Tuần vừa qua, nhiều người trong số chúng ta đã dành sự chú ý cho phiên tòa xét xử vụ mẹ kế hành hạ con chồng đến chết. Và bản án đã được tuyên, để tạm khép lại vụ án từng gây chấn động dư luận suốt gần 1 năm qua.
Giống như câu chuyện cổ tích "Tấm Cám", ở vụ án ấy, nhân vật "dì ghẻ" tất yếu phải nhận sự trừng phạt đích đáng. Nhưng lại không giống cổ tích, cô Tấm hiền lành vô tội ở thời hiện đại này sẽ không được bụt hiện ra giúp đỡ, không được tái sinh và thậm chí không biết công lý đã được thực thi.
Nghĩ đến điều đó, lòng ta nghẹn lại. Chúng ta chỉ có thể tự hỏi mình, tại sao những chuyện như thế lại xảy ra trong thế giới hiện đại này, và chúng ta có thể làm gì để ngăn cản cái kết bi thảm như vậy xảy ra trong tương lai?
Lev Tolstoy từng nói: "Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng".
Chúng ta đang sống trong một thời đại tiên tiến, nhưng đồng thời các mối quan hệ truyền thống, cốt lõi và đã từng được xem là thiêng liêng, bất biến cũng vẫn thay đổi. Trong câu chuyện "mẹ kế - con chồng" ở trên, ta thấy câu chuyện của sự xuống cấp về đạo đức trong một gia đình. Và sự xuống cấp ấy kéo theo sự ra đi của một đứa trẻ vô tội.
Có thể với chúng ta, cuộc sống bộn bề vẫn tiếp tục, vài năm sau thậm chí không ai còn nhớ mình từng dõi theo phiên toà với phẫn nộ. Nhưng có một gia đình, một niềm hạnh phúc đã vĩnh viễn đổ vỡ.
Và cùng với sự đổ vỡ đó sẽ là những gánh nặng không dễ trút khỏi vai những "dì ghẻ" tốt bụng - những người dịu dàng, hy sinh, và chăm sóc cho con riêng của chồng. Những nỗ lực của họ suốt thời gian qua sẽ không dễ để người đời quên đi câu "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng" mà người xưa truyền lại.
Trong câu chuyện trên, cũng như một số chuyện hành hạ trẻ con khác, ta đã có nhân vật "dì ghẻ", "con chồng", "cha dượng"… nhưng rất nhiều khi lại vắng mặt một nhân vật quan trọng không kém: Ông bụt.
Bây giờ vụ án đã khép lại, lòng ta đã dịu bớt, đủ để tự hỏi: Trong suốt thời gian các "bé Tấm" bị hành hạ, hàng xóm, khu phố, những người lớn khác đã ở đâu? Không có ông bụt nào hiện ra và hỏi "tại sao con khóc?". Nhưng chẳng lẽ không có người lớn nào đã nghe thấy tiếng la khóc, đã nhìn thấy những vết thâm tím trên cơ thể của bé? Và nếu đã nghe, đã thấy, thì họ đã thật sự làm được gì? Nếu có những người quyết tâm bảo vệ cháu bé, liệu cái ác có diễn ra theo cách ấy?
Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều năm qua, chúng ta hay nhắc tới sự vô cảm trong xã hội hiện đại. Ở đó, nhiều khi chúng ta đã đánh mất đi tình thương, sự quan tâm. Chúng ta thu mình sau những cánh cửa đóng, tự bảo vệ mình, vì ngại phiền hà, thậm chí là sợ bị liên lụy.
Truyện "Tấm Cám" vẫn còn, câu ca dao nghiệt ngã kia vẫn còn. Nhưng nếu đã có lúc thờ ơ trước cái ác - dù là không chạm tới mình - ta hãy học cách thay đổi. Bởi trong câu chuyện Tấm Cám thời hiện đại, thay vì chọn đóng vai một độc giả, chúng ta có thể trở thành bụt để hỏi "vì sao" trước tiếng khóc của một em bé, dẫu trên vỉa hè, trong lớp học, hay ở một căn hộ cao cấp nào.
Tags