(Thethaovanhoa.vn) - Trở thành “hiện tượng” của làng nhạc Việt trong năm 2014 theo nhiều nghĩa, từ thành công “khủng” trên thị trường nghe nhạc, tạo sức ảnh hưởng “khủng” đối với khán giả trẻ, đến những scandal...
Điều khác biệt lớn nhất của Sơn Tùng M-TP với những ca sĩ trẻ còn lại chính là một hình ảnh K-pop dán nhãn Việt. Nói cách khác, bất cứ sản phẩm âm nhạc “made in Vietnam” nào của ca sĩ này cũng đều “gia công” theo công thức K-pop.
Câu hỏi được đặt ra là Sơn Tùng M-TP không phải là ngọn gió tiên phong cho K-pop tại Việt Nam thì tại sao anh lại thành công đến vậy? Nhạc trẻ Việt Nam tính từ lúc mở cửa tới nay đã gần 30 năm, đã chứng kiến những cuộc đổ bộ của Cantopop, J-pop, hải ngoại và rồi đến K-pop nhưng dường như sức hút của Sơn Tùng M-TP vẫn lạ lùng nhất.
Nhìn lại cơn gió Canto pop
Những gì mà cơn bão K-pop đang thổi tại Việt Nam hiện nay chẳng khác mấy với thời kỳ Canto pop ở thập niên 90 thế kỷ trước. Lúc ấy phong trào hát nhạc Hoa lời Việt, đặc biệt là nhạc của tứ đại thiên vương ở Hong Kong, sốt sình sịch. Và đại diện tiêu biểu cho cơn sốt ấy tại Việt Nam không ai khác hơn cặp Minh Thuận - Nhật Hào.
Không như bây giờ khi tất cả mọi thứ đều có thể dễ tìm kiếm và chọn lựa nhờ internet, ngày ấy Minh Thuận - Nhật Hào tự mình làm mọi việc. Họ tìm nhạc, nhờ dịch nghĩa, rồi đặt lời, tự thu âm, thông qua các hãng đĩa phát hành, có những lúc phải cầm nhà để làm đĩa. Số lượng bán ra của loạt đĩa Chàng trai Beijin phải đến triệu bản, một con số mơ ước của bất cứ ca sĩ nào.
Sơn Tùng M-TP, đại diện mới của K-pop tại Việt Nam
Minh Thuận - Nhật Hào không phải là những nghệ sĩ duy nhất hát Canto pop lúc ấy (cặp Lam Trường - Vân Trường thời điểm 1992-1994 cũng đã khá nổi tiếng) nhưng họ khác biệt ở hình ảnh, phong cách và những bài hát thể hiện.
Sơn Tùng M-TP hiện cũng là một sự khác biệt về hình ảnh, phong cách biểu diễn và ngôn ngữ âm nhạc. Điểm chung của những cuộc đổ bộ từ Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản… mà không thể nói đến chính là những bộ phim truyền hình. Phim tới trước, âm nhạc theo sau. Thành công của Minh Thuận - Nhật Hào cũng là nhờ phong trào phim bộ Hong Kong lúc ấy đã trở thành món ăn hàng ngày của số đông công chúng thời điểm đó.
Nhưng khác Minh Thuận - Nhật Hào, Sơn Tùng M-TP biết sáng tác.
Khác biệt
Chính sáng tác đã làm Sơn Tùng M-TP khác biệt với những đại diện thời Canto pop, J-pop và thậm chí cả K-pop tại Việt Nam.
Ngày trước, Minh Thuận - Nhật Hào chỉ “sao” lại một bản nhạc Hong Kong một cách thuần túy, viết lại lời Việt. Cho dù ở thời điểm đó, điều này cũng là một sự lạ lẫm nhưng nó cũng có ranh giới rõ ràng của việc cover và sáng tác. Công chúng lúc ấy cũng không đòi hỏi nhiều, cái mà họ thích ở Canto pop chính là giai điệu dễ nghe, dễ thấm, dễ nhớ. Bên cạnh đó, họ cũng không có điều kiện để được nghe trực tiếp, nên những nghệ sĩ như Minh Thuận - Nhật Hào là cầu nối đến với Cantopop.
K-pop thời kỳ đầu khi đến Việt Nam (thông qua các bộ phim truyền hình thời kỳ 1997-1998) cũng mang đến những giai điệu âm nhạc gần như đúng kiểu của Canto pop trước đó: ballad, nhẹ nhàng, gây xúc động mạnh...
Nhưng K-pop bây giờ là một sự hóa thân khác biệt, nó không dễ nghe về mặt âm nhạc thuần túy. Và vì thế, mô hình kiểu Minh Thuận - Nhật Hào chắc chắn không còn phù hợp.
K-pop hiện nay chỉ hấp dẫn khi kết hợp một cách trọn vẹn từ âm nhạc, vũ đạo đến biểu diễn. Cần nhớ rằng hầu như tất cả những album phát hành của các ca sĩ K-pop đều được đính kèm thêm DVD và poster. Cơn sốt K-pop được tạo ra bởi tai, mắt và cả tay chân. Nó rất khác so với trước đây.
Và vì thế khi vào Việt Nam K-pop tạo ra cơn sốt nhưng chưa tạo được người đại diện tiêu biểu. Âm nhạc của K-pop một khi được một ca sĩ bản địa hát lại thì đó là một sự thất bại hơn là thành công bởi khả năng vũ đạo, đặt lời Việt và phong cách biểu diễn không thể bằng những ca sĩ nguyên bản, vốn được đào tạo bài bản đến khắc nghiệt. Bây giờ nếu hát nhạc của nhóm Super Junior mà viết lời Việt và hát với hình ảnh không liên quan đến K-pop thì chắc chắn sẽ chẳng được ai chú ý. K-pop bây giờ là phải đồng bộ và chuẩn mực. Chỉ khác một chút là sẽ thất bại.
Một vài ca sĩ/nhóm hát Việt đã thất bại bởi không thể làm theo đúng kiểu K-pop cho đến khi Sơn Tùng M-TP xuất hiện. Với Sơn Tùng M-TP, đó là K-pop phiên bản Việt, từ âm nhạc với ngôn ngữ thuần Việt với ca từ đơn giản nhưng tạo được sự tò mò, vũ đạo tốt, hình ảnh nhận diện khác biệt... Sơn Tùng M-TP thành công là nhờ biết hóa giải nguyên bản, rồi kết hợp “hài hòa” với bản sao K-pop.
Những sáng tác của anh rất ăn khách. Dù nhiều người ta thán chuyện sáng tác theo phong cách của K-pop nhưng trước đó, chưa ai làm được như Sơn Tùng M-TP hoặc có làm nhưng chưa thành công. Rất nhiều ca sĩ dòng underground ở Việt Nam đã đi theo mô hình sáng tác này nhưng chưa gặp may. Sơn Tùng M-TP trước đây cũng thế, cũng lặn lội từ “dòng ngầm” (underground) và sau một bài anh lập tức “trồi” lên ngay “dòng chính” (mainstream).
Rồi không chỉ một bài, mà hầu như những sáng tác của Sơn Tùng M-TP đã được đón nhận rộng khắp trên các mạng xã hội, cho nên điều này cũng tách anh ra khỏi danh sách “one hit wonder” (nổi một lên rồi thôi) và cũng không nằm trong diện “hit ảo”.
Sơn Tùng M-TP đang đến với V-pop với những chiến lược cụ thể. Nếu ngày xưa Canto pop với Minh Thuận - Nhật Hào gần như chẳng có chiến lược tiếp thị cụ thể nào thì bây giờ Sơn Tùng M-TP có cả một ê-kíp cố vấn, thực hiện bài bản.
Và cũng nhìn nhận một cách công bằng rằng, thị trường âm nhạc thời kỳ nào cũng có cạnh tranh gay gắt và bão hòa về chất. Nhưng trong sự bão hòa ấy, bao giờ cũng sẽ lọt ra một vài chỗ trống cho những hiện tượng âm nhạc được thoát ra. Nó có thể là một sự ăn may, có thể một điểm rơi đẹp hoặc có thể là một cú “đẩy” tuyệt vời của truyền thông. Nhưng những người “thoát” khỏi khe cửa hẹp ấy đều mới và có tài năng nhất định.
Sơn Tùng M-TP là một người như vậy và chưa hết, anh cũng sẽ là hình mẫu của nhiều người.
Bắt đầu được biết đến từ năm 2012 với “hit” Cơn mưa ngang qua, tiếp tục với bản “hit” Nắng ấm xa dần năm 2013, và tới 2014 thì “bùng nổ” với Em của ngày hôm qua, và mới nhất là với ca khúc nhạc phim Chắc ai đó sẽ về. Những bài hát của Sơn Tùng M-TP luôn đạt kỷ lục về lượng người nghe với hàng chục triệu lượt. Bên cạnh đó, phong cách của Sơn Tùng, một mặt được xem là khá khác biệt tại Việt Nam, mặt khác bị cho rằng “y chang” hình ảnh các ca sĩ Hàn Quốc, đặc biệt là G-Dragon. Các bản “hit” cũng trở thành tâm điểm của một loạt những cáo buộc đạo nhạc, đạo beat. Mới đây, Sơn Tùng M-TP được bầu chọn là Mỹ nam của năm (Ngoisao.net). Hiện ngôi vị Nam nghệ sĩ được yêu thích nhất tại giải Zing Music Awards trao vào trung tuần tháng 1/2015 sẽ là cuộc đọ sức giữa Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh và cán cân đang nghiêng về phía chàng trai người Thái Bình vừa qua tuổi 20, Sơn Tùng M-TP. Từng là thủ khoa Nhạc viện TP HCM năm 2012, Nguyễn Thanh Tùng (tên thật) giải thích nghệ danh Sơn Tùng M-TP rằng M là Music (âm nhạc), T là tài năng và P là phong cách. |
Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags