Một trong những câu chuyện chuyển nhượng lớn nhất trong mùa Hè này liên quan tới Cristiano Ronaldo. Sau đây là những lý do vì sao MU không cần cố gắng giữ chân tiền đạo này.
Mùa Hè năm ngoái, MU đã nổ bom tấn mang tên Cristiano Ronaldo. Việc ký hợp đồng với cầu thủ người Bồ Đào Nha không chỉ nhằm ngăn cản anh gia nhập Man City mà nó còn thể hiện MU vẫn còn đánh giá rất cao huyền thoại này. Một năm đã trôi qua và câu hỏi liệu Ronaldo có thành công ở MU hay không là một câu hỏi khó trả lời.
Ronaldo có một lượng CĐV lớn trên toàn thế giới và họ sẽ nhanh chóng chỉ ra những đóng góp to lớn của anh cho MU trong suốt mùa giải 2021/2022 với 30 bàn thắng trên mọi đấu trường. Nếu chỉ nhìn vào số thống kê, chúng ta đều phải đồng ý rằng bất kỳ tiền đạo nào có thể ghi trên 30 bàn một mùa đều là rất thành công. Vậy tại sao vẫn có sự nghi ngờ dành cho Ronaldo?
Sau đây là những lý do chỉ ra việc Ronaldo không còn phù hợp với triết lý ở MU. Gần đây, anh đã yêu cầu được ra đi và "Quỷ đỏ" không nên níu kéo huyền thoại của mình ở lại.
Thiếu năng động
Một điều dễ nhận thấy ở Ronaldo là anh luôn yêu cầu các đồng đội chuyền bóng cho mình. Như vậy, khi MU triển khai tấn công, chúng ta thường thấy các vệ tinh xung quanh cố gắng đẩy bóng cho Ronaldo dù có những phương án tốt hơn. Chúng ta cũng thấy Ronaldo rất tích cực lùi sâu hoặc dạt biên để lấy bóng. Nhưng khi làm như vậy, MU đã đi mất một cầu thủ đá cắm ở tuyến trên.
Vấn đề của Ronaldo là khi làm như vậy, anh có thể giúp MU liên kết lối chơi. Nhưng bản thân Ronaldo không còn đủ năng động để chạy nhanh về vị trí tiền đạo cắm của mình. Khi đó, đường tấn công của MU không thể phát triển tiếp và CR7 vô tình trở thành người phá hỏng lối chơi của CLB.
Trong quá khứ, Ten Hag đã thành công với một tiền đạo trung tâm, người rời tuyến trên để liên kết lối chơi. Ở mùa 2018/2019 khi đưa Ajax vào bán kết Champions League, ông đã làm vậy với cựu cầu thủ chạy cánh Dusan Tadic của Southampton chơi ở vị trí tiền đạo trung tâm.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Ronaldo và Tadic là tiền đạo của Serbia vẫn duy trì sự năng động của mình khi di chuyển để liên kết lối chởi rồi lại chạy trở lại vị trí tiền đạo. Phiên bản Ajax đó của Ten Hag cũng có những cầu thủ chạy cánh chất lượng, sẵn sàng đứng vào vị trí của Tadic mỗi khi anh lùi sâu. Đây là điều không thường thấy ở MU. Vậy khi Ronaldo ra đi, liệu lối chơi tấn công của MU có được cải thiện?
Bị động trong việc giành quyền kiểm soát bóng
Ronaldo đã cho thấy tinh thần chiến đấu rực lửa của mình trong suốt sự nghiệp. Khi lần đầu đến Old Trafford, cầu thủ người Bồ Đào Nha rất thích những pha xử lý bóng tiểu xảo, những pha di chuyển tốc độ để tạo ra cơ hội cho chính mình và ghi bàn.
Phiên bản ngày đó của Ronaldo rất khác so với phiên bản ngày nay. Bây giờ, khi đã ảnh hưởng bởi tuổi tác, Ronaldo bắt đầu dựa ít vào sức mạnh và tốc độ. Thay vào đó, anh sử dụng trí thông minh và kinh nghiệm. Anh phân bố sức lực vừa đủ để có được những pha bứt tốc bùng nổ khi cần thiết. Tuy nhiên, sự tiến hóa này lại khiến Ronaldo không còn năng nổ trong việc áp sát để giành lại bóng trong chân đối thủ. Hay nói thẳng ra, anh không còn quan tâm đến nhiệm vụ này nữa.
Ở tình huống này, chúng ta thấy Fernandes là "số 10" thi đấu phía sau Ronaldo. Fernandes đã phải xoay sở trước 3 cầu thủ áo đỏ và tình huống tiếp theo là phía Arsenal đã luân chuyển trái bóng thành công lên phía trên, trong khi Ronaldo vẫn bị động và ở rất xa. Tiền đạo 37 tuổi không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy anh muốn tranh bóng. Điều này khiến Ronaldo tự loại mình ra khỏi khối phòng ngự chung của MU, khi đối thủ triển khai đường tấn công của họ.
Với Ten Hag cầm quyền, ông sẽ không muốn hình ảnh trên tiếp tục xảy ra ở mùa sau. Đây là một trong những lý do khiến Ronaldo bị chỉ trích là không đóng góp tích cực cho lối chơi chung của MU.
Một tiền đạo phải như thế nào dưới thời Ten Hag?
Như đã đề cập trước đó, Ten Hag đã sử dụng nhiều mẫu cầu thủ khác nhau cho vị trí tiền đạo của mình. Chúng ta tin rằng Ten Hag sẽ ưu tiên một cầu thủ theo phong cách mục tiêu, người có thể nhận bóng khi quay lưng về phía khung thành và giúp các đồng đội khác tham gia cuộc tấn công.
Đây là cách mà chiến lược gia người Hà Lan đã thiết lập ở mùa giải trước tại Ajax với tiền đạo Sebastien Haller trong vai trò đó. Đây không phải là lần đầu tiên Ten Hag huấn luyện Haller, trước đó ông đã sử dụng anh trong vai trò tương tự tại Utrecht. Giống như Ronaldo, Haller ở mùa giải trước đã ghi được 40 bàn thắng trên mọi đấu trường. Nhưng lối chơi toàn diện của anh mới là điều ấn tượng nhất.
Haller là một tiền đạo, người khiến những vệ tinh xung quanh trở nên tốt hơn, bằng cách tạo cho đội bóng của mình một tiêu điểm để họ có thể chơi tấn công. Thật khó để cho rằng số 7 hiện tại của MU có thể làm tốt như Haller.
Trong một bài tấn công chuẩn như sách giáo khoa của Ajax, Haller lao xuống để nhận bóng, chuyền lại cho đồng đội rồi di chuyển nhanh về 1/3 cuối sân đối thủ. Và khi Haller có bóng, các vệ tinh xung quanh anh, từ tiền vệ công cho đến tiền đạo cánh cũng sẽ di chuyển để tạo thành một khối tấn công tổng lực. Nhưng với MU, kịch bản này thường không diễn ra. Khi Ronaldo có bóng, các vệ tinh xung quanh anh khá "tĩnh" vì họ cho rằng Ronaldo có thể tự làm nên chuyện.
Nhìn chung, Ronaldo đã tự trả lời cho các câu hỏi khi tự loại mình ra khỏi lối chơi chung của MU. Liệu Ten Hag có muốn giữ Ronaldo ở lại không hay sẽ tìm một phương án khác để thoải mái xây dựng triết lý của mình? Với một tân HLV, câu trả lời đã quá rõ ràng. Điều quan trọng nhất là phải phát triển lối chơi chung.
Trung Phạm
Tags