(Thethaovanhoa.vn) - Ngày này được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận vào năm 1977. Đây là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế.
Lịch sử ngày 8 tháng 3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York.
Hơn 5 thập kỷ sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 tổ chức đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phái đẹp.
Ngày nay, ở nhiều quốc gia, ngày 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm. Trong dịp này, đàn ông thường có những hành động và món quà thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ của họ.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.
Thể thao & Văn hóa