(Thethaovanhoa.vn) - Tai biến, liệt chân phải, tay phải, song ông vẫn minh mẫn. Ông vẫn đọc sách báo, nghiên cứu về Hà Nội, một cách say mê. Đôi khi bệnh mệt, ông còn tự giục bản thân mình “nhanh nhanh để còn dậy viết”. Và khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn mang theo nhiều trăn trở về Hà Nội, nơi ông đã gắn bó và cống hiến trọn đời.
- Tiễn biệt nhà nghiên cứu Giang Quân, chủ nhân ‘Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội'
- Nhà nghiên cứu Giang Quân giành Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội
Viết đua với... “tử thần”
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân sinh năm 1927 tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 1950, ông chuyển lên Hà Nội sinh sống và công tác. Từ thời điểm này, ông bắt đầu nghiên cứu Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Sinh thời, ông từng trao đổi với người viết: “Tôi đến với kinh kỳ như một cái duyên. Tôi “phải lòng” văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ ngày đó. Nên cũng từ năm 1950, tất cả các tác phẩm của tôi đều viết về Thăng Long- Hà Nội".
Từ khi sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ông quan sát, học tập những gia đình gia giáo ở Hà Nội như gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình GS Nguyễn Lân và một số học giả khác.
Đặc biệt, trong các chuyến công tác, điền dã, Giang Quân không bao giờ nghỉ ở nhà khách như tiêu chuẩn cán bộ. Ông thường nhờ địa phương thu xếp cho ở nhà dân. Cũng từ đây, ông lắng nghe lịch sử Hà Nội từ những câu chuyện thầm thì. Từ đó, ông cần mẫn thu lượm và ghi lại trong các công trình nghiên cứu của mình những câu chuyện dân gian địa phương, những thân phận người, những vấn đề của Hà Nội đương đại...
Bằng sự cần mẫn, ông đã viết hơn 30 cuốn sách về Hà Nội (cùng hàng trăm cuốn viết chung với tác giả khác). Ở tuổi gần 90, trên giường bệnh, ông vẫn đang viết tiếp vài cuốn sách về Thủ đô ngàn năm văn hiến. “Tôi phải viết đua với tử thần. Còn chút năng lượng nào tôi dùng hết để ghi lại những câu chuyện Hà Nội”- nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.
“Đừng bi quan hóa Hà Nội!”
Sau nhiều năm cống hiến, năm 2011, ông được vinh danh là “Công dân Ưu tú Thủ đô”. Đến năm 2015, ông nhận Giải thưởng lớn, Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội. Với ông, giải thưởng như sự ghi nhận của công chúng Thủ đô sau 70 năm dành trọn cho kinh kỳ.
Trong ngày nhận giải, ông nói: "Tôi với họa sĩ Bùi Xuân Phái từng quen biết và cộng tác với nhau trong suốt 20 năm trước đây, trong nhiều ấn phẩm, sách báo về Hà Nội. Có một điều tôi rất tiếc là ngày ấy chỉ có thợ khắc tay, do vậy tất cả các bản vẽ của Bùi Xuân Phái đều khắc trên gỗ, nhưng sau khi đưa đi in sách báo, tôi không nghĩ lấy lại các bản khắc gỗ đó, giờ tôi rất hối tiếc. Bởi có ai nghĩ được giá trị ngày mai tất cả các tác phẩm của chúng ta sẽ do thời gian, công chúng, lịch sử sẽ công nhận nó, cũng như hôm nay, sau 70 năm cầm bút, ở tuổi 89, tôi mới được sự công nhận của công chúng Hà Nội".
Ở thời khắc tiễn biệt “pho từ điển về Hà Nội” rời Thủ đô về Hải Dương, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội chia sẻ: Nhà nghiên cứu Giang Quân dành cả đời mình cho tình yêu Hà Nội, ông đã được người đời yêu mến gọi là cây từ điển sống về Hà Nội.Tính cách ông điềm đạm, quen làm và ít nói về mình. Ông có hai câu thơ làm châm ngôn cho cuộc sống của mình khiến nhiều người cảm phục:Tôi tìm chỗ đứng của tôi/ Để lòng thanh thản mặc người ngựa xe.
Trong một lần trò chuyện, người viết có hỏi nhà nghiên cứu Giang Quân khi ông đang ở trên giường bệnh: Hà Nội xưa và bây giờ khác nhau nhiều không và có gì đáng lo ngại không? Ông đáp: Khác nhiều lắm!Nhưng đó là quy luật của sự phát triển.Khi cuộc sống đi lên, văn hóa sẽ có sự thay đổi, không thể khác được. Từ y phục, phong tục, tập quán của người Hà Nội đã và sẽ không hoàn toàn như xưa. Chúng ta đừng bi quan hóa Hà Nội, đừng nhìn vào một vài hiện tượng không hay, không đẹp trong thời buổi chuyển giao mà ca thán về “nét thanh lịch” đang mất dần.
Cũng theo nhà nghiên cứu Giang Quân, các trào lưu, xu hướng văn hóa mới du nhập vào Hà Nội, chúng ta nên điềm tâm đón nhận. Văn hóa có thuộc tính tự cân bằng, những điều xấu xí, kệch cỡm, không hợp với Hà Nội sẽ chóng bị đào thải. Những điều mới mẻ, tốt lành, sẽ được lưu lại. “Đừng lo, nhìn vào văn hóa Hà Nội, tôi lạc quan lắm!”- nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.
Một nhà “Hà Nội học” |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags