giá đỡ hoặc để trên mặt phẳng, bấm nút rồi ù té chạy về nhóm bạn bè, người thân đang chờ. Tuy nhiên kết quả thu được không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt nếu nhóm người kia đứng ở quá xa, dẫn tới việc người chụp không chạy vào hàng kịp trước lúc máy ghi hình.
Pritchard tin rằng gậy selfie lên ngôi một phần bởi sự phát triển của các ống kính máy ảnh, khiến hoạt động ghi hình ở cự ly gần trở nên dễ dàng hơn. Yếu tố nữa là sự gọn nhẹ của những chiếc điện thoại có trang bị máy ảnh thời nay. Chúng có thể dễ dàng nằm trên gậy selfie, khác với các loại điện thoại cổ lỗ, cục mịch và nặng nề trước kia.
Nhưng Wayne Fromm, một nhà sản xuất đồ chơi ở Canada, lại tin gậy selfie là sản phẩm từ nỗ lực sáng tạo của mình. Ông đã chế ra Quik Pod, một cây gậy selfie có thể thay đổi chiều dài, từ đầu những năm 2000. Ông không hề biết về thiết kế trước đó của Ueda, dù cũng nghĩ ra ý tưởng trong một chuyến đi du lịch châu Âu.
"Chúng tôi thường xuyên phải tìm những người lạ dễ tính, có thể giúp mình chụp ảnh" - ông kể lại - "Anh ngồi đó, chờ đợi, hy vọng sẽ có người biết nói tiếng Anh giúp mình... Đó là khi tôi nảy ra ý tưởng, rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu máy ảnh được đưa lên vị trí ở trên cao, giống như có người đang chụp ảnh chúng tôi?"
Phát minh không chỉ vì tiền
Khi trở về, Fromm bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất ô để chế gậy selfie. Nhắm tới những lữ khách thích phiêu lưu, sản phẩm của Fromm chịu được cát, nước và đủ loại tác động bất lợi khác tới từ bên ngoài. Nó cũng có các tính năng hữu ích như thiết bị nhả nhanh điện thoại, để người dùng không phải cầm cả cây gậy selfie to tướng, khi trả lời một cuộc gọi nào đó.
Fromm đã dành cả thập kỷ vừa qua để quảng bá cho phát minh của mình tại nhiều hội chợ. Ông đánh giá gậy nối dài của Ueda là một sản phẩm "tiền nghệ thuật", tin rằng cơn sốt gậy selfie hiện nay hình thành từ phát minh của mình.
Không giống Ueda, các sản phẩm của Fromm đã bán rất chạy. Tuy nhiên sản phẩm của ông đã vấp phải sự cạnh tranh từ các mặt hàng nhái có giá rẻ. Fromm nói rằng ông không thể đi kiện tất cả những kẻ đã làm hàng nhái.
"Chuyện giống như một đàn kiến ở điểm picnic vậy. Anh không thể đạp lên tất cả các con kiến. Cây gậy này đã thành hiện tượng ăn khách trên toàn cầu và sẽ rất hao tổn công sức nếu tôi muốn đứng lên chiến đấu với thế giới vì nó" - ông nói.
Ngoài ra, Fromm cho rằng những nhà phát minh như mình và Ueda không chế ra thứ gì đó chỉ để thu lợi tài chính. "Chúng tôi chỉ muốn tạo ra những thứ vui vẻ, hữu ích cho mọi người" - ông chia sẻ - "Vì thế tôi rất vui, khi thế giới đã đón nhận cây gậy selfie".
Sử dụng gậy selfie chụp ảnh tự sướng hiện đã trở thành một trào lưu quá phổ biến, tới mức khiến người khác khó chịu. Cây gậy này đã bị cấm tại nhiều sân vận động, buổi hòa nhạc, bảo tàng và thậm chí là tại buổi công bố sản phẩm mới của Apple. Thế nhưng đã có lúc nó được xem là thứ vô dụng, tới mức còn được liệt kê trong cuốn 101 phát minh vô dụng của người Nhật. |
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Tags