Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ sẽ là dự án đường cao tốc đầu tiên có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hình thức BOT.
Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc chuẩn. (Ảnh internet) |
Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng nhận định, hiện nay, các nhà đầu tư trong nước tham gia thực hiện dự án đường cao tốc năng lực còn hạn chế cả về tài chính, lẫn kinh nghiệm quản lý khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng có nhiều nét đặc thù trong khi đây lại là thế mạnh nổi trội của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông cũng đánh giá, tỷ lệ lợi nhuận của Nexco-Central trong dự án này là tương đối cao (23%) so với mức lợi nhuận tại các dự án đường cao tốc hiện đang do Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất, là điểm vướng mắc lớn cần phải tháo gỡ.
“Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ giao Tổ công tác liên ngành có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư để đưa tỷ lệ lợi nhuận xuống mức hợp lý,” Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tại Văn bản số 1315.
Đề giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với nhà đầu tư giảm tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (tương đương như các dự án WB đề xuất) và điều chỉnh các thông số tài chính để tăng hiệu quả, rút ngắn thời gian thu phí, hoàn vốn của dự án; chỉ đạo triển khai theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu việc điều chỉnh phương án tài chính của dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và xây dựng phương án thu phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.