Tiền boa (hay tiền tip) cho nhân viên phục vụ tại các nhà hàng là một việc hết sức bình thường và phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng ở Nhật Bản, nếu bạn để lại một chút tiền "thưởng" cho nhân viên, họ có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Bởi họ cảm thấy như mình không được trả công đầy đủ nên mới cần thêm tiền boa. Theo họ, làm hài lòng khách hàng là bổn phận, trách nhiệm của mình, không cần thêm bất cứ khoản tiền tip nào nữa.
Ngay cả các quán Nhật ở nước ngoài cũng không nhận tiền boa. Cửa hàng Tokyo Diner ở thành phố London (Anh), đề nghị khách hàng không boa tiền và bất cứ tiền thừa nào đều để dành cho người vô gia cư. Riki - một khách sạn Nhật Bản ở New York (Mỹ) gần đây quyết định không chấp nhận tiền boa và tăng giá trên thực đơn để trả lương nhân viên cao hơn.
Người Nhật nghĩ rằng cung cấp dịch vụ phải xuất phát từ tấm lòng chân thành. Nếu muốn thể hiện sự hài lòng với thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ của cửa hàng, bạn có thể quay trở lại ủng hộ hoặc giới thiệu thêm nhiều bạn bè tới đó thưởng thức.
Thay vì tiền, người Nhật thể hiện sự yêu mến của mình dành cho nhân viên phục vụ thông qua một món quà bé nhỏ, tên là Origami Tip - tác phẩm nghệ thuật gấp bằng giấy, tỉ mỉ chứa đựng sự biết ơn, trân trọng, khích lệ dành cho nhân viên phục vụ. Khác với sự thực dụng của việc cảm ơn bằng tiền bạc, đây là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Nhật, đầy chân thành và ấm áp.
Đối với tiền bạc, người Nhật không vồ vập, không đánh giá mọi giá trị khác bằng tiền. Cũng không dùng tiền để thay cho lời tấm lòng muốn nói. Vì họ hiểu bản chất của tiền, vốn không thể đem lại cho con người những giá trị vô hình tốt đẹp hơn.
Quan điểm của người Nhật về đồng tiền còn thể hiện ở nhiều cách họ đối xử với tiền bạc khác nữa. Ví như khi thanh toán bằng tiền mặt, bạn sẽ được đưa ra trước mặt một chiếc khay nhỏ. Nhiệm vụ của bạn là đặt tiền vào trong chiếc khay đó.
Điều này để tránh đưa tiền trực tiếp cho người khác, vì người Nhật quan niệm hành động đó là một sự thất lễ. Bởi tiền bạc là một thứ đầy cám dỗ và con người phải có thái độ cẩn trọng, coi nó là công cụ chứ không phải là lợi ích nhất định phải đạt được.
Tuy vậy, lại cũng không được coi thường tiền bạc, vì đó là công sức chúng ta lao động mà có được. Dù là đồng tiền lẻ nhỏ bé, họ cũng không ngại ngùng mà kiên nhẫn đợi được trả lại khi đi mua hàng. Một lưu ý nữa, ở Nhật, nếu muốn cho ai đó tiền, bạn nhất thiết phải ở vị trí cao hơn họ.
Thế nên cách người Nhật đối đãi với tiền vừa cẩn trọng vừa trân quý quả là đáng để học tập.
Tags