Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, từ giai đoạn này đến khi triển khai thi công đang mất nhiều quy trình, công đoạn, còn phải tiếp tục trình các sở, ban, ngành liên quan và cuối cùng sẽ báo cáo UBND thành phố quyết định lần cuối trước khi xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường lý giải, xét về giá trị thực tế, một nhà vệ sinh không thể lên tới tiền tỷ mà rơi vào tầm khoảng 300 đến 350 triệu đồng. Tuy nhiên, để làm nhà vệ sinh công cộng thì chi phí này tăng lên cao gấp nhiều lần (tùy vị trí xây dựng). Nhà vệ sinh này phải có hạ tầng kỹ thuật, bể phốt ngầm, điện, ống cấp thoát nước ngầm để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, những nơi dự kiến đặt nhà vệ sinh công cộng, ở điểm đông người qua lại thì chưa có sẵn các hạ tầng nói trên mà phải đấu nguồn từ xa. Vì vậy, việc đầu tư phần kỹ thuật ngầm còn đắt hơn nhà vệ sinh.
Về tính minh bạch của dự án, nếu thời gian tới thống nhất chủ trương làm thì các quy trình cũng đảm bảo nghiêm ngặt như, sẽ mời các doanh nghiệp chào hàng cung cấp thiết bị công khai, trên cơ sở đó sẽ cho sản phẩm giá cả hợp lý, có độ bền và chất lượng tốt…
Sau đó, sẽ được thẩm định giá ở một đơn vị độc lập và Sở Tài chính trước khi trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư lần cuối.