VIDEO CẬP NHẬT: Hàng ngàn ngôi nhà bị nước nhấn chìm. Quảng Bình sẽ phải đối mặt với trận lũ lịch sử

Thứ Bảy, 15/10/2016 13:14 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Mưa lũ trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và của vẫn chưa dừng lại.
Tiếp tục cập nhật

Quảng Bình: Hơn 30.000 ngôi nhà chìm trong lũ lụt

Tính đến 16 giờ ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 30.000 ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm, 10 người chết mà mất tích, hàng chục người bị thương. Hiện nước trên các sông lên nhanh và vượt báo động 3.

Trên Sông Son, tại xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch hàng ngàn ngôi nhà đã bị nước lũ nhấn chìm. Người dân đã di chuyển đồ đạc lên cao và đưa gia súc lên khu vực cao để tránh nước lũ cuốn trôi. Tạixã đã có hai cháu bé bị chết do lũ lụt.

Ông Nguyễn Công Trứ-  Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình: “Toàn xã có hơn 2730 hộ nhưng hiện nay đã bị ngập hơn 90%,  bình quân từ 2,5 đến 3m; hiện nay, các công trình thủy lợi, thuyền du lịch, lồng cá của bà con vẫn ổn định. Có hai trường hợp cháu nhỏ bị chết. hien nay chúng tôi đang tập trung hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con, các trường học đang tập trung xử lý môi trường”.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 15/10, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn. Theo đó, UBND tỉnh tổ chức phân bổ lực lượng rộng khắp và túc trực 24/24 để giúp dân, khắc phục hậu quả lũ lụt
Đến thời điểm này, giao thông trên tuyến quốc lộ 1A vẫn đang bị chia cắt và ngập lụt nhiều điểm. lực lượng CSGT đã phân luồng, đặt biển báo cho các lái xe biết để xử lý. Tuy nhiên hàng trăm phương tiện giao thông vẫn đang bị kẹt trên tuyến quốc lộ từ đêm qua 14.10

Lái xe Dương Ngọc Quang: “Xe chúng tôi đến địa bàn từ 4h15 phút sáng 15/10, hiện nay vẫn đang mắc kẹt tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình”

Ông Nguyễn Hữu Hoài-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “Trên địa bàn tỉnh, lượng mưa phổ biến từ 700 đến 1.000mm, và đặc biệt là tp đồng hới, lượng mưa hôm qua 14/10 đã lên đến 700mm, đây là lượng mưa mà bao nhiêu năm qua chưa từng có ở Đồng Hới. Do vậy, Quảng Bình đã bị ngập sâu trên diện rộng. trước tình hình như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo để đảm bảo an toàn cho người dân”

Hiện các lực lượng chức năng cùng người dân đang thực hiện bốn tại chỗ để ổn định tình hình. Rất có thể Quảng Bình sẽ phải đối mặt một trận lũ lịch sử trong năm 2016.


Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình có hơn 30.000 ngôi nhà chìm trong lũ lụt
Hà Tĩnh: Hai người chết và mất tích, nhiều xã ngập sâu trong nước do mưa lũ   

Mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng từ 500 m3/s đến 1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng từ 150 đến 200m3/s…. đã làm cho nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập chìm trong nước. Tại huyện Hương Khê có 11 xã nước ngập sâu từ 2 đến 3m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải…

Tại huyện Lộc Hà địa phương chịu nhiều thiệt hại về hoa màu vụ đông, một số thôn xóm của xã Thịnh Lộc, Thụ Lộc, Hậu Lộc nước ngập sâu và chia cắt. Tại thôn Hòa Bình xã Thịnh Lộc nơi Tập đoàn VinGrup đang thi công dự án đã chặn hệ thống thoát nước từ trong làng ra biển nên gây ngập sâu trong thôn làm thiệt hại về tài sản, gia súc, gia cầm.  
     
Tại huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà có hàng ngàn hộ dân bị nước nhấn chìm , nhiều  nhà dân bị ngập sâu từ 0,7 m đến 1,3m. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh trực 24/24 giờ, theo dõi, nắm chắc diễn biến mưa, lũ để chủ động có các phương án ứng phó. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục mưa lũ, giúp nhân dân ổn định đời sống.



* Mưa lớn gây ngập lụt và nhiều điểm bị sạt lở khiến hệ thống giao thông đi qua Quảng Bình hiện nay bị tê liệt. Đặc biệt có 4 tàu hỏa với tổng số hành khách gần 400 người phải dừng đỗ lại dọc đường trên địa bàn tỉnh, do mưa lũ lụt gây chia cắt tuyến đường sắt Bắc-Nam. Các tàu phải dừng đỗ lại dọc đường tại Quảng Bình là tàu TN2 phải dừng đỗ lại tại ga Mỹ Đức (thuộc huyện Lệ Thủy); tàu SE 19 đỗ lại ga Lạc Sơn (thuộc huyện Tuyên Hóa); tàu SE21 và VH32 phải đỗ lại ga Đồng Hới (thuộc thành phố Đồng Hới).



Đối với các tàu phải dừng đỗ do lũ chia cắt tại tỉnh Quảng Bình, bên cạnh hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hành khách, ngành đường sắt cũng đang tích cực phối hợp với lực lượng phòng chống cứu nạn tại tỉnh Quảng Bình để tiến hành tăng bo, vận chuyển hành khách ra khỏi vùng bị cô lập. Đồng thời tập trung nhân lực, vật lực để nhanh chống sữa chữa những đoạn hư hỏng, sớm đưa đường sắt Bắc –Nam đoạn qua Quảng Bình lưu thông an toàn trở lại. Tuy vậy trong ngày hôm nay, tại Quảng Bình mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng nên công tác sữa chữa bị gián đoạn, gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày 12/10 đến 15/10, trên địa phận tỉnh Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết gây sạt lở mái ta luy, xói nền đường tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt. Cùng với việc tích cực sửa chữa, khắc phục hậu quả, lực lượng chức năng còn tiến hành phong tỏa tuyến đường sắt, cấm tàu qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Nên nhiều tàu hỏa phải dừng đỗ lại tại Quảng Bình.

Công điện của của Thủ tướng về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

Công điện của của Thủ tướng về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng và yêu cầu chủ động phòng, chống lũ



* Tính đến chiều nay (15/10), tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ. Đó là anh Trần Văn Trung (sinh năm 1985, quê xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) trong lúc giúp hàng xóm di dời tài sản, do sơ suất đã sảy chân chết đuối; chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1982, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) bị chết đuối do lật thuyền. Một người mất tích là anh Thân Văn Thuần (sinh năm 1986, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) rơi xuống kênh Linh Cảm bị nước cuốn trôi.

Bên cạnh bị thiệt hại về người, mưa lớn cũng gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn của 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất như là huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên với 20 xã, huyện Hương Khê 16 xã bị ngập; 723 ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng hư hại trên 1.416 ha. Gia cầm bị chết và cuốn trôi trên 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Đường giao thông sạt lở trên 3.170m3 đất, đá; cầu cống bị xói, lở và hư hỏng trên 16 cái…Mưa lớn cũng đã làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như: Quốc lộ 15B, Quốc lộ 15, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và ĐT 554.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt là tình huống bão Sarika có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung; tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền trên biển, đảm bảo an toàn kho hàng, bến cảng, nhà, cửa tài sản của nhân dân; công trình đê điều, an toàn hồ chứa. Tiếp tục tập trung cao độ cho công tác ứng phó với tình hình mưa, lũ. Kiểm tra, chỉ đạo và vận hành an toàn hồ chứa, điều tiết xã lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hợp lý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình và hạn chế ngập lụt ở vùng hạ du./.

Nghệ An: Ngập lụt nghiêm trọng nhiều tuyến phố và khu dân cư


Nghệ An, do mưa lớn kéo dài từ đêm 14/10 và rạng sáng ngày 15/10 nên nhiều tuyến đường và một số khu dân cư trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) đã bị ngập lụt nghiêm trọng. Việc ngập nước khiến các phương tiện tham gia giao thông cũng như sinh hoạt của người dân sống gặp nhiều khó khăn.


Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường và khu dân cư ở Nghệ An bị ngập


Các tuyến phố bị ngập lụt chủ yếu là đường Minh Thai, đường Đinh Công Tráng, đường Đặng Thái Thân... nằm trên địa bàn thành phố Vinh với mực nước từ 15 - 20cm. Nguyên nhân ngập nước là do lượng mưa lớn kéo dài, trong khi hệ thống thoát nước ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Vinh vẫn thoát nước chậm. Việc nhiều tuyến đường bị ngập nước khiến các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Vinh gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ở phường Hưng Dũng là nơi thấp trũng nhất trên địa bàn thành phố Vinh nên nhiều tuyến đường bị ngập nghiêm trọng. Ở các tuyến đường Tuệ Tĩnh, đường Duy Tân… nằm trên địa bàn phường Hưng Dũng đều bị ngập nước từ 40 – 50cm.
Theo phản ánh của nhiều người dân, do mưa lớn nên nhiều hộ dân cư nằm trên trục đường Phạm Ngọc Thạch giao cắt với đường Phong Đình Cảng cũng bị ngập lụt nghiêm trọng với mực nước từ 50 – 60cm. Đến 8 giờ 30 phút sáng nay, do lượng mưa giảm nên lượng nước tại khu vực này cũng đang rút dần.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa ghi nhận thiệt hại về người do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, theo nhận định chung mưa lớn cũng đã làm ngập và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu. Các địa phương của tỉnh Nghệ An vẫn đang chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ; đặc biệt là cảnh giác với hiện tượng lũ quét tại các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Hà Tĩnh: Nhiều nơi ngập sâu hơn 1m

Tại Hà Tĩnh, Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hiện nay, tại nhiều địa phương của tỉnh có mưa vừa đến mưa to, nhiều khu dân cư nước ngập sâu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Từ tối ngày hôm qua đến sáng nay 15/10, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Hà Tĩnh, như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Đồng Quế, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du, Hà Tôn Mục... khiến phương tiện không thể lưu thông.

Tại Hà Tĩnh, nhiều nơi nước lũ ngập đến hơn 1m

Nhiều khu dân cư tổ 4 phường Trần Phú, tổ 6, tổ 11 phường Bắc Hà nước tràn vào nhà các hộ dân, nhiều gia đình phải kê đồ đạc, vật dụng ti vi, tủ lạnh lên cao. Nước tràn vào các hộ dân sâu gần nửa mét làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các gia đình.   
              
Mưa lớn  đã làm ngập và chia cắt hoàn toàn nhiều xã thuộc huyện Hương Khê, Quốc lộ 15A nối TP Hà Tĩnh với huyện Hương Khê nhiều đoạn nước ngập sâu hơn 1m các phương tiên tham gia giao thông không thể qua lại. Hiện tại thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ làm người dân nhiều xã ở huyện Hương Khê ngập sâu trong nước.
       
Tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an bố trí lực lượng cùng với các địa phương hướng dẫn bảo đảm an toàn cho người dân, học sinh và phương tiện qua lại các ngầm, tràn ngập nước, đò ngang và sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Quảng Bình: 3 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương

Đến sáng nay 15/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa bắt đầu giảm dần nhưng mực nước trên các sông dâng cao ở mức báo động 3. Hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển lũ.

Tại huyện Bố Trạch, các khu vực xã Phúc trạch và Sơn Trạch có nhiều thôn đã không thể tiếp cận được từ chiều qua. Các lực lương phải di dời dân và gia súc lên vùng cao để tránh lũ.



Đến thời điểm này, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về số người chết và bị thương. Tuy nhiên đến 20h ngày 14/10/2016, toàn tỉnh đã có 4 trường hợp bị chết, 2 người bị mất tích và hàng chục người bị thương.

Đến 7h30 sáng nay nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1A đang bị chia cắt như đoạn qua phường Quảng Thuận (TX Ba Đồn); xã Quảng Xuân, huyện Quảng trạch.

Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có nhiều điểm sạt lở, ngập nặng khiến tắc nghẽn, gần 150 người bị kẹt ở ga Lệ Sơn.Nhiều lực lượng tại địa phương đang giúp đỡ chỗ ăn nghỉ cho gần 150 hành khách và nhân viên đoàn tàu.

Sau hai ngày mưa lớn, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng và có nguy cơ gây lụt trên diện rộng. người dân Thành phố Đồng Hới lần đầu tiên chứng kiến cảnh lũ về nhấn chìm nhiều ngôi nhà, đường phố biến thành biển nước chảy xiết.

Các lực lượng chức năng đã tổ chức di tản người dân tại những khu vực có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn, cắt cử lực lượng phân luồng và cảnh báo an toàn giao thông trong đêm.

Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình, đến ngày 15/10, mưa lũ đã làm 3 người chết, 2 người mất tích, 9 người bị thương.

Truyền hình Thông tấn VNEWS


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›