Vì sao HLV Wenger 'Đức hóa' Arsenal?

Thứ Tư, 19/02/2014 09:29 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mesut Oezil băng xuống chọc khe cho Lucas Podolski dứt điểm ghi bàn. Per Mertesacker, trong pha phạt góc của đội, đánh đầu chiến thuật để Podolski hoàn tất cú đúp. Điểm chung trong các tình huống trên của Arsenal, trong trận thắng Coventry City 4-0 tại Cúp FA? Toàn cầu thủ Đức tham gia.

Trận đó, cả 4 cầu thủ Đức của Arsenal đều đá chính, là Mertesacker, Gnabry, Oezil và Podolski. Ngoài ra, Arsenal còn có hai cầu thủ Đức nữa ở đội dự bị là Leander Siemann và Thomas Eisfeld. Năm 2008, sau khi để Jens Lehmann về Stuttgart, CLB không còn cầu thủ Đức nào, nhưng năm nay họ có 6 người.

Công cuộc Đức hóa tiến thêm một bước Hè qua, khi Arsenal chi gần 50 triệu euro mua Mesut Oezil từ Real Madrid. Một vụ bom tấn! Mùa Đông, họ đã sẵn sàng mua Julian Draxler, nhưng đáng tiếc là Schalke không bán. Ông Dick Law, Giám đốc phụ trách chuyển nhượng CLB đã thể hiện thiện chí khi bay sang Đức thương thảo hợp đồng với Draxler hồi giữa mùa, và Hè 2014, ông sẽ quay lại.

Bóng đá Đức đang phát triển mạnh và đặc biệt thành công ở khía cạnh đào tạo cầu thủ, nên không ngạc nhiên khi ông Wenger khoái “hàng Đức”. Ông nói trên trang chủ Arsenal: “Lúc này, Đức đang sản xuất những cầu thủ hàng đầu và ĐTQG của họ khá giống Tây Ban Nha 2-3 năm trước. Sau các cựu binh, ngay lập tức họ có Mario (Goetze), Mesut (Oezil), Julian (Draxler), Bastian (Schweinsteiger), Toni (Kroos) và Podolski. Họ có hai đến ba cầu thủ chất lượng mỗi vị trí, và đấy là lý do vì sao bạn cần có nhiều cầu thủ Đức hơn trong đội hình…”

Trong chuyện phát hiện tiềm năng thị trường cầu thủ, thì ông Wenger là bậc thầy. Trước trào lưu Đức hóa, Arsenal đã từng có trào lưu Pháp hóa và Tây Ban Nha hóa: Vieira, Anelka, Remi Garde, Emmanuel Petit, Giles Grimandi, Diawara, Robert Pires, Thierry Henry đến CLB trong giai đoạn đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và EURO 2000. Sau đó Cesc Fabregas khởi đầu trào lưu Tây Ban Nha hóa, rồi ông Wenger mua thêm Reyes, Fran Merida và Manuel Almunia, rồi gần đây là Mikel Arteta và Santi Cazorla. Không lạ. Hiện thời đại Tây Ban Nha, đội vô địch châu Âu 2 lần liên tiếp và đang là ĐKVĐ thế giới.

Một cách hình ảnh, thì ông Wenger đang nương theo chiều gió. Ông là một khách hàng nên phải mua sắm thông minh, và có quyền tìm chọn các sản phẩm tốt ở thị trường yêu thích. Arsenal vừa chấm dứt hợp tác với hãng đồ thể thao Nike của Mỹ, để ký hợp đồng tài trợ áo đấu kỷ lục với hãng Puma của Đức. Đấy có lẽ là thương vụ mang tính biểu tượng của họ? Chiến thuật của Wenger: Dùng tiền người Đức để mua cầu thủ Đức.

Đ.Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›