Nhiều người trẻ xem "hóng drama" như một thói quen khó bỏ. Ở đâu, ai có "phốt" cũng không thiếu mặt, sẵn sàng làm anh hùng bàn phím buôn chuyện thiên hạ.
Cô A có "phốt" "vạ miệng", anh B ngoại tình bị bắt quả tang, cặp đôi nọ chia tay vì nghi vấn có người thứ 3 chen chân,... Đủ các "drama" trên mạng xã hội khiến nhiều người quên ăn, quên ngủ theo dõi cập nhật. Có những bạn trẻ tự hào vì mình hiếm khi bỏ lỡ một vụ lùm xùm nào trên mạng, từ đấu tố, bắt ghen, nói xấu lẫn nhau,... cho đến bàn luận về đời tư của người nổi tiếng. Hóng chuyện thiên hạ đến nay trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người, ở đâu có "drama" ở đó có hàng trăm nghìn "camera chạy bằng cơm".
Hội chứng thích "hóng drama"
"Drama" có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, chỉ một hành động hoặc sự kiện kích thích. Ngày nay, người trẻ nói đến "drama" để ám chỉ những vụ việc chấn động được nhiều người quan tâm, ví dụ: ca sĩ nọ bị bóc phốt, chàng diễn viên kia gặp scandal, có cô Hoa hậu gặp sự cố "vạ miệng", chị A bị lập "group anti"... càng là những câu chuyện xoay quanh người nổi tiếng càng thu hút nhiều sự chú ý, hoặc những tình huống kịch tính, "giật gân" trong cuộc sống đời thường cũng có thể trở thành đề tài bàn tán xuyên ngày đêm.
Đứng trước "drama", người ta quên ăn, quên ngủ không rời điện thoại, sẵn sàng lặn lội đọc từng câu, từng chữ trong số hàng chục, hàng trăm nghìn bình luận để hiểu rõ về sự việc. Không hóng một mình, có người còn chia sẻ cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng hóng chung. Bạn Ánh Dương (20 tuổi) chia sẻ: "Đang buồn ngủ mà 'hóng drama' tỉnh ngủ liền. Có ai như tôi không thức chạy deadline thì mệt mỏi, uể oải mà ôm điện thoại hóng phốt đến 3, 4 giờ sáng vẫn tỉnh táo như thường. Nhiều khi còn háo hức đợi diễn biến tiếp theo của 'drama'".
Để phục vụ cho "sự nghiệp hóng drama" thành công, tài khoản mạng xã hội của một người có khi tham gia đến hàng chục các hội nhóm chuyên "bóc phốt", tung tin sốc, chia sẻ thông tin độc quyền về người nổi tiếng, cập nhật nhanh chóng các hành động gây tranh cãi. "Drama" ở nhóm này chưa xong lại có "drama" ở nhóm khác, cả ngày chỉ bơi trong chuyện nhà người ta lại có thể khiến một người vui vẻ, thích thú, quên cả làm việc. Đa số các hội nhóm "hóng drama" trên mạng xã hội có đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người dùng mạng xã hội tham gia.
Niềm vui từ thế giới ảo
Nhiều người xem "hóng drama" là một hình thức giải trí. Minh Tài (24 tuổi) thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi rằng bản thân "nghiện drama" tới mức không có chuyện để hóng lại cảm thấy buồn phiền: "Tôi thường sử dụng mạng xã hội, lướt các fanpage đăng bài, video hài hước về showbiz, 'drama' ca sĩ, diễn viên… Tôi thích xem những điều đó và coi như việc giải trí sau giờ làm căng thẳng. 'Drama' có nổ ra trong giờ hành chính cũng phải hóng qua xem sao, không là bứt dứt, khó chịu. Người ta bàn luận rôm rả mà mình không biết gì cảm giác không dễ chịu chút nào".
Điểm chung của những người thích "hóng drama" đó là họ đều cảm thấy tò mò, kích thích trước những tin tức đặc biệt. Chẳng phải chuyện của mình nhưng theo dõi một cách sát sao. Họ vui vẻ vì thấy có nhiều người cùng quan điểm, hạnh phúc khi dòng bình luận của bản thân về sự việc nhận được nhiều lượt yêu thích, thả tim, hả hê khi nhân vật mình không thích bị "bóc phốt", thậm chí tức giận, phẫn nộ khi ai đó "lệch sóng" với mình. Đủ các cung bậc cảm xúc vui, buồn lẫn lộn dù cho đó chẳng phải việc của bản thân, không hề liên quan, ảnh hưởng tới mình.
Thói quen vô bổ
Chia sẻ về chủ đề này cùng báo VnExpress, thạc sĩ Lê Anh Tú, khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) khẳng định "hóng drama" có thể trở thành vô bổ, lãng phí thời gian nếu tiếp nhận những thông tin không tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội: "Bị hút vào những tranh cãi không hồi kết gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến cá nhân hoặc bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch... Trong khi 'nạn nhân' bị đem ra bàn tán, chỉ trích phải chịu với tổn thương tâm lý hoặc nảy sinh suy nghĩ dại dột".
Mục đích ban đầu của những người tham gia "hóng drama" là để giải trí nhưng có khi chính họ lại trở thành "anh hùng bàn phím" lúc nào không hay. Bị cuốn theo những "drama" không hồi kết, nhiều người để lại những bình luận công kích, chỉ trích ác ý bằng những câu nói có thể tổn thương một cá nhân.
"Hóng drama" toàn thời gian, bất kể trong giờ hành chính hay thâu đêm, suốt sáng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, bạn có thể sẽ không còn giữ được sự tỉnh táo để làm việc một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Mỗi chúng ta hãy trở thành một người dùng mạng xã hội thông minh. "Hóng drama" cũng cần sự tỉnh táo phân biệt đúng sai, không để bản thân bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực, những thông tin chưa được xác minh.
"Hóng drama" trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người. Có những cá nhân mất ăn, mất ngủ chỉ vì chạy theo chuyện bao đồng vốn không liên quan tới mình. Giữa thị trường tin tức hỗn loạn, bạn nên lựa chọn những nguồn tin chính xác, tin cậy thay vì những "drama" được tạo ra để câu view. Nói không với những "drama" mang tính chất độc hại, xuyên tạc câu chuyện trên mạng xã hội.
Tags