(Thethaovanhoa.vn) - Tân Linh không phải nhà văn, nhà thơ tầm cỡ. Ông cũng không phải là nhà báo luôn “lao vào điểm nóng”. Ngược lại, trong dòng thác lũ thông tin, Tân Linh thường điềm đạm “gạn đục khơi trong”, tìm những vấn đề đáng để viết, cung cấp những góc nhìn công tâm, liêm chính tới độc giả.
- Nhà thơ Tân Linh: 7 nhịp cầu Hiền Lương và 754 câu thơ
- Nhà báo, nhà thơ Tân Linh: 'Đời dông bão sợ quá nhiều may rủi'
Thiết tha yêu Hà Nội
Khi Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đặt vấn đề mở chuyên mục “Chuyện Hà Nội”, nhà văn Tân Linh tỏ ra rất hứng khởi. Giữa bạo bệnh, nhưng trong vòng chưa đầy một tuần, nhà văn đã nộp tới 10 bài bản thảo bài viết để xây dựng hướng viết cho chuyên mục. Tính chuyên nghiệp và nhiệt huyết ấy khiến những người trong cuộc cảm phục.
Từ đó, Tân Linh liên tiếp đưa vào chuyên mục của mình hàng loạt vấn đề nhức nhối của Thủ đô như: cây xanh, tượng đài, giọng Hà Nội, cổng làng, quy hoạch đô thị,… Những vấn đề vốn là chuyện muôn thuở của Hà Nội được Tân Linh đề cập sắc bén, xây dựng,gợi mở thêm nhiều góc nhìn lạ về những điều “đã nói mãi”.
Bên cạnh đó, ông cũng khéo nhắc nhớ độc giả về những ký ức xưa của Hà Nội như: Ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học nơi lui tới của nhiều tên tuổi nổi danh: Nguyễn Tuân, Trần Dần, Văn Cao, Bùi Xuân Phái…; chuyện sông Tô, chuyện Cầu Đơ; chuyên “Cao - Xà- Lá”…
Không chỉ là người kể chuyện duyên, trong bài viết cuối cùng của mình cho chuyên mục “Chuyện Hà Nội”, Tân Linh còn phản biện trực diện vấn đề xây Resort trái phép ở VQG Ba Vì (Hà Nội). Ông viết: Ai đã cho phép lấy rừng thiêng quốc gia đem bán? Dư luận đang chờ xem cách xử lý ra sao. Hay là lại lặp lại “điệu hát” cũ là phạt cho tồn tại, “buộc… hoàn thiện hồ sơ, bổ sung quy hoạch…”. Xin đừng xử lý theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”…”.
Theo dõi những bài viết của Tân Linh về Hà Nội, dễ thấy, nhà văn yêu Hà Nội từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất. Một số nhà, một tên địa danh, hay một biểu tượng đã mất đều có thể thành đề tài chính của các bài viết.
Trong một lần trò chuyện với người viết về chuyên mục "Chuyện Hà Nội", nhà văn chia sẻ: Tôi đã từng làm bốc vác, xe ôm… trong những ngày gian khó ở Hà Nội. Nhiều người còn nhầm tôi lái xe ôm để nhập vai viết bài nhưng thực ra hồi đó tôi chạy xe ôm để mưu sinh. Cũng vì “nhập vai” bằng chính cuộc sống của mình nên tôi hiểu Hà Nội từ nhiều cung bậc thăng trầm của kiếp người. Hiểu nhiều để yêu Thủ đô nhiều hơn…
Viết tới hơi thở cuối cùng
Lúc chuẩn bị cho số báo này, Thể thao & Văn hóa vẫn chờ bài của nhà báo Tân Linh. Đến khi nghe tin ông đã ra đi, chúng tôi gọi điện thoại để chia buồn. Đầu dây kia vợ ông khóc nấc lên: Anh đi rồi. Hôm qua còn ngồi viết bài, thế mà...
Tân Linh mất vì ung thư khi đang hoàn thiện bài báo cuối cùng. Cách đối diện với ung thư của Tân Linh cũng thật đặc biệt: viết - viết để quên đi đau đớn. Cụ thể, không lâu sau khi hay tin bị ung thư, nhà văn, nhà thơ Tân Linh đã cho ra mắt hai cuốn sách: Có lẽ mùa Xuân có lý riêng (thơ); Những tài năng, những số phận (ký chân dung).
Cũng trong ngày hôm đó, Tân Linh chia sẻ với người viết: Tôi ra mắt hai cuốn sách này không phải là lời tổng kết, tạm biệt anhem đồng nghiệp. Đừng lo, tôi sẽ còn viết nhiều. Bởi tôi nghĩ, anh em làm báo chúng ta đi qua cánh đồng bao la cuộc đời, coi con chữ là nghiệp. Và chính con chữ là những dấu vết vô tư và trung hậu chúng ta để lại với cuộc đời.
Đúng một năm sau, giữa lúc bệnh tật ngày càng khắc nghiệt, Tân Linh cho ra mắt thêm một cuốn sách nữa mang tên: Hiền Lương 7 nhịp (trường ca). Cuốn sách là chuỗi dài suy tưởng của nhà văn, nhà thơ về quê hương Quảng Trị, về đất nước và về tình yêu…
Tân Linh chia sẻ: “Nỗi đau chia cắt 21 năm trời với biết bao nỗi niềm, bao thân phận bên cây cầu, bên dòng Bến Hải và cả đất nước. Tôi viết gấp gáp thảo những dòng thơ về những tháng ngày đó trên giường bệnh với nỗi sợ đeo bám. Sợ chết. Chết mà chưa viết được về cây cầu lịch sử, tôi không đành...”.
Nhà thơ, nhà báo Tân Linh tên thật là Phạm Quang Tính. Ông sinh năm 1952, tại làng Tân Trại, Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tân Linh đã xuất bản 4 tập sách riêng: Tha hương (thơ); Những tài năng - những số phận (ký chân dung); Có lẽ mùa Xuân có lý riêng (thơ), Hiền Lương 7 nhịp (trường ca). Ngoài ra, Tân Linh còn góp mặt trong nhiều tuyển tập thơ như: Nghìn năm thơ Việt, Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long, Trời Nam thương nhớ… Ông mất ngày 20/3/2016 để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags