(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù bị chìm trong chuyến hành trình đầu tiên cách đây đúng 110 năm, con tàu RMS Titanic vẫn luôn mở ra những cảm xúc đặc biệt trong trí tưởng tượng của công chúng ngày nay.
Vào đêm 15/4/1912, khi tăng tốc với tốc độ 41km/giờ về phía New York, tàu Titanic đã va chạm với một tảng băng trôi và chưa đầy 3 giờ sau nó đã trở thành một con tàu đắm. Titanic chìm cách Halifax (Canada) 1.296 km về phía Đông trong khi phần lớn hành khách đang ngủ. Thảm kịch này đã khiến khoảng 1.500 người chết, chủ yếu là do đuối nước ở vùng biển băng giá Bắc Đại Tây Dương.
“Làm mới” qua từng thế hệ
Vụ chìm tàu Titanic là một trong những thảm kịch lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ trước. Titanic đã trở thành đề tài trong hàng trăm cuốn sách, bộ phim bom tấn, nhiều viện bảo tàng, và thậm chí là đồ chơi xếp hình Lego. Còn bây giờ, câu chuyện về nó đang lan sang cả mạng xã hội.
Roger Marsters, người phụ trách Bảo tàng Hàng hải Đại Tây Dương ở Halifax (Canada), cho biết tàu Titanic đã kích thích trí tưởng tượng của công chúng từ rất lâu trước khi đạo diễn James Cameron tung ra bộ phim bom tấn hồi năm 1997. Tuy nhiên, bằng việc mở ra câu chuyện về tình yêu của 2 nhân vật thuộc những tầng lớp khác nhau trong xã hộitrên chuyến ra khơi đầu tiên của con tàu xấu số, bộ phim đã vẽ nên những dấu mốc đặc biệt trong trí tưởng tượng của khán giả, dưới tài năng của 2 ngôi sao Leonardo Dicaprio và Kate Winslet.
“Nhiều năm qua, đã đó nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến nghĩa trang Fairview Lawn và Mount Olivet - nơi yên nghỉ của nhiều nạn nhân vụ chìm tàu Titanic. Họ viếng mộ của những người họ chưa bao giờ gặp và chưa từng biết. Có một sức mạnh tưởng tượng liên kết họ với nhau từ câu chuyện của Titanic” - Masters nói. Như lời chuyên gia này, câu chuyện về Titanic luôn được “làm mới” theo từng thế hệ.
Ngoài đời, những người ưa tìm hiểu về Titanic trên mạng internet chắc chắn không lạ gì cái tên Titanic Guy (tên thật là Rafael Avila, 32 tuổi). Người đàn ông sống ở Toronto (Canada) này đã dành nhiều thời gian để biên soạn những câu chuyện lặt vặt về Titanic và đính chính những thông tin sai lệch về con tàu mà anh đọc thấy trên mạng. Kênh TikTok của anh hiện có hơn 600.000 người đăng ký và khoảng 34 triệu lượt thích.
Avila cho biết, năm 7 tuổi (vào năm 1997), anh xem một bộ phim tài liệu về một con tàu bị chìm và hỏi cha mình rằng bộ phim nói về con tàu nào. Cha anh kể rằng đó là câu chuyện về một con tàu nổi tiếng lớn nhất thế giới và còn mới tinh khi bị chìm. Bị cuốn hút với câu chuyện, Avila đã thuyết phục bố mẹ đưa mình đi xem bộ phim nổi tiếng vào tháng 12 năm đó và Titanic của Cameron càng khiến anh hào hứng với con tàu ấy.
Avila cho rằng, trước đó, câu chuyện Titanic gần như đã bị lãng quên trong những năm dài sau khi tàu chìm. Và cuốn sách A Night To Remember xuất bản năm 1955 cùng một bộ phim cùng tên được chuyển thể từ cuốn sách được tung ra vào năm 1958, đã khơi gợi lại sự quan tâm của công chúng về con tàu này.
Cũng theo Avila, quả bom tấn Titanic của đạo diễn Cameron đã tạo ra sự quan tâm tăng nhanh chóng tới Titanic và bây giờ nó đã là một nội dung quan trọng trong truyền thông. “Con tàu đại diện cho nhiều thứ khác nhau. Đó là sự kỳ vĩ, là hy vọng, là cơ hội. Và sau đó, tất cả sụp đổ vì một thứ quá đơn giản: Một tảng băng trôi” - Avila nói.
Triển lãm nhân 110 năm chìm tàu Titanic Titanic: The Artifact Exhibition in Las Vegas (tạm dịch: Titanic - Triển lãm Hiện vật ở Las Vegas) hiện đang diễn ra tại Khách sạn Luxor ở Las Vegas, bao gồm 32 hiện vật được trục vớt trực tiếp từ xác tàu và đã được phục chế.Tới đây, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều vật dụng, chủ yếu là đồ cá nhân của những hành khách trên chuyến tàu vào đêm định mệnh đó. |
Giải mã con tàu “không thể bị chìm”
Cũng trong những năm qua, các chuyên gia đã phân tích một số bí ẩn về con tàu đắm nổi tiếng này. Cụ thể, kỹ sư hải quân Alexandre de Pinho Alho, giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Hải quân và Đại dương tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro (Brazil) đã giải thích về khái niệm “con tàu không thể bị đắm” gắn với Titanic trước đây.
“Về kỹ thuật, tàu Titanic trở nên nổi tiếng vì nó là con tàu đầu tiên áp dụng ý tưởng thiết kế nhằm chia con tàu thành nhiều khoang kín nước. Nghĩa là nếu nước ngập 1 khoang thì nó không thể ngập khoang tiếp theo. Vấn đề là dự án này gặp phải nhiều thách thức khi chạy các đường ống và dây cáp điện dọc theo chiều dài của con tàu” - Alho giải thích - “Và phía thiết kế đã tính toán giới hạn dự kiến khi tàu bị thủng. Họ kết luận rằng nước biển rất khó chạm tới nóc các khoang. Do vậy, tàu đã được tạo ra các ngăn cách ly kéo dài lên tới rất gần lớp mái này”.
Thực tế, ai cũng biết, vụ va chạm với tảng băng quá lớn đã khiến tính toán này trở nên vô hiệu. “Vết rách trên thân tàu kéo dài đến một nửa chiều dài của con tàu. Trong hoàn cảnh đó, nước tất nhiên ngập đến trần. Tất cả các biện pháp cứu hộ đã được thực hiện, nhưng không thể rút bỏ một lượng nước lớn như vậy, trong khi nước bên ngoài vẫn tràn vào tàu” - Alho phân tích.
Còn kỹ sư vận tải Aurélio Soares Murta, giáo sư tại Đại học Liên bang Fluminense (Brazil) cũng khẳng định thêm: Trong vụ tai nạn, hệ thống đóng kín giữa các khoang cũng không hoạt động như kế hoạch. Việc này đến từ khả năng chịu lực kém, khi chúng được làm bằng loại thép kém hơn nhiều so với các tàu ngày nay. Ông nói: “Va chạm quá mạnh khiến kết cấu của tàu bị thay đổi. Các cánh cửa không thể đóng kín, chúng bị lỗi. Công nghệ luyện kim hồi đó khác hẳn bây giờ. Tàu Titanic được làm từ loại thép tốt nhất thời đó nhưng không thể so sánh với loại thép mà chúng ta có ngày nay”.
- Bản sao tàu Titanic - điểm nhấn mới thu hút du khách ở Trung Quốc
- Bức thư của nạn nhân tàu Titanic được bán với giá kỷ lục
- Số phận tàu Titanic được báo trước 14 năm?
Thực tế, những vụ tai nạn lớn của nhân loại cũng đều có trách nhiệm từ phía con người. Trong những năm đầu thế kỷ 20, những con tàu sang trọng được ưa chuộng để phục vụ những người giàu có trên thế giới. Và Titanic bị đẩy vào cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những con tàu hơi nước xuyên Đại Tây Dương. Người ta nói rằng Titanic đã cố gắng phá kỷ lục về tốc độ của tàu hơi nước Mauretania, đối thủ lớn nhất khi đó. Thời điểm này đã xuất hiện Blue Riband -một giải thưởng không chính thức được trao cho tàu chở khách băng qua Đại Tây Dương với tốc độ trung bình cao nhất. Và Titanic nghiễm nhiên bị coi là ứng cử viên quan trọng nhất cho vinh dự này.
“Vào thời điểm đó, tàu thủy là công trình kỹ thuật vĩ đại nhất mà nhân loại có thể thực hiện” - Alho nói - “Đã có sự cạnh tranh giữa các công ty lớn nhất và cả giữa các quốc gia đóng tàu chính trên thế giới, trong trường hợp này là giữa Anh và Đức. Titanic được coi là cơ hội tuyệt vời để lập kỷ lục mới trong cuộc đua này”.
Có những lời kể từ những người sống sót rằng thuyền trưởng của Titanic vẫn có sự do dự để giảm tốc độ khi biết tin có tảng băng trôi ở gần đó. Ông không muốn bỏ lỡ cơ hội đến đích càng sớm càng tốt.
Những bản sao hứa hẹn thu hút du khách Ở thời điểm hiện tại, một số bản sao gần với kích thước thật của tàu Titanic đang được chế tạo. Trước tiên phải nhắc đến phiên bản trong một công viên giải trí ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), vốn cách biển hàng ngàn km. Được gọi là “Titanic không thể chìm”, con tàu này có kích thước chính xác như nguyên bản - dài 269,06m và rộng 28,19m. Khi điểm tham quan mở cửa, du khách có thể trả tiền để qua đêm trên tàu. Một phiên bản đầy đủ khác, Titanic II, từng được công bố ý tưởng vào năm 2013 bởi hãng hàng không Blue Star của Australia. Công trình này được quảng cáo là sẽ có cùng cách bài trí như con tàu Titanic nguyên bản, với các phòng nghỉ có thiết kế tương tự (mặc dù những phòng này sẽ có các dãy phòng riêng). Tàu sẽ có cầu thang lớn tráng lệ và thậm chí là một phòng tập thể dục “thời Edward”. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags