Viết tiếp tiểu thuyết 'Cuốn theo chiều gió'

Thứ Hai, 03/11/2014 13:05 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Gần 8 thập kỷ sau khi xuất hiện trong tiểu thuyết bất hủ Cuốn theo chiều gió, vú em Mammy sẽ trở thành nhân vật chính trong cuốn truyện viết riêng về bà.

Cuốn truyện này, mang tựa đề Ruth's Journey (tạm dịch: Hành trình của Ruth) do nhà văn kiêm nhà thơ Donald McCaig (74 tuổi) chấp bút, theo ủy quyền của Tổ chức quản lý di sản Margaret Mitchell.

Phần đầu của bộ tiểu thuyết lừng danh

Nó được xem là phần đầu (prequel) của cuốn tiểu thuyết bất hủ Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) của nữ văn sĩ Margaret Mitchell. Ruth's Journey vừa được nhà xuất bản Atria phát hành ở Mỹ.

“Đây là một sự tái sáng tạo về vú em Mammy, về cuộc đời của một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, bởi các đóng góp của bà có lẽ chưa được ghi nhận một cách đầy đủ” – nhà văn McCaig nói.


Nhân vật vú em Mammy trong phim Cuốn theo chiều gió

Theo McCaig, trong cả cuốn truyện gốc và bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học này, Mammy không hề được nêu tên thật. Đây là chuyện thường thấy đối với một nhân vật nô lệ là người Mỹ da màu, vốn chỉ có bổn phận chăm sóc con cái của gia đình chủ sở hữu mình.

Đã có nhiều người chỉ trích tư tưởng phân biệt chủng tộc của nữ văn sĩ Mitchell trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió. Song theo McCaig, người ta cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh của nó. “Những năm 1930, khi tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn phổ biến trong xã hội Mỹ, một nhà văn da trắng không thể có cách nhìn bình đẳng với người Mỹ da màu được” – McCaig nhận định.

Trong cuốn truyện của mình, McCaig đặt tên cho vú em Mammy là Ruth. Ông đã kết nối nhân vật này với nước Pháp, tưởng tượng thời thơ ấu của Mammy là một trẻ mồ côi ở Saint Domingue, một thuộc địa của Pháp mà hiện giờ là Haiti, nơi Mammy đã được một cặp vợ chồng người Pháp đưa về nuôi như người ở.

Sau cuộc cách mạng giành độc lập ở Haiti hồi năm 1804, cặp vợ chồng người Pháp này đã tái định cư ở Savannah, bang Georgia (Mỹ). Sau khi người chồng chết, người vợ tái giá, sinh ra cô con gái mà sau này trở thành mẹ của Scarlett O'Hara - nhân vật chính trong Cuốn theo chiều gió. Mammy theo chân người vợ về gia đình mới và trở thành vú em chăm sóc trẻ con trong gia đình.


Nhà văn kiêm nhà thơ Donald McCaig, tác giả Ruth's Journey, phần đầu của cuốn truyện Cuốn theo chiều gió

“Ở miền Nam nước Mỹ có hàng vạn vú em, phần lớn không có tên. Tôi cho rằng sự thiếu vắng tiếng nói, lịch sử và cá tính của nhân vật Mammy trong Cuốn theo chiều gió là một khoảng trống lớn, như thể cuốn truyện mới chỉ kể được nửa câu chuyện. Mammy là một nhân vật đầy bi kịch, song bà chưa bao giờ đánh mất hy vọng. Bà là người quả quyết, có nhân cách và không hề nổi loạn” – nhà văn McCaig nói.

Phần 3 trong cuốn Ruth's Journey sẽ được viết dưới quan điểm của Mammy và kết thúc 1 tuần sau bữa ăn tối được mô tả trong các chương đầu của Cuốn theo chiều gió.

Cuốn sách dành tặng người thủ diễn Mammy

Được biết McCaig là một trong hai tác giả đã được Tổ chức quản lý di sản Mitchell ủy quyền viết phần tiếp theo của tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió. Phần tiếp theo này mang tựa đề Rhett Butler’s People, được phát hành năm 2007. Cuốn còn lại là Scarlett do Alexandra Ripley chấp bút và được phát hành năm 1991.

Đối với McCaig, thách thức lớn nhất trong quá trình sáng tác là vừa phải “tôn trọng tác phẩm gốc, vừa thêm những yếu tố và chi tiết mới. Ông chia sẻ với báo giới rằng cuốn sách của ông còn để dành tặng Hattie McDaniel, người Mỹ da màu đầu tiên đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với nhân vật Mammy trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể Cuốn theo chiều gió.

Tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió đã đoạt giải Pulitzer hồi năm 1937 và tiêu thụ được hàng trăm triệu cuốn trên toàn thế giới. Bộ phim được dàn dựng theo Cuốn theo chiều gió vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả khi dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ. Đây là kết quả từ cuộc thăm dò của nhật báo điện ảnh Screen Digest. Phim từng đoạt 9 giải Oscar và được bình chọn là tác phẩm điện ảnh có nhiều khán giả nhất mọi thời đại.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›