(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc LS V-League 2020 vẫn chưa thể diễn ra trở lại vì dịch bệnh Covid-19 thì câu chuyện vì sao V-League vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình lại bị xới lên, và một lần nữa, Thai League lại là đối trọng được nhiều người nhắc tới trong sự liên hệ với V-League.
Trong lịch sử giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, V-League lần đầu tiên bán được bản quyền truyền hình là ở mùa giải 2005. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng được ký giữa VFF và VTV ở thời điểm đó không thực sự đáng kể, và số tiền bản quyền truyền hình V-League được phân chia theo tỷ lệ 55% - 35% - 15% (VFF - chủ nhà - đội khách).
6 năm sau, tưởng chừng V-League đã đổi đời khi bán được bản quyền cho AVG theo thời hạn 20 năm, trị giá hợp đồng là 6 tỉ đồng cho năm đầu tiên, mỗi năm tăng 10% lũy tiến, và số tiền này được phân chia theo tỉ lệ 40% - 40% - 20%.
Thế nhưng, bản hợp đồng giữa VFF và AVG còn chưa kịp thực hiện thì VPF ra đời trong cùng năm 2011, và dưới sự chủ trì của ông bầu Nguyễn Đức Kiên, VPF đã lấy lại bản hợp đồng này cùng cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình, và hứa hẹn con số này sẽ lần lượt tăng lên 100 tỷ đồng, 300 tỷ đồng hay 500 tỷ đồng vào những năm tiếp theo với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vào cái gọi là "Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam".
Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này đã tan thành mây khói sau khi bầu Kiên bị bắt giam trong năm 2012, và cho đến thời điểm hiện tại, bản quyền truyền hình vẫn không phải là nguồn thu đáng kể với các đội bóng tham dự V-League.
Nhờ thỏa thuận giữa VPF với các đài truyền hình, hầu hết các trận đấu của V-League đều được phát sóng trực tiếp và kể từ mùa giải 2020 thì con số này là 100%, nhưng các đài truyền hình gần như không bán được quảng cáo khi phát trực tiếp V-League, dù là trước trận hay giữa trận, nên thu nhập từ bản quyền truyền hình vẫn là con số vô cùng khiêm tốn.
Bất chấp cơn sốt bóng đá dấy lên ở Việt Nam suốt 2 năm qua, kể từ chiến tích á quân châu Á của ĐT U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á năm 2018, chỉ có bản quyền truyền hình liên quan tới các trận đấu của ĐTQG hoặc ĐT U23 QG mới nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm của doanh nghiệp, còn bản quyền truyền hình V-League vẫn là món hàng bị bỏ quên.
Thật ra việc doanh nghiệp thờ ơ với V-League là chuyện không quá khó để lý giải, vì giải VĐQG Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để có thể coi là chuyên nghiệp thực sự, như có không ít CLB vẫn sở hữu dàn đèn chưa đạt chuẩn, hay chỉ có vài sân vận động được đánh giá là có mặt cỏ hoàn hảo, hoặc có đội bóng không làm nổi cái nhà vệ sinh đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Đấy còn chưa kể những tồn tại đã kéo dài nhiều năm nay như tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng dẫn tới việc có không ít doanh nghiệp nản lòng, rồi nói lời chia tay với V-League vì đội bóng của họ không thể cạnh tranh chức vô địch một cách nghiêm chỉnh.
Chưa hết, bản thân lãnh đạo một số CLB đôi lúc vẫn còn hành xử rất không chuyên nghiệp, chẳng hạn như dọa rút đội bóng khỏi V-League chỉ vì lý do không hề liên quan tới giải VĐQG, hoặc mới đây nhất là từ chối tham dự cuộc họp trực tuyến do VPF tổ chức để bàn về phương án thi đấu cho V-League thời dịch bằng những lời lẽ rất thiếu thiện chí.
Vì thế, để kiếm được nhà tài trợ nhằm giúp V-League có thể diễn ra đều đặn hàng năm đã là một nhiệm vụ đầy tính thử thách với VPF hiện tại, bởi để có thể đưa được hình ảnh giải VĐQG đến với người hâm mộ một cách đầy đủ, các đài truyền hình đã phải bỏ ra một khoản không nhỏ làm chi phí sản xuất, nói gì tới chuyện yêu cầu họ phải chi ra trăm tỷ, nghìn tỷ để mua bản quyền phát sóng V-League.
Huy Anh
Đón đọc kỳ 2: Thai League không phải hình mẫu lý tưởng cho V League!
Tags