Việc phổ biến phim trên internet cần chính sách quản lý phù hợp

Thứ Hai, 26/08/2019 22:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) để phù hợp với thực tiễn hoạt động. Việc này là cần thiết để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển

Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển

Hội thảo lấy ý kiến góp ý để xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã diễn ra sáng 23/8 tại Hà Nội. Các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, phù hợp với thực tế.

Quyền cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Luật Điện ảnh hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Trong đó có vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân, phổ biến phim phát qua vệ tinh. Luật cũng chưa đề cập đến việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên internet, cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Theo Cục Điện ảnh phân tích, từ năm 2006, khi việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh chưa phát triển, các doanh nghiệp hầu như khai thác phim lên internet sau khi đã được phát hành phổ biến tại rạp . Nhưng hiện nay, khoa học công nghệ phát triển  mạnh, phát hành, phổ biến phim trên internet đã trở thành kênh kinh doanh của doanh nghiệp thì việc có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý cần được quy định chi tiết hơn nhằm tăng cường quản lý nhà nước và hạn chế tác động tiêu cực của sản phẩm văn hóa độc hại. 

Nếu không có quy định cụ thể đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động phổ biến phim trên internet, khai thác từ vệ tinh có thể dẫn đến thất thu thuế từ hoạt động phổ biến phim gắn với quảng cáo thương mại. Mặt khác, nhiều bộ phim được phát tràn lan trên internet dễ dẫn đến khó kiểm soát nội dung, làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều phim phát hành trên internet hoặc khai thác từ vệ tinh vi phạm Luật Điện ảnh và các luật khác có liên quan như Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, các luật về thuế nhưng không quy được trách nhiệm quản lý, không có cơ chế xử phạt nên không chấn chỉnh được hoạt động phát hành phim trên internet.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng phát hành, phổ biến phim liên quan trực tiếp đến phát triển thị trường điện ảnh, bởi vậy cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh cạnh tranh lành mạnh, hạn chế hoặc xóa bỏ tình trạng chèn ép, lấn át với các doanh nghiệp nhỏ, lấn át thị trường của doanh nghiệp lớn. Việt Nam cần có chính sách ưu đãi khi phát hành, phổ biến phim của Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa giáo dục... 

Theo bà Ngô Phương Lan, luật cần xây dựng chính sách không chỉ đối với việc phát hành – phổ biến phim theo cách truyền thống (tại rạp, truyền hình) hoặc chỉ đối với phổ biến phim trên internet, vệ tinh mà cần tính đến chính sách đối với các hình thức phổ biến, phát hành phim phi truyền thống theo các xu hướng tác động đến điện ảnh, truyền hình.

Ví dụ dễ thấy nhất hiện nay là các loại phim đang phổ biến trên mạng internet, thường gọi là web drama. Nhiều phim dạng này có số lượng lượt xem lên đến hàng chục triệu, gấp nhiều lần phim chiếu rạp. Nhưng Luật Điện ảnh hiện hành không thể điều chỉnh, cơ quan quản lý cũng “bỏ ngoài vòng tay” do không có quy định cụ thể. Vì vậy các cơ quan cần cần nghiên cứu sâu hơn và đề ra chính sách phù hợp, có tác dụng dự báo để điều chỉnh các hình thức phát hành – phổ biến phim phi truyền thống...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định chi tiết thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó phân cấp quản lý cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm quản lý nội dung các phim phát trên internet, phim khai thác từ vệ tinh do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam phát hành, đăng kí kinh doanh tại địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong việc kiểm soát nội dung với phim phát hành từ máy chủ nước ngoài...

Thanh Giang/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›