Vì đâu Hollywood kiên trì 'tẩy trắng' da diễn viên?

Thứ Hai, 12/10/2015 06:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần vừa qua, bộ phim Pan, nói về nguồn gốc của nhân vật Peter Pan lừng danh, đã công chiếu ở Mỹ. Ngay lập tức nó gây tranh cãi, sau khi một diễn viên da trắng có tên Rooney Mara được giao diễn vai thổ dân da đỏ ở Mỹ.

Những người chỉ trích đã lập một kiến nghị đưa lên mạng, và nhanh chóng thu thập được 94.000 chữ ký ủng hộ, trong đó chứa thông điệp rõ ràng gửi tới hãng phim: “Đừng để diễn viên da trắng thủ vai người da màu!”

“Truyền thống” tẩy trắng da diễn viên

Cơn phẫn nộ hình thành quanh phim Pan thực tế chỉ là một trong nhiều vụ liên quan tới việc các hãng phim Hollywood dùng diễn viên da trắng đóng vai da màu. Danh sách các bộ phim như thế hiện đã rất dài, với đủ thể loại, từ hài hước lãng mạn, cho tới phiêu lưu hành động, viễn tưởng và sử thi.

Năm ngoái, Ridley Scott đã khiến dư luận nổi cáu bởi bộ phim Exodus: Gods and Kings (Cuộc chiến Pharaông) của ông có nhiều diễn viên không phải dân Arab nhưng vẫn thủ vai người Ai Cập.

Năm 2013, người ta cũng phản đối khi Johnny Depp thủ vai một người thổ dân da đỏ trong phim The Lone Ranger (Kỵ sĩ cô độc). Jake Gyllenhaal thì dính chỉ trích bởi dù mang hai dòng máu Thụy Điển và Do Thái trong người, anh lại thủ vai chính tại phim Prince of Persia: The Sands of Time (Hoàng tử Ba Tư: Dòng cát thời gian - 2010).


Nữ diễn viên Rooney Mara đã gây tranh cãi khi thủ vai thổ dân trong phim Pan vừa ra mắt khán giả

Thực tế thì việc để diễn viên da trắng thủ diễn nhân vật mang các màu da khác, theo cách thức chế nhạo những vai này, đã có từ lâu trong ngành điện ảnh. Guy Aoki, lãnh đạo Mạng truyền thông hành động vì người Mỹ gốc Á (MANAA) nói rằng lối làm phim như thế đã phát một thông điệp rõ ràng gửi tới khán giả: đừng nhìn nhận nghiêm túc những kẻ không phải dân da trắng.

Aoki nhớ lại rằng trong những năm 1930, các diễn viên da trắng thường trang trí gương mặt thành màu vàng để thủ diễn vai phản diện Fu Manchu. Tương tự là việc nam diễn viên Mickey Rooney dùng răng giả và đeo kính cận để thủ diễn vai một doanh nhân Nhật Bản có hành động hài hước trong phim kinh điển Breakfast At Tiffany’s (1961). Câu hỏi đặt ra là vì sao hành động “tẩy trắng da” này vẫn tiếp tục tái diễn, dù nó đã khiến nhiều nhóm chủng tộc thấy khó chịu?

Thời da màu trở thành lợi thế

BBC nói rằng phân biệt chủng tộc chắc chắn là một yếu tố gây ra hiện tượng diễn viên da trắng tiếp tục thủ diễn các chủng tộc khác. Nhà nghiên cứu Jeffery Mio thì nghĩ rằng việc này có liên quan tới thói quen làm việc của những người hoạt động trong ngành điện ảnh ở Los Angeles. Họ có xu hướng thuê những người quen thuộc và cùng sắc tộc với mình.

Ngoài ra cũng có những luận điểm cho rằng các ngôi sao da trắng ở Hollywood có sức hút doanh thu mạnh nhất. Vì thế các nhà làm phim sẽ thường tuyển mộ diễn viên da trắng để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên nhiều người khác trong ngành điện ảnh không chấp nhận quan điểm này. “Lời đồn đại cho rằng “người da đen không ăn khách” thật nực cười.

Từ Will Smith tới Denzel Washington và David Oyelowo, tác phẩm của các diễn viên da đen đã được thiêu thụ và tôn vinh tại các thị trường trên khắp toàn cầu” – David Uwhite, Giám đốc điều hành công đoàn SAG-AFTRA của các diễn viên, cho biết.

Guy Aoki thì cho rằng tiềm năng doanh thu của các diễn viên không phải da trắng còn lớn hơn trong thời điểm hiện tại, khi Hollywood đang tìm cách mở rộng hoạt động làm ăn ra khỏi biên giới Mỹ. “Trung Quốc đã trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới” – ông nói – “Vì thế nếu anh đưa thêm nhiều người Mỹ gốc Á vào các bộ phim, khán giả sẽ rất thích thú vì thấy mình được phản ánh trong đó. Tại sao người ta lại không đón nhận một bộ phim nói rất nhiều về mình nhỉ?”

Hiển nhiên là Hollywood sẽ cần phải thay đổi chính sách sử dụng diễn viên như hiện nay. Tuy nhiên cuộc chiến nhằm làm Hollywood thay đổi đang gặp khó khăn, do lực lượng đối đầu không có tiếng nói thống nhất. Trong khi một số nhóm vận động không muốn người da trắng thủ các vai da màu, quan điểm này không được sự ủng hộ của công đoàn SAG-AFTRA.

“Luật nói rằng chủng tộc không thể là một phần của các tiêu chuẩn để có việc làm” - David White nói - “SAG-AFTRA không cổ súy việc tuyển người dựa trên việc ưu tiên nhóm chủng tộc”. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng phim Hollywood hiện đang thiếu sự đa dạng chủng tộc trong các vai diễn.

Chưa thể sớm thay đổi

Trong khi đó, khán giả đang yêu cầu các vai diễn ngày càng phải sát với thực té. Họ muốn thấy người châu Á thủ vai châu Á, người thổ dân thủ vai thổ dân... Họ nhanh chóng sử dụng mạng xã hội để thể hiện ý kiến của mình và phản ứng với phim Pan là ví dụ điển hình.

Về dài hạn, thì xu hướng tẩy trắng diễn viên này có thể sẽ giảm dần khi Mỹ tiến tới chỗ trở thành quốc gia đa văn hóa và Hollywood cũng chịu sự tác động từ sự thay đổi, để trở nên đa dạng hơn. Nhưng trước mắt, điều này chưa thể diễn ra. Báo cáo đa dạng Hollywood do Đại học UCLA công bố vào tháng 2 năm nay cho thấy rằng trong năm 2013, 94% những người ngồi vị trí quản trị các hãng phim là người da trắng.

Với việc người thiểu số có tỷ lệ hiện diện thấp trong mọi công đoạn sản xuất phim, cả trước và sau camera, điện ảnh ở Mỹ vẫn là một lĩnh vực của người da trắng. Cho tới khi điều này thay đổi mạnh, nhiều người tin rằng xu thế ưu tiên diễn viên da trắng của Hollywood, vốn kéo dài nhiều thập kỷ qua, sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›