Có những bất cập trong môn quần vợt khiến cho những tay vợt nữ, dù là nổi tiếng nhất, cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi đam mê của mình.
Trong suốt hơn một thập kỷ, Tatjana Maria, tay vợt Đức giàu kinh nghiệm, đã phải chen chúc trong các phòng khách sạn chật hẹp cùng chồng/làm huấn luyện viên và các con của mình. Cô phải sử dụng nguồn tài chính của bản thân để chi trả cho những phòng khách sạn lớn hơn khi di chuyển khắp thế giới với gia đình, để có thể vừa làm một người mẹ, vừa là một tay vợt chuyên nghiệp.
Năm 2018, Coco Vandeweghe đã chơi hầu hết mùa giải trong tình trạng bị gãy chân để tránh bị phạt vì đã không tham gia các giải đấu bắt buộc. Chấn thương này dẫn đến việc cô không thể đi lại và gần như phải kết thúc sự nghiệp. Hoặc việc không có mức lương đảm bảo, như Danielle Collins vào năm 2019, đã phải chi tiêu những khoản tiền rất lớn và không biết liệu có thể trang trải chi phí cho một huấn luyện viên, một nhân viên vật lý trị liệu và một đồng đội để cố gắng vươn tới vị trí cao hơn hay không.
Hiện nay, hầu hết các tay vợt hàng đầu trên thế giới đã trải qua tất cả những điều đó. Có cảm giác như họ đang bị coi là những người bán sức lao động, được thuê bởi WTA (Hiệp hội quần vợt nhà nghề nữ), thay vì là những ngôi sao thu hút khán giả mua vé và xem trên truyền hình.
Sự căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa các tay vợt hàng đầu và các nhà lãnh đạo của WTA đã bùng nổ tại giải WTA Tour Finals vừa diễn ra tại Cancun, Mexico. Điểm nóng là sân tennis tại sự kiện này được nhận định là "không an toàn". Sân đấu đó thậm chí còn không đạt tiêu chuẩn cho việc tập luyện cho đến trước ngày khai mạc giải đấu.
Tuy nhiên, các VĐV cho biết, trận chiến này là về những ý tưởng lớn – sự tôn trọng, bình đẳng, lắng nghe và được lắng nghe. Những điều đó đã tạo nên nền tảng cho cuộc nổi loạn của các vận động viên. Trong ba tuần rưỡi, Steve Simon, Giám đốc điều hành của giải WTA, đã từ chối yêu cầu các các tay vợt hàng đầu về một danh sách dài các cải tiến về mọi thứ, từ thù lao, đến lịch thi đấu, hoạt động giải đấu và bảo hiểm thai sản.
Bethanie Mattek-Sands, cựu thành viên Hội đồng các tay vợt của WTA Tour, hiện là lãnh đạo của các tay vợt trẻ, cho biết: "Những câu hỏi này đã được ấp ủ trong nhiều năm và giờ chúng ta đang thấy hệ quả của việc không trả lời chúng. Chúng ta chỉ đang đối phó hời hợt với mọi thứ thay vì tạo ra những thay đổi thực sự".
Danh sách "yêu cầu" gần đây mà 21 tay vợt hàng đầu, trong đó phần lớn là những người được xếp hạng trong Top 20 thế giới, gửi vào đầu tháng 10 bao gồm 4 lĩnh vực: Lịch thi đấu; quy định, tiêu chuẩn về trình độ cho các giải đấu; tiền thưởng.
Một số vấn đề có thể giải quyết dễ dàng, trong khi một số khác, đặc biệt là những khoản liên quan đến tiền, thì khó khăn hơn. Phí bản quyền truyền thông cho giải quần vợt nữ chỉ bằng 1/7 so với giải đấu của nam. Điều đó có nghĩa là WTA đóng góp ít hỗ trợ tài chính hơn cho mỗi giải đấu, dẫn đến số tiền thưởng thấp hơn, điều mà chiếm phần lớn thu nhập của tất cả mọi người. Những tay vợt hàng đầu có thể được hưởng số tiền nhiều hơn, nhưng vẫn không công bằng. Sự phân biệt đối xử giới cùng với sự yếu kém trong khâu quản lý đã dẫn đến việc các tay vợt nữ gặp nhiều khó khăn.
Về lịch trình, các tay vợt nữ chủ yếu đang tìm kiếm sự linh hoạt hơn. Họ muốn có nhiều khoảng thời gian hơn giữa các giải đấu lớn và trung bình. Họ muốn ít giải đấu bắt buộc hơn, điều đã tạo ra áp lực không tốt cho các vận động viên bị chấn thương phải tham gia. Họ muốn có nhiều cơ hội tham gia các giải đấu nhỏ và từ thiện, đi kèm với các khoản phí trang trải.
Về quy định và tiêu chuẩn giải đấu, các tay vợt muốn thời hạn đăng ký giảm xuống 3 tuần thay vì 4 tuần, có nhiều cơ hội rút lui khỏi giải đấu mà không bị phạt, và mức phạt thấp hơn cho việc bỏ lỡ các giải đấu bắt buộc. Họ muốn kết thúc việc bắt đầu trận đấu vào buổi tối muộn hoặc thiếu thời gian phục hồi thể lực. Những người phụ nữ chơi quần vợt chuyên nghiệp cũng muốn có dịch vụ chăm sóc trẻ em tại tất cả các giải đấu lớn và trung bình, phòng khách sạn lớn hơn cho các vận động viên đi cùng gia đình và có quyền đánh giá hiệu suất hoạt động của giải đấu.
Quan trọng hơn, đội ngũ quần vợt nữ cũng đang tìm kiếm một hình thức trả lương mới, thay vì dựa trên kết quả thi đấu, thì hãy bảo đảm tiền lương cho 250 tay vợt hàng đầu: 500.000 USD cho Top 100, 200.000 USD cho 75 người tiếp theo và 100.000 USD cho phần còn lại. Hệ thống bồi thường được đề xuất sẽ bao gồm bảo hiểm chấn thương, cung cấp một nửa số tiền tối thiểu nếu một vận động viên vắng mặt trong 6 tháng. Trong trường hợp mang thai và sinh con, một tay vợt sẽ nhận được bảo hiểm trong hai năm. Họ cũng muốn có một khoản tiền thưởng cho các tay vợt hàng đầu, một tỷ lệ thuế cố định từ doanh thu của giải đấu và có thể kiểm tra tài liệu tài chính của mỗi giải đấu.
Họ muốn có một thành viên thuộc "Hiệp hội vận động viên quần vợt chuyên nghiệp" có mặt trong tất cả các cuộc họp của tổ chức WTA, và có quyền truy cập vào tất cả các khu vực dành cho vận động viên tại tất cả các giải đấu, để không còn bị bỏ qua nhu cầu và mong muốn của mình.
Vào tối thứ Hai, một cuộc họp căng thẳng đã diễn ra giữa các tay vợt và ban lãnh đạo giải đấu. Cuối cùng, Simon đã viết một lá thư vào cuối ngày gửi đến 20 tay vợt nữ hàng đầu để truyền đạt thông điệp rằng ông hiểu rõ sự bất mãn của họ với điều kiện thi đấu ở Cancun, và ông cũng đang cố gắng giải quyết các vấn đề lớn hơn mà họ đang đề nghị.
Câu hỏi bây giờ là liệu Simon và các lãnh đạo khác có thể tìm ra biện pháp để dập tắt cuộc nổi dậy hiện tại này, và cam kết thực hiện các thay đổi mà các tay vợt hàng đầu đang yêu cầu để đảm bảo sự tồn tại của WTA Tour hay không.
Pam Shriver, cựu chủ tịch của WTA thập niên 90, bình luận: "Theo kinh nghiệm của tôi, điều này xảy ra vì các tay vợt không cảm thấy như tiếng nói của họ được tôn trọng. Tôi hiểu vì sao họ tức giận".
WTA đã từ chối công khai lá thư của Simon. Ban tổ chức giải đấu chỉ phát đi thông cáo cho biết: "Các vận động viên luôn là những người ra quyết định bình đẳng để đảm bảo hướng đi mạnh mẽ cho quần vợt nữ". Vẫn phải xem tình hình của quần vợt nữ trong tương lai liệu có thay đổi hay không.
Đầu năm nay, Paula Badosa, người đã leo lên vị trí số 2 thế giới năm ngoái, đã bày tỏ sự bức xúc vì sự thiếu minh bạch của WTA đối với các khoản thưởng tại giải đấu. "Họ không thông báo cho chúng tôi", Badosa nói. "Họ chỉ nói rằng đây là những gì bạn nhận được và bạn phải thi đấu". Vandeweghe, người đã nghỉ hưu vào đầu năm nay, từng vươn tới vị trí thứ 9 thế giới. Và rồi chỉ trong tích tắc, mọi thứ biến mất, kể cả thu nhập của cô, khi cô cố gắng xoay xở gánh nặng tài chính cho việc điều trị, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.
"Điều này giống như một cuộc chiến gia đình", cô nói về xung đột ngày càng gia tăng giữa những tay vợt hàng đầu và những lãnh đạo WTA. "Luôn có những cuộc tranh cãi lúc này hoặc lúc kia, nhưng bây giờ mọi chuyện đã trở nên gay gắt hơn".
Tại giải Ý mở rộng năm nay, các tay vợt nam tranh tài với số tiền thưởng 8,5 triệu USD, trong khi giải dành cho nữ chỉ có 3,9 triệu USD. Tại giải ASB classic ở Auckland hồi tháng 1, nhà vô địch nam, Richard Gasquet, đã nhận được gần 98.000 USD tiền thưởng. Trong khi đó, nhà vô địch nữ, Coco Gauff, chỉ nhận được hơn 34.000 USD.
Trung Phạm
Tags