Vĩnh biệt cụ ông viết thư tay thuê cuối cùng ở Bưu điện TP.HCM, yêu nghề đến phút cuối cùng

Thứ Năm, 03/08/2023 12:50 GMT+7

Google News

Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, cụ ông viết thư tay thuê cuối cùng ở Bưu điện TP.HCM vẫn không ngừng nói yêu nghề.

Sài Gòn mỗi lúc lại như thêm một màu sắc mới, và dù trải qua bao nhiêu thế kỷ, thay đổi bao nhiêu lần thì nó vẫn chẳng thể mất đi vẻ đẹp đặc trưng của mình. Để làm được điều đó phải kể đến những con người tài hoa đã thổi hồn làm nên một Sài Gòn mang nhiều chiều sâu ký ức.

Một trong số đó là cụ ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Suốt một đời người, ông đã gắn bó với Bưu điện thành phố, được nhớ đến với hàng loạt tên gọi hoa mỹ như "người viết thư tay xuyên thế kỷ", "người giữ hồn cho những lá thư tay" hay "người nối thế giới bằng cây bút mực"…

Đến nay, những lá thư ông viết vẫn còn đó, đẹp đẽ và ngập tràn cảm xúc. Nhưng tiếc rằng người chắp bút nên chúng đã không còn nữa. Tối ngày 1/8 vừa qua, cụ Dương Văn Ngộ đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi, để lại biết bao tiếc nuối trong lòng những người con Sài Gòn.

photo-1691009869084

Cụ Dương Văn Ngộ được xem là một trong những người giữ hồn cho từng giá trị xưa cũ Sài Gòn. (Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị/Gia Đình)

Tiếc thương cụ ông viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam

VnExpress đăng tải, thông tin trên được ông Dương Minh Đức (con trai cụ Dương Văn Ngộ) chia sẻ. Được biết, dù không có bệnh nền nhưng những năm gần đây, sức khỏe cụ ông đã yếu đi trông thấy. Cũng vì điều này nên năm 2021, cụ đã buộc phải nghỉ việc dù bản thân không muốn. Ngày 30/7 vừa qua, cụ được gia đình đưa đến viện rồi chuyển về nhà. Sau hai ngày bỏ ăn, cụ đã ra đi vào lúc 20 giờ ngày 1/8.

Ngay khi biết được thông tin, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT nghĩa trang hoa viên Bình Dương đã tặng cụ ông mộ phần an nghỉ trong khuôn viên nghĩa trang, thuộc đường Nghệ sĩ, cạnh mộ của nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh. Đề nghị này được phía gia đình chấp thuận, dự kiến sẽ tổ chức lễ an táng tại nghĩa trang vào sáng ngày 5/8 tới.

photo-1691009870106

Sự ra đi của cụ ông đã khiến biết bao người tiếc nuối, đau lòng. (Ảnh: Thanh Niên)

photo-1691009870490

Lễ an táng của cụ ông sẽ được tổ chức tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương. (Ảnh: Phụ Nữ Online/Sài Gòn Giải Phóng)

Ngay khi thông tin được đăng tải, đã có rất nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, đau lòng. Bởi đối với họ, hình ảnh cụ ông lưng khom, cặp sách với chiếc kính lúp và cuốn từ điển đã trở thành một nét biểu tượng đáng nhớ tại Bưu điện TP.HCM. Suốt 30 năm làm nghề, cụ ông đã giúp kết nối được bao nhiêu người Việt Nam tới những đất nước xa xôi, biến lá thư trở thành nhịp cầu tình yêu, gia đình.

Ở Sài Gòn từ bé, cũng may mắn gặp được ông mấy lần. Đến giờ mình vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông ngồi trò chuyện với một chị khách nước ngoài, sau đó cặm cụi viết, cầm cả kính lúp soi chữ, ấn tượng vô cùng. Đợt ông nghỉ việc, mình đã buồn lắm, biết không thể gặp ông ở bưu điện nữa, nhưng giờ nghe tin ông không còn, lại càng đau lòng hơn. Chỉ mong rằng những lá thư mà ông viết, những điều mà ông làm sẽ được nhớ đến mãi, như một nét đẹp rất riêng của Sài Gòn".

photo-1691009870906

Hình ảnh cụ Ngộ đã in sâu vào tâm trí của rất nhiều người con Sài Gòn. (Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị/Thanh Niên)

Yêu nghề đến tận những giây phút cuối của cuộc đời

Cụ Dương Văn Ngộ là người gốc Trung Quốc nhưng được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Dù gia cảnh khó khăn nhưng cụ lại rất tài giỏi, là một trong những học sinh nghèo hiếm hoi theo học tại trường Petrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong). Để có được công việc, cụ tự xin đi học ngoại ngữ và làm thông dịch. 16 tuổi, cụ bắt đầu gắn bó với nghiệp bưu chính.

Năm 1948, cụ vào làm tại Bưu điện thành phố, được giao nhiệm vụ phân loại thư trong hộp để chuyển đi. Sau một thời gian, cụ được điều sang công tác tại Bộ Giao thông và Bưu điện. Năm 1990, cụ được ủy nhiệm sang nghề viết và dịch thư tay thuê (tiếng Anh, Pháp). Bằng sự cần mẫn, tỉ mỉ của mình, cụ nhanh chóng nhận được sự yêu mến từ người dân Sài Gòn. Ai gặp cụ cũng đều nhận xét là một người hiền lành, tài giỏi và rất thạo việc.

photo-1691009871259

Mỗi lá thư đều được cụ Ngộ viết rất tỉ mỉ. (Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị)

photo-1691009871657

Cụ cũng có nguyên tắc riêng khi viết thư thuê. (Ảnh: Sputnik)

Đối với cụ, công việc này rất quý giá, mang đến những trải nghiệm cảm xúc đẹp đẽ. Nhờ có nó mà cụ đã được chứng kiến biết bao câu chuyện buồn, vui của đời người, góp phần giúp đỡ biết bao gia đình, cặp đôi về bên nhau.

Có lẽ cũng vì vậy mà cụ chưa từng muốn từ bỏ, kể cả khi xã hội dần phát triển, thư tay không còn được dùng nhiều như trước nữa. Mỗi lá thứ cụ lấy giá rất thấp, có lúc còn sẵn sàng viết hộ cho những ai khó khăn. Đến tận năm 90 tuổi, vì tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, cụ mới đành rời xa chốn thân thuộc này.

Ông Đức cho biết, sau khi nghỉ hưu, bố anh thỉnh thoảng vẫn tự đi xe bus lên bưu điện thành phố để gặp lại mọi người, ngắm nhìn chiếc bàn gỗ gắn bó với mình 30 năm. Đến tận những năm tháng cuối đời, cụ Ngộ vẫn nói rất yêu nghề. Cụ từng tâm sự rằng: "Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư, chứ mọi danh hiệu đều vô nghĩa cả…".

photo-1691009872025

Thời điểm còn đi làm, ngày nào cụ cũng tự mình đạp xe đến bưu điện. (Ảnh: Thanh Niên)

photo-1691009872480

Đến nay những bức thư cụ viết vẫn được nhiều người trân quý giữ lại. (Ảnh: Công An TP.HCM)

Dù rằng cụ Ngộ đã không còn nữa, thế nhưng những hình ảnh về cụ vẫn hiện lên đẹp đẽ và đáng quý trong ký ức của người dân Sài Gòn. Những bức thư mà cụ đã viết cũng đã được lưu giữ tại Bưu điện Thành Phố, như một minh chứng cho sự hiện diện của người đã dành hơn nửa thế kỷ để viết thư tình. 

TÂM SỰ CỦA CỤ DƯƠNG VĂN NGỘ NHỮNG NGÀY NGHỈ HƯU

Gắn bó với bưu điện hơn 70 năm, làm nghề viết thư thuê tròn 30 năm, thế nên đối với ông Ngộ, "cái nghề gắn liền với giấy, viết này chính là niềm vui quý giá nhất đời người". Ngay cả khi bước vào tuổi "xưa nay hiếm", tai điếc, tay chân yếu, mắt dần mờ đục, phải nghỉ ở nhà, ông vẫn luôn nhớ đến công việc của mình, chỉ mong được trở lại chốn cũ.

Chia sẻ với Gia Đình vào tháng 4/2021, cụ ông tâm sự: "Mắt tôi dần mờ đi, không còn đọc được các biển quảng cáo trên đường nên tôi đành phải nghỉ việc. Thật sự tôi rất buồn bởi cả cuộc đời gắn bó với nó. Tôi nhớ hồi tôi đi làm có không biết bao nhiêu người xin chụp ảnh. Tôi làm việc ở đó mọi người biết hết, ai cũng yêu quý.

Có lần, tôi nhớ bưu điện và công việc quá, tôi lén con ra đường bắt xe buýt lên thăm bưu điện. Dù mắt chỉ nhìn thấy bóng thôi nhưng tôi vẫn đi được đến nơi. Đi xe buýt tôi không mất tiền. Đến gặp mọi người tôi vui lắm".

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›