(Thethaovanhoa.vn) - Viện Goethe - tổ chức văn hóa quốc tế của Đức được thành lập sau Thế chiến II và đặt theo tên của nhà thơ và chính khách Đức Johann Wolfgang von Goethe - đang kỷ niệm 70 năm thành lập vào tháng 11 này với nhiều sự kiện đặc biệt.
Viện Goethe giống như một chú “tắc kè hoa” với những đổi mới và phát triển không ngừng - đó là cách mà Chủ tịch Carola Lentz và nhà dân tộc học MarieChristin Gabriel mô tả trong cuốn sách mới của họ đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức văn hóa phi lợi nhuận này.
Một khởi đầu mới với các bài học tiếng Đức
Mọi chuyện bắt đầu ở Đức thời hậu chiến, khi một hiệp hội mới được thành lập vào tháng 11/1951 tại Munich để thay thế cho tổ chức văn hóa tiền thân của nó là Deutsche Akademie.
Deutsche Akademie, được thành lập vào năm 1925, đã trở thành một công cụ tuyên truyền của nhà nước Đức Quốc xã. Do vậy, vào cuối Thế chiến thứ 2, tổ chức này được cho là “trung tâm tuyên truyền và gián điệp của Đức Quốc xã hoạt động trên khắp châu Âu” và bị đóng cửa vào năm 1945. Do đó, việc thành lập Viện Goethe đã đánh dấu một sự khởi đầu mới của nước Đức.
Viện Goethe ban đầu làm việc với các giáo viên người Đức từ khắp nơi trên thế giới, những người được mời đến Đức để đào tạo. Cơ sở giáo dục này nhanh chóng tập trung vào việc cung cấp các bài học tiếng Đức ở nước ngoài. Với mục đích này, nhiều phân viện khác nhau của Viện Goethe đã được thành lập. Phân viện đầu tiên được mở vào năm 1952 tại Athens (Hy Lạp). Đến năm 1961, thêm 53 phân viện nữa được thành lập và ngày nay có 158 phân viện Goethe ở 98 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Từ năm 1958 đến năm 1963, Viện Goethe chuyển trọng tâm sang châu Phi và các phân viện mới đã sớm mở trên khắp lục địa. Theo dòng thời gian, văn hóa Đức được truyền tải ra nước ngoài, đồng thời các nhà văn, nhà hát và nhà làm phim người Đức bắt đầu du hành rộng rãi tới các quốc gia khác. Họ là những người làm văn hóa thuộc mọi thể loại và mọi ngành nghề, để rồi đóng vai trò các đại sứ văn hóa khi đi khắp các phân viện trên mọi quốc gia.
Theo cách mở rộng này, các nhà điều hành quyết định rằng Viện Goethe không thể chỉ xuất hiện với các bài đọc, bài giảng hoặc loạt phim, mà phải hướng tới những khái niệm mở rộng về văn hóa Đức ( có tính đến lợi ích và nhu cầu của nước sở tại ở nơi đặt phân viện). Việc thúc đẩy hợp tác văn hóa quốc tế được đưa vào thỏa thuận khung mà chính phủ Đức đã kí vào năm 1976. Cũng trong thời điểm này, nhạc sĩ nhạc jazz Albert Mangelsdorff đã có nhiều màn hòa nhạc được đón nhận nồng nhiệt ở châu Á, trong đó có cả ở Kabul (Afghanistan).
Việc giảng dạy ngôn ngữ Đức vẫn được duy trì ở 148 phân viện nước ngoài và 12 phân viện trong nước, cùng với đó là các thư viện và phòng đọc, cũng trong 132 “trung tâm thông tin” khác. Công việc của các Giám đốc phân viện “biệt phái” của viện Goethe ngày càng được bổ sung và làm phong phú hơn.
Thực tế, việc có tới gần 280.000 người học ngôn ngữ đang tham gia các khóa học tiếng Đức của viện Goethe hiện nay không chỉ mang lại cho viện thu nhập gần 138 triệu euro (số liệu tính từ năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát) mà còn thể hiện vai trò đặc biệt của mạng lưới quốc tế độc lập này.
Chú trọng vào đối thoại và hiểu biết giữa các nền văn hóa
Không một bài báo nào viết về ngày thành lập của Viện Goethe mà không đề cập đến 10 vị chủ tịch từng đứng đầu Viện Goethe. Năm 2020, nhà dân tộc học Carola Lentz, chuyên gia nghiên cứu về châu Phi, trở thành người phụ nữ thứ hai được bổ nhiệm vào vị trí này sau cựu Chủ tịch Jutta Limbach.
Thời gian qua, Viện Goethe cũng trở nên hiệu quả hơn ở Đức hơn bao giờ hết, trên tinh thần giao lưu văn hóa như một con đường hai chiều. “Sự tò mò về những gì ở nước ngoài và sự bình đẳng của các nền văn hóa là những nguyên tắc cũng đã trở thành đặc tính nghề nghiệp của tôi” - Lehmann nói.
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Viện Goethe, từ đó dẫn đến việc tổ chức này chú trọng hơn vào đối thoại và hiểu biết giữa các nền văn hóa.
Theo Chủ tịch Lentz, tổ chức này “đưa một hình ảnh đa dạng, khác biệt, đa diện về nước Đức” ra thế giới. Và cách tiếp cận của Viện Goethe hướng đến sự chu đáo và giản dị, đưa ra các câu trả lời chung cho các câu hỏi toàn cầu, cùng với các đối tác quốc tế.
“Thông qua các dự án văn học, âm nhạc và nghệ thuật đa dạng và cực kỳ thú vị mà Viện Goethe rất vui được giới thiệu, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên các cuộc trò chuyện với mọi người trong các xã hội khác nhau” – Chủ tịch Lentz nói và khẳng định rằng Viện Goethe thực hiện tốt vai trò là “người kết nối” toàn cầu. Bà hy vọng chính phủ liên minh mới ở Đức “công nhận rằng văn hóa phải là một phần thiết yếu của chính sách đối ngoại”.
- Viện Goethe giới thiệu 10 phim ngắn Berlinale Shorts
- Viện Goethe tổ chức trại hè thanh thiếu niên trên biển Lăng Cô
- Hòa nhạc thính phòng tại Viện Goethe
Đối với Chủ tịch Lentz, chính sách văn hóa quốc gia và đối ngoại gắn bó chặt chẽ với nhau. Viện Goethe đã và đang tăng cường vai trò của mình ở Đức, với các sự kiện như “Hội nghị chuyên đề văn hóa Weimar” hồi năm 2016, qua đó các nhà tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới thảo luận về những câu hỏi cấp bách của thời đại.
Thêm nữa, Viện Goethe còn thường xuyên tổ chức các sự kiện “Deutschlandjahre” (Năm của nước Đức) cùng với Bộ Ngoại giao. Mục đích của sự kiện là quảng bá hình ảnh toàn diện của đất nước. “Deutschlandjahr” năm 2018 và 2019 ở Mỹ đã thu hút tổng cộng 2 triệu khách tham dự 2.800 sự kiện. Các sự kiện năm trước được tổ chức tại Mexico và Thủ tướng Angela Merkel là khách mời.
Chương trình kỷ niệm 70 năm thành lập của Viện Goethe tại Berlin là một minh chứng khác cho cách tiếp cận này. Vào ngày 29/11 tới, triển lãm đa phương tiện “Take Me to the River” về những thay đổi môi trường toàn cầu sẽ khai mạc tại bảo tàng Hamburger Bahnhof.
Số hóa trong bối cảnh đại dịch Đại dịch Covid-19 đã tạo nên làn sóng số hóa trong Viện Goethe . Đặc biệt, trong đợt kỉ niệm 70 năm thành lập, Chủ tịch Carola Lentz sẽ phát hành một cuốn sách và một trang web tương tác giới thiệu với độc giả về lịch sử đầy biến cố của Viện. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags