Viêm kết mạc, hay thường gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng viêm tại phần kết mạc của mắt. Viêm kết mạc là một bệnh lý phần phụ của mắt, nhưng nếu không được quan tâm đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của của bệnh lâu dài.
Kết mạc (tròng trắng) là một màng mỏng, trong, che phủ toàn bộ về mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, có thể trượt dễ dàng trên bề mặt nhãn cầu mà không làm tổn thương giác mạc (tròng đen).
Nguyên nhân của viêm kết mạc là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm kết mạc, trong đó có các nguyên nhân cần chú ý là virus, vi khuẩn và dị ứng.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn:
Các nhóm vi khuẩn gây ra viêm kết mạc thường gặp là: Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Haemophilus influenzae và song cầu khuẩn Moraxella catarrhalis. Ngoài ra còn có một tỷ lệ nhỏ viêm kết mạc gây ra do lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae).
- Viêm kết mạc do virus:
90% viêm kết mạc do virus được gây ra bởi adenovirus. Các hạt dịch tiết chứa adenovirus có khả năng tồn tại trên bề mặt khô trong nhiều tuần nên bệnh có khả năng lây truyền rất cao và có thể trở thành dịch kéo dài. Các chủng virus khác cũng có thể gây ra viêm kết mạc như Herpes simplex, Herpes zoster, v.v..
- Viêm kết mạc do dị ứng:
Là một phản ứng quá mẫn ở kết mạc khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng (dị nguyên). Dị nguyên của mỗi cá thể là hoàn toàn khác nhau, có thể là bụi nhà, phấn hoa, lông thú cưng, bông vải từ ga giường, vỏ gối, thức ăn… và thời tiết. Viêm kết mạc dị ứng thường đi kèm với viêm mũi xoang dị ứng hoặc viêm da cơ địa, có thể xảy ra vào những thời điểm giống nhau trong năm với những mức độ khác nhau.
Triệu chứng của viêm kết mạc?
- Chảy ghèn gỉ mắt và đỏ mắt là hai triệu chứng quan trọng nhất của viêm kết mạc. Ngoài ra có các triệu chứng khác như cộm mắt, chảy nước mắt, đau mắt, cay rát, ngứa mắt, sưng mi mắt …
- Viêm kết mạc cũng có thể đi kèm với các triệu chứng toàn thân (đặc biệt thường gặp ở trẻ em) như sốt, ho, rát họng, ngứa mũi, quấy khóc hoặc bỏ bú (viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh).
Điều trị và biến chứng của viêm kết mạc là gì?
- Điều trị:
Việc điều trị viêm kết mạc phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với những trường hợp viêm kết mạc thể nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Thời gian điều trị viêm kết mạc có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần tùy vào tình trạng của bệnh.
- Biến chứng
Viêm kết mạc nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có các biến chứng có thể ảnh hưởng đến thị lực lâu dài của bệnh nhân.
• Giả mạc: Là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau mi mắt, thường gặp ở những trường hợp viêm kết mạc nặng và thường có kèm theo mi sưng nề nhiều. Những trường hợp viêm kết mạc có giác mạc cần được bác sĩ thăm khám và bóc giả mạc sớm vì lớp giả mạc này sẽ làm giảm tính thấm thuốc dẫn đến bệnh lâu khỏi hoặc gây xơ dính kết mạc.
• Viêm giác mạc: Là tình trạng viêm ở phần tròng đen của mắt, đây là một trong những biến chứng nặng thường gặp của viêm kết mạc. Viêm giác mạc nếu không được điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách, viêm có thể lan vào các lớp sâu của giác mạc, có thể dẫn đến loét hoặc thủng giác mạc, sẹo giác mạc … gây ảnh hưởng nặng nề đến thị giác của người bệnh.
• Quặm mi: Đây là một biến chứng muộn và nặng nề đối với những trường hợp viêm kết mạc do Chlamydia trachomatis (bệnh mắt hột). Ngày nay bệnh mắt hột không còn xuất hiện nhiều và biến chứng này là rất hiếm gặp.
Viêm kết mạc có lây không và cách phòng chống lây nhiễm viêm kết mạc?
- Trong khi viêm kết mạc dị ứng không lây, viêm kết mạc do vi khuẩn và virus lại là tình trạng bệnh lý rất dễ lây lan, với đường lây chính là qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với nước mắt và ghèn rỉ của người bệnh. Ngoài ra, viêm kết mạc còn có thể lây qua đường hô hấp, đặc biệt là khi viêm kết mạc có kèm theo triệu chứng của viêm đường hô hấp trên.
- Hiện nay, không có thuốc nhỏ nào có tác dụng phòng ngừa nhiễm viêm kết mạc, việc phòng chống lây viêm kết mạc sẽ phụ thuộc nhiều vào việc vệ sinh cá nhân và rèn luyện sức khỏe, cụ thể như sau:
• Hạn chế chạm vào mắt, mũi và miệng, rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi chạm vào mắt hoặc các vật dụng có thể đã tiếp xúc với dịch tiết từ mắt.
• Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: kính gọng, kính áp tròng, khăn mặt, bao gối v.v..
• Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin để tăng sức đề kháng, chủ động phòng chống lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh viêm kết mạc.