Việt Nam có ba đại diện trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Thứ Tư, 09/10/2024 14:39 GMT+7

Google News

Tạp chí Fortune (Mỹ) vừa công bố danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, qua đó vinh danh 100 nữ doanh nhân hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm và đồ uống, và nhà hàng - khách sạn. Trong đó, Việt Nam có ba đại diện góp mặt trong danh sách này.

Đứng ở vị trí 66 trong danh sách là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Bà đã thành lập hãng hàng không giá rẻ Vietjet vào năm 2011, với mục tiêu biến việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên dễ tiếp cận hơn ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Kể từ khi đi vào hoạt động, Vietjet đã ghi nhận đà tăng trưởng nhanh chóng. 

Năm ngoái, hãng đã phục vụ 25,3 triệu lượt hành khách, vượt qua con số 24,1 triệu lượt khách của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Sự tăng trưởng vượt bậc của Vietjet trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ các đường bay quốc tế. Cụ thể, Vietjet đã vận chuyển 7,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái, tăng 183% so với năm 2022. Với những thành tựu đáng nể trong lĩnh vực hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thường được biết đến là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam.

Việt Nam có ba đại diện trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), đứng ở vị trí 71 trong danh sách của Fortune. Dưới sự dẫn dắt của vị nữ tướng này, ngân hàng Sacombank đang trên đà hoàn thành ngoạn mục kế hoạch tái cơ cấu kéo dài 7 năm, dự kiến kết thúc trong năm nay. Gia nhập Sacombank từ năm 2002, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được bổ nhiệm vào vị trí CEO vào năm 2017, hai năm sau thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Commercial Bank) theo chủ trương xử lý nợ xấu của Chính phủ. Kể từ đó, Sacombank đã liên tục vượt qua các mục tiêu tăng trưởng và nâng gấp đôi quy mô tài sản lên 27 tỷ USD.

Đại diện cuối cùng của Việt Nam trong danh sách nói trên là bà Mai Kiều Liên- CEO của Vinamilk. Từng theo học tại Liên Xô, bà Mai Kiều Liên gắn bó với Vinamilk từ những ngày đầu sau khi tốt nghiệp vào năm 1976 với vị trí kỹ sư công nghệ phụ trách phân xưởng sữa đặc. Với năng lực và tâm huyết của mình, bà đã trở thành "thuyền trưởng" và chèo lái Vinamilk, công ty sữa hàng đầu Việt Nam, từ năm 1992 đến nay. Từ một doanh nghiệp quốc doanh, Vinamilk dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên đã chính thức cổ phần hóa vào năm 2003, và hiện là công ty thực phẩm - đồ uống lớn nhất niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), với vốn hóa 6 tỷ USD.

Đây là năm đầu tiên Fortune công bố danh sách Những phụ nữ quyền lực nhất châu Á (MPW Asia). 100 nữ doanh nhân trong bảng xếp hạng MPW Asia năm nay đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Australia.

Hơn một nửa trong số 100 nữ doanh nhân này giữ chức vụ CEO, 26 người là Chủ tịch Hội đồng quản trị và 11 người là Giám đốc Tài chính. 13 người đang là lãnh đạo vùng của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có cả các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 như Starbucks, McDonald's và Nike. Hơn 10% đã sáng lập doanh nghiệp mà mình đang điều hành.

Đặc biệt, 20 gương mặt trong danh sách MPW Asia cũng được vinh danh trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất toàn cầu - một bảng xếp hạng uy tín được Fortune công bố lần đầu vào năm 1998.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›