Vĩnh biệt nhà thơ Maya Angelou: Một cuộc đời kinh điển

Thứ Sáu, 30/05/2014 07:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Maya Angelou, nhà thơ và là tác giả của những cuốn hồi ký trứ danh, đã qua đời hôm 28/5 tại nhà riêng ở Winston-Salem, Bắc Carolina, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi, sau khi trải qua một cuộc đời đầy biến động, nhưng không thiếu những khao khát giải thoát.

Sinh tại St. Louis vào năm 1928, trong thời kỳ nước Mỹ tràn ngập những cây thập tự bốc cháy, những kẻ ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng, Maya Angelou, một người da màu, đã lập tức phải đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống.

Tuổi thơ đầy giông tố

Cha mẹ chia tay khi được 3 tuổi, bà cùng anh trai được gửi thẳng qua tàu hỏa tới sống với bà ngoại ở Stamps, Arkansas. Năm lên 8 tuổi, bà trở lại sống với mẹ đẻ và ở thời gian đó đã xảy ra một biến cố đau lòng: bà bị người bạn trai của mẹ đẻ hiếp dâm. Angelou đã tố cáo hành động đồi bại  nói trên và kết quả là người đàn ông kia bị đám đông đánh chết.

"Logic của một đứa trẻ 7 tuổi rưỡi nói rằng lời nói của tôi đã giết chết ông ta. Vì thế tôi quyết định câm lặng trong gần 6 năm" - bà từng nói. Nhưng từ câm lặng ấy, một giọng nói mạnh mẽ hơn đã cất tiếng: giọng nói của thi ca.


Angelou nhận Huân chương tự do, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, từ Tổng thống Barack Obama hồi năm 2011

Từ năm lên 9 tuổi, Angelou đã sáng tác những bài thơ đầu tiên. Một trong số các bài thơ nổi nhất của bà là Caged Bird (Chim trong lồng):

"Một con chim tự do lướt qua/ với những cơn gió/ tung cánh lượn lờ/ cho tới khi gió lặng/ rồi nó nhúng cánh/ vào ánh mặt trời vàng óng/ và kiêu hãnh làm chủ bầu trời.

Nhưng một con chim / khoe mẽ trong chiếc lồng chật hẹp của mình/ hiếm khi có thể nhìn qua/ những chấn song giận dữ/ đôi cánh của nó đã bị cắt cụt/ đôi chân của nó bị trói chặt/ vì thế nó hắng giọng cất tiếng hót".

Lớn lên, Angelou học khiêu vũ và kịch tại trường trung học, nhưng bỏ học vào năm 14 tuổi để phục vụ cuộc mưu sinh. Sau này bà trở lại trường học và đã một mình sinh con chỉ 3 tuần sau khi tốt nghiệp trung học. Là bà mẹ đơn thân, Angelou đã làm đủ việc khác nhau để nuôi con, từ nghề bồi bàn trong một nhà thổ cho tới việc làm báo. Bà cũng từng là vũ công ở hộp đêm, và từng ghi âm một album nhạc mang tên Miss Calypso vào năm 1957.

Trong giai đoạn biến động xã hội của những năm 1950 và 1960, bà còn làm việc với các nhân vật nổi tiếng như mục sư Martin Luther King Jr và James Baldwin để đấu tranh cho quyền lợi và các giá trị của người gia màu.

Can đảm chống lại những điều cấm kỵ

Sự nghiệp viết lách của Angelou chỉ chính thức bắt đầu vào năm 1969 với việc xuất bản cuốn hồi ký Tôi biết vì sao con chim nhốt trong lồng vẫn hót. Cuốn hồi ký này kể lại những điều Angelou đã chứng kiến về sự tàn bạo của khu Jim Crow South nơi bà từng sống, mô tả chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng một thứ ngôn ngữ trần trụi. Độc giả đã tìm hiểu cuộc đời của Marguerite Ann Johnson (tên khai sinh của Angelou) cho tới năm bà 16 tuổi, biết được rằng bà bị cha mẹ bỏ rơi ra sao, bị hiếp dâm, trở thành vô gia cư và sống cuộc đời của bà mẹ đơn thân thế nào.

Việc cuốn sách được xuất bản vừa táo bạo vừa mang ý nghĩa lịch sử, nếu biết nó ra mắt lần đầu vào năm 1969, thời kỳ phân biệt chủng tộc còn tồn tại nặng nề trong xã hội Mỹ. "Tất cả các nhà văn trong thế hệ tôi phải tôn vinh mảnh đất mà Maya Angelou đã khai phá" - tác giả Tayari Jones viết trên Facebook hôm 28/5 - "Bà đã kể một câu chuyện mà người ta không cho phép kể. Giờ người ta kể đầy những chuyện như thế trong các cuốn hồi ký. Nhưng khi Angelou làm vậy, bà đã thách thức một sự cấm kỵ. Bà làm thế không vì mục đích gây sốc mà để hàn gắn tất cả chúng ta".

Tôi biết vì sao con chim nhốt trong lồng vẫn hót đã trở thành cuốn sách bán chạy toàn cầu và được đề cử Giải Sách quốc gia năm 1970. "Nếu bạn muốn tìm hiểu xem cuộc sống ra sao khi ở dưới đáy xã hội tại giai đoạn trước, trong và sau cuộc Đại suy thoái Mỹ, cuốn sách đặc biệt xuất sắc này sẽ giúp bạn hiểu rõ" - nhà phê bình người Anh Paul Bailey từng cất lời ca ngợi.

Cuốn sách nhanh chóng trở thành tác phẩm cần đọc trong danh sách của các sinh viên, gây ảnh hưởng tới hàng loạt nhà văn. Có tin nói sách đã từng bị cấm xuất bản nhiều lần. Tuy nhiên khả năng văn chương của Angelou đã chiến thắng những kẻ cố gắng vùi dập bà và văn chương của bà.

Sau rốt, bà biết rằng người có khả năng kể chuyện sẽ luôn chiến thắng. "Tôi muốn viết thật hay để một người phải say sưa đọc từ 30 - 40 trang sách của tôi, trước khi họ nhận ra mình đang nghiến ngấu tác phẩm" - Angelou từng nói.

Sự nổi bật về thi ca của Angelou cũng là điều bất thường tại một quốc gia vốn không chú ý lắm tới các bài thơ như Mỹ. Angelou từng đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993 và là thi sĩ da màu đầu tiên được nhận vinh dự này. Hôm 28/5, ông Clinton đã lên tiếng ca ngợi bà là "người bạn thân thiết", "tài sản quốc gia". "Các bài thơ và các câu chuyện do bà tạo ra, đọc cho chúng ta nghe là những món quà của sự thông thái và khôn ngoan, của sự can đảm và duyên dáng" - ông nói.

Ngày hôm nay các tác phẩm văn chương của Angelou, đặc biệt là cuốn Tôi biết vì sao con chim nhốt trong lồng vẫn hót, vẫn giúp hàng thế hệ các nhà thơ, văn thuộc nhiều giới tính và nền văn hóa, khám phá cuộc sống và con tim của họ một cách chân thật, không hối tiếc.

Sức ảnh hưởng của bà có thể thấy rõ qua nhận xét của những nhà thơ hậu bối như Tamara Oakman: "Là một người phụ nữ da màu và là thi sĩ, tôi sẽ không trở thành như hiện nay nếu không có bà. Bà là người mở đường vĩ đại".

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›