Ngày hôm qua 12/9, tang lễ dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang đã được tổ chức tại Bệnh viện 354, Hà Nội.
Trước đó, thông tin về việc ông qua đời ở tuổi 82 (ngày 10/9) đã khiến nhiều độc giả yêu mến văn học Nga tiếc nuối. Để nhớ về dịch giả tài hoa này, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa.
1. Từ những năm 70-80 thế kỷ trước, tôi đã là người đọc hâm mộ anh Phan Hồng Giang, vì biết anh là người đã chuyển ngữ, xuất bản Ngày phán xử cuối cùng (B. Dimitrova), Một mình với mùa Thu (K.G. Paustovsky), Cánh buồm đỏ thắm (A. Grin), Truyện ngắn Chekhov (cùng dịch giả Cao Xuân Hạo), đặc biệt là Dagestan của tôi (R. Gamzatov) - cuốn sách tôi mê mẩn và không nhớ đã đọc đi đọc lại mấy lần.
Hâm mộ vậy thôi, chứ không nghĩ có ngày được quen biết anh. Nhưng cuộc đời đã giúp tôi được làm quen với nhà phê bình văn học Từ Sơn - Nguyễn Đức Dũng, rồi từ anh Từ Sơn, tôi được làm quen với các em trai của anh là Phan Hồng Giang, Đại tá GS-TS Nguyễn Đức Cương, chỉ không quen anh thứ 2 là nhà phê bình mỹ thuật Khương Huân - Nguyễn Đức Năng.
Giống như anh Từ Sơn, anh Phan Hồng Giang nói năng nhỏ nhẹ chậm rãi, nụ cười hiền, hóm hỉnh nhưng không ồn ào, đôi lúc như trầm ngâm, hoàn toàn trái ngược với tôi, một kẻ hay cười nói phớ lớ. Vậy mà thi thoảng anh em vẫn tâm sự, có lần ngồi cả buổi không dứt, một dạo tôi gọi điện trò chuyện với anh hằng ngày. Có như thế tôi mới biết họ tên của anh là Nguyễn Đức Hân, lấy họ tên thường dùng là Phan Hồng Giang để kỷ niệm mẫu thân là bà Phan Thị Nga. Lâu nay anh em ít gặp nhau, nhưng tôi vẫn đọc anh qua báo chí. Anh vẫn là học giả Phan Hồng Giang đầy trí tuệ, mẫn tiệp, sắc sảo, luôn trăn trở những suy tư nhân văn.
Ví như với người cầm bút, anh đã giãi bày qua bài Chỗ đứng của nhà văn hôm nay đăng trên báo Sức khỏe & Đời sống ngày 14/10/2011: “Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan khắp xã hội. Hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau”.
Rồi sau khi đọc cuốn Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống (NXB Hội Nhà văn, 2021) tôi càng hiểu hơn về điều anh nói trong bài trả lời phỏng vấn TSKH Phan Hồng Giang: Con chữ mảnh mai trên báo Công an Nhân dân ngày 21/1/2013, rằng: “Tinh thần trí thức đích thực là trong mọi suy nghĩ hành động phải đặt quyền lợi của quốc gia, của dân tộc lên trên lợi ích phe nhóm, lợi ích cá nhân. Chỉ có thể căn cứ vào lời nói, việc làm, hiệu quả khách quan mà xác định được tinh thần trí thức ấy chân chính hay không”. Chính vì thế tôi rất đồng tình với điều anh khẩn thiết kêu gọi “Để hội nhập văn hóa, hãy thôi say sưa tự ngắm mình”!
2. Về thành tựu dịch thuật của anh Phan Hồng Giang, nhiều tác giả đã đề cập và xin không dẫn lại. Theo tôi, thành tựu đó có được chính từ quan niệm và lao động nghề nghiệp nghiêm túc, như anh trả lời phỏng vấn: “Cái khó nhất theo tôi là khi chọn tác phẩm để dịch thì phải chọn được tác phẩm lấy văn làm chính chứ không phải những tác phẩm lấy cốt truyện, lấy tình tiết làm chính. Đấy là lý do tôi dịch các tác phẩm của Bunin, Chekhov, Paustovsky… Đó đều là những tác phẩm rất có văn… Từ chất văn, người ta sẽ thấy được giọng điệu, ngữ điệu, tinh thần của tác phẩm. Mà để dịch được cái chất văn ấy, đôi khi người dịch phải đánh vật rất khó khăn. Khi dịch Paustovsky sang tiếng Việt chẳng hạn, để thể hiện được văn chương của Paustovsky, tôi phải đánh vật một cách cực khổ. Vì ngay trong tiếng Nga, văn của Paustovsky đã được coi là một mẫu mực, một đỉnh cao rồi. Có thể nói, hành trình dịch cái chất văn ấy là một hành trình không có đáp số”.
Còn về chất lượng các bản dịch ấy, xin nhường lời cho bạn tôi là Đinh Lan Hương - người sống nhiều năm ở Nga và hiện đang là giảng viên tiếng Nga có uy tín ở Hà Nội, sau khi biết tin đã comment vào Facebook của tôi: “Dịch giả Phan Hồng Giang đã đi xa rồi ạ? Em rất mê đọc Dagestan của tôi, vô cùng ngưỡng mộ dịch giả Phan Hồng Giang vì lối chuyển ngữ hết sức tinh tế, giọng văn thật mượt mà. Hay nhất là những đoạn văn hài hước mà nhà văn Gamzatov dùng tả tính cách người dân miền núi quê ông được dịch giả chuyển ngữ thật tài tình, giữ được hồn cốt câu chuyện mà lại nêu bật được cái nét hài hước không thể pha trộn của tác giả. Vợ chồng em đều rất thích và khâm phục bản dịch, ông dịch chuẩn và dịch hay, vừa chính xác vừa đẹp, theo kiểu nói chuyên môn của người làm biên dịch. Xin kính dâng một nén hương thơm để tưởng nhớ dịch giả tài hoa Phan Hồng Giang!”.
3. Nhớ một trưa Hè nắng gắt, đi đến ngã tư Thụy Khuê - Lạc Long Quân, tôi thấy anh đang quần short áo phông đạp xe. Dừng hỏi anh có việc gì lại ra đường lúc nắng nôi thế này. Anh chỉ giỏ xe đạp, trong túi ni lông có con gà làm sẵn và rau hành, bảo: “Lát nữa Ngát đi công tác về, anh qua chợ mua con gà” (Ngát là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, vợ anh). Chỉ bằng một nghĩa cử ấy thôi, tôi đã hiểu anh là người đàn ông của gia đình.
Nay nghe tin anh Phan Hồng Giang đi xa, tôi chạnh buồn, vì những người anh mà tôi yêu quý đang vơi mỏng dần. Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ anh. Cầu mong anh thanh thản chốn hoàng tuyền, và tôi tin những gì anh để lại vẫn luôn có ý nghĩa với cuộc đời. Đây cũng là điều tôi viết để chia sẻ với chị Nguyễn Thị Hồng Ngát cùng gia quyến!
Vài nét về dịch giả Phan Hồng Giang Dịch giả - nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang (tên thật Nguyễn Đức Hân) sinh năm 1941 tại Nghệ An, là con thứ của nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh. Ông từng học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó là sinh viên Khoa văn, Đại học Tổng hợp Moskva (Nga). Ông có những đóng góp xuất sắc trong vai trò một nhà nghiên cứu văn hóa và một dịch giả từng dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga. Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. |
Nguyễn Hòa
Tags