Vì sao 'Giai điệu tự hào' gây tranh cãi?

Thứ Ba, 01/04/2014 07:28 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Số thứ 3 Giai điệu tự hào phát sóng tối 30/3 trên sóng VTV1 không có nhiều “phá cách” táo bạo trong âm nhạc, nhưng các phần trình diễn Một đời người, một rừng cây, Vết chân tròn trên cátBài ca không quên đã mang lại những cảm tưởng khác nhau ở chính hội đồng khách mời.

Không dè dặt như 2 số đầu, không khí tranh luận giữa 2 hội đồng khách mời tại Giai điệu tự hào số 3 “nóng” và thẳng thắn khi chia sẻ về quá khứ, chiến tranh, về lý tưởng của giới trẻ…

1. Nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng: “Thượng đế sinh ra con người, cái mặt để nhìn ra đằng trước chứ không phải nhìn về phía sau. Nếu con người có đầu quay ngược lại phía sau thì con người sẽ chết vì vậy chúng ta đừng nghĩ nhiều tới quá khứ…Thế hệ đi trước cống hiến mà không bao giờ cần những người trẻ phải hàm ơn”. Trong khi đó, PGS Nguyễn Thị Minh Thái đã “phản pháo” ngay: “Không thể quên được, chỉ nên khép lại quá khứ”.

Hay sau khi nghe Thanh Lam hát Một đời người, một rừng cây, họa sĩ Đinh Công Đạt nhận xét: “Nếu như tách phần lời triết lý của ca khúc ra thì xét về phần nhạc, đây là một bản nhạc rất buồn chán và rất tệ”. Tuy nhiên, ý kiến của anh có vẻ không được nhiều khán giả tại trường quay đồng tình và nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái ngay tức khắc nói: “Tính triết lý càng tốt chứ sao, các ca khúc vắng bóng tính triết lý lắm”.


Ca sĩ Cẩm Vân thể hiện Bài ca không quên

Sắp đặt 30 chiếc xe lăn, 50 cây nạng gỗ và chân giả trên sân khấu cùng với “nhân chứng sống” là anh thương binh hạng 2/4 – Nguyễn Ngọc Loan - cầm guitar, chống nạng tình nguyện tham gia biểu diễn để minh họa cho ca khúc Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến bị “chê thậm tệ”. Nhà báo Quỳnh Hương cho rằng sân khấu này rất “tàn nhẫn”, trong khi bài hát Vết chân tròn trên cát, theo nữ nhà báo: “Không phải là than thở, kể công, tất cả là giấc mơ bình dị, xúc động”.

Sắp đặt bị “chê” thẳng thắn khiến tác giả - họa sĩ Đinh Công Đạt - phải thanh minh rằng: “Những xe lăn, chân tay giả và nạng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đau thương. Khi nghĩ đến việc sắp đặt này tôi thấy khó và băn khoăn vì sắp đặt sự đau thương dẫu có đẹp thì cũng tàn nhẫn”.

2. Từng trình diễn Bài ca không quên hàng ngàn lần trên sân khấu, ca sĩ Cẩm Vân cho biết chị vẫn “gai người” khi cất tiếng hát với hình ảnh những chiếc đèn dầu, 30 người mẹ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) mặc áo trắng, quần đen, đội nón, cầm ảnh liệt sĩ xuất hiện trên sân khấu… 350 tấm ảnh liệt sĩ mà khán giả cầm trên tay được thu thập từ khắp các Ban liên lạc tìm đồng đội đã tạo hình ảnh đặc biệt xúc động cho Bài ca không quên.


Ca sĩ Thanh Lam trình diễn trong Giai điệu tự hào số 3

Nhận xét về phần dàn dựng này, PGS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Đây là một tiết mục truyền hình cực kỳ hoàn hảo về cả hai phương diện. Tôi chưa từng thấy sân khấu truyền hình nào dựng một bài hát như Bài ca không quên mà lại có cảnh tượng này. Không bi thương mà nhớ, và không thể nào quên được. Đây là một vẻ đẹp hết sức nghệ thuật. Một tiết mục quá hoàn hảo”.

Tuy nhiên, xem xong tiết mục Bài ca không quên, nhiều người cho rằng màn sắp đặt hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc áo trắng quần đen, đội nón lá, cầm những tấm ảnh liệt sĩ cũng là hình ảnh từng được thể hiện trong vở múa Hạn hán và Cơn mưa 1995 và Hạn hán và Cơn mưa 2005 của nữ biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea sola Thủy.

Trao đổi với PGS Nguyễn Thị Minh Thái, bà cho biết: “Là nhà phê bình sân khấu 25 năm qua đương nhiên tôi phải biết chứ. Hình ảnh những bà mẹ đi chân đất mặc áo trắng quần đen, đội nón trắng, cầm di ảnh liệt sĩ gắn với Hạn hán và cơn mưa. Tuy nhiên, thời gian đã qua lâu rồi, những hình ảnh này chỉ còn trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay cần biết hơn về những người phụ nữ Việt Nam như vậy…”.

Phóng viên Thể thao & Văn hóa cũng đã liên hệ với Ea Sola Thủy (hiện ở Pháp) thì được chị cho biết: “20 năm trước, khi dựng Hạn hán và Cơn mưa, với cách phục trang cho diễn viên chỉ có áo cánh trắng, quần đen, đội nón lá và đi chân không, tôi đã bị rất nhiều người trong giới chuyên môn tại Việt Nam phản ứng, cho rằng làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, bởi lúc đó quan niệm về sân khấu còn khá… lạc hậu.

Nhưng, thời điểm hiện tại có rất nhiều chương trình sử dụng cách tư duy và thẩm mỹ của tôi cách đây 20 năm trước, thậm chí cả những hình ảnh, cách ăn mặc, biên đạo... Việc này đã xảy ra rồi mà điều đó là tốt, mà cũng không thể tránh. Vì chúng ta sống cùng nhau, có người đi trước, có người đi sau, ảnh hưởng, âm hưởng là việc bình thường”.

Như vậy với bà Ea Sola Thủy, sự ảnh hưởng (nếu có) cũng là bình thường. Tuy nhiên, sự thực có ảnh hưởng hay không, ở mức độ nào, ảnh hưởng hay chỉ là tương đồng một cách ngẫu nhiên…? Có lẽ ta không thể vội kết luận. Được biết, phía Ban tổ chức chương trình sẽ sớm có câu trả lời.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›