Viết tiếp loạt bài “Có một giới ca sĩ ngoài showbiz” Nhạc nền – những dấu chấm hỏi…

Thứ Tư, 13/05/2015 12:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu dự khán các buổi biểu diễn ở quán bar hoặc nơi tổ chức sự kiện không chơi nhạc sống, chúng ta bắt gặp những phần nhạc nền y chang hoặc na ná nhạc nền của các ca sĩ nổi tiếng. Phần nhạc này từ đâu ra?

Thế giới nhạc nền dùng cho ca sĩ ngoài showbiz khá phong phú và dễ tìm kiếm, nhưng nó cũng là vấn nạn đối với những ca sĩ, nhạc sĩ phối khí...

Dùng beat có sẵn

Beat có sẵn khá phổ biến và dễ dàng tìm kiếm bởi việc làm sẵn beat để bonus trong các album khi các ca sĩ tung ra thị trường đã được tính toán với mong muốn ca khúc được chọn làm beat sẽ trở thành hit. Cách làm này chẳng mới mẻ gì, nó du nhập vào Việt Nam từ những nền âm nhạc tiên tiến.

Cho đến nay, việc bonus nhạc nền của 1 - 2 bài trong album gần như là tất yếu với những đĩa nhạc mà ca khúc được sáng tác mới, độc quyền cho ca sĩ thể hiện. Cùng việc số hoá các bài hát trong album, những beat này cũng nhanh chóng được đưa lên các trang tải nhạc với chất lượng tốt.

Những bài hát đang làm mưa làm gió khắp hang cùng ngõ hẻm của Sơn Tùng M-TP hầu hết đều có luôn beat, mà không chỉ một beat. Chẳng hạn ca khúc Em của ngày hôm qua có beat có bè, beat không bè, beat remix và beat acoustic.

Các ca sĩ ngoài showbiz thoải mái sử dụng để biểu diễn. Và có đi nghe nhạc ở quán bar ở những thành phố nhỏ mới thấy, anh chàng Sơn Tùng này đang là hình mẫu để rất nhiều ca sĩ trẻ bắt chước. Bởi không chỉ hát nhạc của Sơn Tùng, họ còn tập nhảy giống y chang như anh. Có ca sĩ nguyên một buổi tối biểu diễn ở quán bar chỉ hát toàn nhạc Sơn Tùng.

Và dùng beat “thuổng”

Nhạc sĩ Huyền Trung, người khá nổi tiếng trong giới nhạc sĩ phối khí ở Hà Nội kể anh đã không ít lần giật mình vì bắt gặp người khác sử dụng phần nhạc dạo của những bài hát mà anh phối khí riêng theo đặt hàng của các ca sĩ. Huyền Trung giật mình vì nghe đoạn dạo đầu thấy đúng là nhạc mình làm nhưng đến đoạn ca sĩ bắt đầu hát thì lại không phải dù vẫn là những âm sắc, tiết tấu, hoà âm theo ý đồ của anh…

Mới đây nhất, khi đi công tác ở Bắc Giang, anh đã thấy một ca sĩ hát bằng phần nhạc nền ca khúc Em yêu anh như câu hò ví dặm mà trước đây anh làm theo đặt hàng của ca sĩ Anh Thơ.

Nhưng các ca sĩ thì chẳng mấy quan tâm đến những điều nêu trên. Họ cần nhạc để hát nhưng với mức cát-sê ít ỏi thì 7-8 triệu cho một bản phối là cái giá trên trời mà đương nhiên chẳng bao giờ họ nghĩ tới. Thậm chí 2-3 triệu, giá phối khí của những nhạc sĩ “hạng vừa”, họ cũng chẳng dám màng không chỉ vì chẳng đủ chi phí mà còn vì với những bản phối “hạng vừa” đó, họ thấy khó hát hơn.

Vậy họ sẽ làm thế nào? Chỉ cần gõ vào Google cụm từ “cung cấp nhạc beat”, mở ra trước mắt bạn sẽ là hàng hà sa số các trang “thế giới nhạc beat”, “kho nhạc beat”, “siêu thị nhạc beat”, “làm nhạc nền, nhạc beat siêu nhanh cực rẻ vẫn đảm bảo chất lượng beat” v.v… Chọn bất kỳ một trang rồi tìm theo danh sách a, b, c... trên trời dưới biển, không thiếu nhạc nền của bất kỳ một ca khúc nào. Giá thì rất “mềm”: 100 ngàn, 200 ngàn, 250 ngàn đồng cho một bài tùy trường hợp.

Trang chủ của một trang chuyên bán nhạc beat

Giao dịch ở những trang này cũng rất dễ dàng với nhiều cách khác nhau. Đơn giản nhất là chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng và ghi rõ trả tiền cho beat nào. Ngay sau khi chuyển tiền, người mua sẽ nhận được file mp3 gửi qua E-mail. Cũng có thể thanh toán bằng thẻ điện thoại, nhưng đơn giản hơn cả là mang tiền mặt đến trả rồi lấy luôn beat được chép ra đĩa!

Vấn nạn thế giới nhạc beat

Và đây là lý giải của các nhạc sĩ phối khí: Những nơi bán beat kia lấy những bản phối có sẵn, cắt phần dạo đầu, dạo giữa và phần kết - tức là những phần không có giọng ca sĩ - sau đó làm lại phần nhạc nền có giọng ca sĩ cho giống với bản gốc, nhưng thường là chỉ giống được 70-80%. Sau đó ghép các phần dạo kia lại với phần làm mới này bằng cách sử dụng các phần mềm như Logicpro, Cubase, Nuendo…

Tuy nhiên, cách này cũng cần tương đối tỉ mỉ và đòi hỏi người làm phải có tay nghề khá trở lên. Còn không thì cứ đánh giống câu dạo, giống hoà thanh, giống tiết tấu, âm sắc thì na ná đại khái, thậm chí nhiều chi tiết bỏ qua hoặc sai… cũng cho ra một bản nhạc beat dùng được. Tất nhiên, chất lượng thì khỏi phải đề cập làm gì.

Chỉ 100 ngàn đồng một bản phối như vậy nhưng mỗi bản phối họ thường bán được rất nhiều lần nên hiệu quả kinh tế cũng dễ đong đếm.

Lý giải này cũng cho ra một câu hỏi lớn về vấn đề bản quyền. Cả nhạc sĩ phối khí lẫn ca sĩ nổi tiếng dù rất khó chịu với tình trạng này. Họ phải bỏ sức lao động (nhạc sĩ) và tiền bạc (ca sĩ) để có được những bản phối riêng cho mình nhưng chỉ vừa phát hành CD, nhạc của họ lập tức bị “thuổng”. Tuy nhiên, Việt Nam chưa hề có vụ kiện nào liên quan đến bản quyền của phần nhạc nền ca khúc.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói: “Luật bản quyền có bảo hộ quyền tác giả cho cả phần nhạc nền của ca khúc với điều kiện nó được văn bản hoá. Tôi chưa từng biết có những trang mạng bán nhạc beat “xào nấu” lại của các tác giả khác để bán như bạn nói nhưng nếu có khiếu kiện từ các nhạc sĩ phối khí, Trung tâm sẵn sàng vào cuộc. Sự thật là vấn đề bản quyền ở nước ta còn quá nhiều những đống rác vừa to vừa nặng mà có dùng máy ủi máy xúc cũng khó mà dọn hết được, bởi vậy chúng tôi không thể làm hết được các việc liên quan đến bản quyền với một lực lượng thưa mỏng như thế này!”.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›