(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/5, tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học năm 2019 nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và tăng cường truyền thông về mối liên hệ giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái, làm trong sạch nguồn nước và không còn nạn đói; tôn vinh sự đa dạng, phong phú của tự nhiên.
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ về giá trị của đa dạng sinh học
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, trang trại; nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Hiện nay, tại tất cả ngư trường chính trên thế giới, các loài thủy sản đang bị đánh bắt ở mức tới hạn và nhiều loài không đảm bảo sự phát triển bền vững. Các hệ thống sản xuất thực phẩm truyền thống gồm cả kiến thức bản địa và văn hóa truyền thống, với sự phong phú đa dạng ở các địa phương đang bị đe dọa. Sự suy giảm đa dạng sinh học nông nghiệp cũng như kiến thức về y học cổ truyền và thực phẩm địa phương ngày càng tăng, lan rộng trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái, các loài và tài nguyên di truyền. Các kết quả điều tra cho thấy 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Đa dạng sinh học đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thu nhập chủ yếu đều dựa vào việc khai thác đa dạng sinh học.
Là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Đặc biệt với Việt Nam, hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp và rừng, do đó, đa dạng sinh học có ý nghĩa lớn trong đời sống tự nhiên và con người, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực của đất nước; duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp các nguồn nguyên liệu, dược liệu cho y tế và cộng đồng.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan, bộ, ngành tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về giá trị và vai trò của đa dạng sinh học; tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng các nội dung về bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng bản địa, cây con dược liệu và các tri thức truyền thống liên quan; phát động các phong trào bảo tồn đa dạng sinh học tại đại phương; thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ; thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với xóa đói, giảm nghèo…
Việt Nam có khu Ramsar thứ 9
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao Bằng công nhận khu Ramsar (Khu đất ngập nước) thứ 9 của Việt Nam cho Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình - khu Ramsar số 2360 của thế giới.
Đây là vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở đồng bằng sông Hồng gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Nơi đây được bao bọc bởi một hệ thống đá vôi rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp và thảm thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi, là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là nơi cư trú, sinh sản quan trọng của nhiều loài thủy sinh và là nơi cư trú các loài chim nước.
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên là “Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào”. Không chỉ có ý nghĩa cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư xung quanh, bao gồm cả nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, đặc biệt là vẻ đẹp danh lam thắng cảnh để giải trí, du lịch sinh thái.
Minh Nguyệt/TTXVN
Tags