Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã qua đời ngày 24/7 tại TP.HCM, thọ 87 tuổi.
Ông sinh ngày 9/9/1937 tại Quảng Trị, có nhiều năm sinh sống tại Huế, trước khi dời vào TP.HCM khoảng 20 năm cuối đời. Ông để lại nhiều dấu ấn trong thơ văn, nhưng nổi bật hơn cả là thể loại bút ký.
Trong khoảng 15 tác phẩm bút ký, truyện ký đã xuất bản, độc giả ấn tượng mạnh với Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Rượu hồng đào chưa uống đã say (2001)… Bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân từng nhận xét: Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có "rất nhiều ánh lửa".
Trong một bài viết năm 2011, nhà báo Lê Đức Dục nhận xét: "Những bút ký về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể nói đã trở thành kinh điển: Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn, Hoa trái quanh tôi...".
"Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô" - Hoàng Phủ Ngọc Tường từng chia sẻ như vậy về sông Hương.
Hoàng Phủ Ngọc Tường học 2 chuyên ngành Việt - Hán và Sư phạm trước 1975. Từ 1960 đến 1966, ông dạy học tại Huế. Từ 1966 đến 1975, ông thoát ly gia đình lên chiến khu, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Theo thông tin từ Hoàng Dạ Thư (con gái), thì gia đình dự định tổ chức lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ lúc 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (TP Huế).
Tags