Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - rồng trong 'tứ linh'

Thứ Năm, 16/06/2016 07:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Như báo điện tử Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời vào 10h30 sáng 15/6 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời là một tổn thất lớn cho mỹ thuật Việt Nam.

Trước sự ra đi của cây đại thụ cuối cùng trong “bộ tứ” của mỹ thuật Việt Nam: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (tức Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái), Thể thao & Văn hóa đã ghi lại ý kiến của người trong giới.

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Nguyễn Tư Nghiêm - con rồng trong tứ linh    

“Vài ngày trước, tôi có biết tin cụ Nguyễn Tư Nghiêm mệt nặng. Vậy nhưng, sự ra đi này vẫn khiến tôi không khỏi hụt hẫng, trước khoảng trống để lại cho mỹ thuật Việt Nam.

Có thể coi họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là gương mặt tiêu biểu cuối cùng của lứa họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà chúng ta còn cơ duyên gặp mặt. Lứa họa sĩ này chính là những người tiếp thu những phong cách điển hình của mỹ thuật Pháp cuối thế kỷ 19 và đưa vào đời sống hội họa Việt Nam.


Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác không ngừng nghỉ cho đến những ngày cuối đời. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Thực tế, trong lứa họa sĩ ấy, cũng có những người chỉ dừng lại ở phong cách nghệ thuật đã được đào tạo. Nhưng, cụ Nghiêm là gương mặt đã vượt qua được bước đi đầu tiên ấy, để có những sáng tạo và phát triển riêng của mình.

Đặc biệt, ông là người mở ra trào lưu mỹ thuật phục vụ chiến tranh với phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa và cũng là gương mặt đại diện xuất sắc cho những họa sĩ gắn bó cả sự nghiệp với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Còn với nghệ thuật hội họa nói chung, Nguyễn Tư Nghiêm cũng là người tạo ra một cuộc cách mạng về hình thức thể hiện, với việc kết hợp giữa ngôn ngữ hội họa hiện đại và vốn di sản mỹ thuật phong phú trong dân gian. Riêng với lĩnh vực sơn mài, tôi đánh giá ông là một trong những bậc thầy.


Nhà phê bình Nguyễn Quân

Sẽ rất khó so sánh về sự hơn kém giữa 4 cái tên trong bộ tứ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. Chỉ có thể nói thế này: một số người vẫn gọi 4 cái tên ấy bằng khái niệm “bộ tứ”, nghĩa là 4 cây cột, gánh trên nó cả một nền mỹ thuật Việt Nam. Riêng anh em trong nghề chúng tôi thì hay vui đùa và sử dụng khái niệm “tứ linh”.

Trong 4 linh vật long, lân, quy, phượng ấy, Nguyễn Tư Nghiêm chính là con rồng - không chỉ bởi vai trò của ông, mà còn nằm ở phong cách hội họa. Chiều sâu đặc biệt trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm khiến người ta nghĩ tới thần long thấp thoáng ẩn hiện trong mây, thường chỉ thấy đầu mà khó thấy đuôi…”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Nguyễn Tư Nghiêm thổi hồn mới vào sơn mài truyền thống

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, sự ra đi của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là mất mát lớn với nền mỹ thuật Việt. Song, trong suốt quãng quá trình sáng tạo của mình, người thuộc bộ tứ cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã để lại những di sản rất lớn để thế hệ sau tiếp tục phát huy.


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là gạch nối của nghệ thuật truyền thống tới hiện đại. Trong các bức tranh của mình, ông thổi hồn mới vào sơn mài truyền thống. Đồng thời, những hình ảnh điêu khắc đình làng cũng được ông vận dụng rất khéo léo với ngôn ngữ hiện đại. Điều này là di sản vô giá, tạo tiền đề cho các thế hệ họa sĩ hậu bối tiếp bước.

Cũng theo đánh giá của ông Lương Xuân Đoàn, quá trình sống, lao động và sáng tạo của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là bài học lớn về tài năng, phẩm cách của người nghệ sĩ. “Nguyễn Tư Nghiêm vẫn vẽ bằng tất cả niềm hăng say tới tận những ngày cuối đời.

Những bức tranh được ông vẽ ở tuổi già như 12 con giáp, Hoa cỏ bốn mùa… đã thể hiện sự đồng nhất và đồng chất của họa sĩ trong quá trình sáng tác. Những bức tranh này ông vẽ dựa trên những đĩa màu căn cứ vào 24 tiết khí trong năm. Việc quan tâm tới ngũ hành, triết học phương Đông đã khiến tranh ông giai đoạn cuối đời vươn tới tuyệt mỹ, tuyệt kỹ”.

Tang lễ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào sáng 17/6

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, (1922 - 2016) sinh tại Nam Đàn (Nghệ An), học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Ngay từ năm học thứ 3, ông đã nhận về sự chú ý đặc biệt của giới hội hoạ với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu, giành giải Nhất tại Salon Unique năm 1944.

Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bungaria) năm 1983, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Tang lễ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sẽ tổ chức vào sáng 17/6 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Mỹ Mỹ - Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›