(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua 17/7 tại tư gia ở TP.HCM, nhà thơ Phan Vũ, tác giả Em ơi! Hà Nội phố, đã qua đời, hưởng thọ 95 tuổi (theo âm lịch). Báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Hữu Dũng, một người bạn vong niên của ông.
1. Thuở quán Văn nghệ (81 Trần Quốc Thảo, TP.HCM) còn là điểm hẹn các văn nghệ sĩ, Phan Vũ rất bảnh bao, quần jean rách, áo pull, ngậm pip, tà tà lượn xe máy vào cùng cánh trẻ đánh chén tận chiều tà. Bẵng đi khoảng 10 năm sau, ông tổ chức đêm đọc thơ Em ơi! Hà Nội phố dưới ánh đèn cầy, ở quán Lotus, đường Nguyễn Trãi, do Châu Đăng Khoa đệm guitar. Lúc này ông trầm mặc, ung dung, đam mê hội họa.
- Chuyện ít biết về tác giả 'Em ơi! Hà Nội phố' Phan Vũ qua 'Ta còn em'
- Nhà thơ Phan Vũ, tác giả 'Em ơi! Hà Nội phố', qua đời ở tuổi 93
Cứ thế thời gian chồng chất, đến buổi gặp gỡ và đối thoại, ra mắt tập thơ Ta còn em vào tháng 6/2018 ở quán Cà phê thứ Bảy thì Phan Vũ chậm chạp, ít nói, thính lực kém, có lúc quên tên người đối diện.
Nhà thơ Dương Tường viết: “Thủa ấy cách đây nửa thế kỷ, bọn tôi dăm bảy đứa trong đó có Phan Vũ, được mệnh danh là những người cuối cùng của bộ tộc Mohican. Đặng Đình Hưng bảo tôi: Thằng Vũ nó du mục. Tôi thì nghĩ Phan Vũ là một gã du canh: Bắt đầu là kịch tác gia, rồi kịch sĩ, rồi đạo diễn kịch, chuyển sang điện ảnh làm diễn viên, làm đạo diễn, và cuối cùng là thơ và họa. Không nhằm chủ đích thâm canh ở một miếng đất nào, nhưng nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm (dominante), là một vị ngọt ngào thơ man mác tình”.
Dương Tường viết thêm: “Tình trong thơ Phan Vũ không chỉ là tình yêu nam nữ mà mở rộng biên độ đến mênh mông, cho nên tiếng “em” trong thơ Phan Vũ thật đa nghĩa và đầy cộng âm. “Em” là “ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm”, là “mùi hoa sữa”, là “cây bàng mồ côi mùa đông”, là “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, là “Hà Nội phố”… Ở tuổi ngoài chín mươi, gã lãng du Phan Vũ, bởi không dừng một ga thời gian nào, nên mãi mãi là một trẻ thơ tung tăng và lang thang trong mê lộ miên man của miền thi - họa đầy quyến rũ…”.
Lúc ngoài tuổi 90, Phan Vũ dí dỏm tự bạch về mình: “Tôi không phải là người Hà Nội, tôi người gốc Đà Nẵng, ba tôi đi chiến đấu ngoài Hải Phòng, gặp mẹ tôi, rồi hai người sinh tôi ra. Lớn lên, tôi đi chiến đấu ở miền Trung, rồi miền Nam…; mãi sau này mới về ở Hà Nội, rồi làm bài thơ Em ơi! Hà Nội phố, may quá, người Hà Nội nói tôi là người Hà Nội, nhận tôi là người Hà Nội. Rồi lâu ngày tôi cũng tưởng tôi là người Hà Nội luôn. Tôi thật là có lỗi với Đà Nẵng, nhưng không sao, rồi tôi sẽ lại làm thơ cho Đà Nẵng… Tôi là người sinh ra để chiến đấu, lúc tuổi trai trẻ, 20 tuổi đã là bộ đội đi vào Nam, chiến đấu với quân địch… Bây giờ là trận chiến đấu với tử thần và cầm chắc… thua, bằng chứng là hiện tại, tim, gan, phèo phổi gì trong người tôi cũng bị tử thần bằm nát… Tôi thấy thần chết đã ghi tên tôi vào cuốn sổ...”.
2. Phan Vũ quê mẹ Hải Phòng, nhưng quê cha của ông ở Đà Nẵng. Mới 13 tuổi cậu bé Phan Vũ đã một mình tự vào Nam kiếm ăn sinh sống. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông hòa mình vào đội quân kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau năm 1954, ông định cư trong một căn xép nhỏ ở số nhà 52, phố Hàng Bún, Hà Nội. Ông là lớp người cùng thời với Quang Dũng, Phùng Quán, Lê Đạt... và là nhà văn thế hệ đầu tiên, khi Hội Nhà văn Việt Nam mới thành lập, năm 1957. Giao du thân thiết với các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng...
Nhà thơ Phan Vũ có khá nhiều thành tựu về sân khấu và điện ảnh, là tác giả của những tác phẩm được công chúng ái mộ như Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang... Ông từng là đạo diễn các phim Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại... Sau này định cư tại TP.HCM, khi tuổi đã ngoài 70, Phan Vũ bước sang hội họa và có những cuộc triển lãm tranh riêng và chung.
Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng từng nhận xét về tranh của Phan Vũ: “Phan Vũ là một nhà thơ giàu chất lãng mạn và ông là họa sĩ tự do sáng tác, nghĩ điều gì, thích đề tài nào thì vẽ, không lệ thuộc vào phong cách nào. Chính điều đó, khi xem tranh của ông, người xem cảm thấy rất thú vị. Ông không cố tình phá cách nhưng lại tạo được nét riêng trong nét cọ của mình”.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức viết trên Facebook của mình: “Mới cách đây hai hôm, nhà Nhã Nam báo tin cho tôi tập văn xuôi Ly rượu trần gian mà tôi sưu tầm, tập hợp các bài tạp bút, tản văn, bài viết về một số nhân vật văn nghệ, báo chí cùng hai truyện ngắn của Phan Vũ đã có mặt ở các nhà sách tại Hà Nội, sắp gửi vào Sài Gòn. Anh Phan Vũ ơi, tập sách mà anh mong chờ đã không đến kịp với anh trước giờ phút cuối cùng, nhưng đó sẽ là nén hương tiễn biệt anh của một người bạn dù kém anh rất nhiều tuổi nhưng đuợc anh yêu quý bảo rằng “không vong niên”.
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trong phố/ Bỗng thấy mình không nhớ nổi một con đường”... Nhớ hoài bóng ông liêu xiêu, nghiêng ngả khi băng ngang qua đường, thật cô đơn và khắc nghiệt! Tôi đứng lặng nhìn theo mà không dám gọi tên ông. Vậy là người du mục cuối cùng của bộ tộc Mohican bay về trời, để lại lòng tiếc nhớ vô cùng của người thân, bạn đọc, giới thưởng ngoạn!
Niềm vui cuối đời Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11-2018 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức đã kịp trao cho nhà thơ Phan Vũ với tập thơ Ta còn em. Khi ấy, Phan Vũ đang nằm bệnh viện, hôn mê. Một thời gian sau, khi khỏe lại, ông có chia sẻ rằng khi được nhận giải thưởng mang tên người bạn tâm giao Bùi Xuân Phái, Phan Vũ cảm thấy rất hạnh phúc, như nhớ lại thời trai trẻ ngao du cùng nhau... |
Trần Hữu Dũng
(Bài viết này có tham khảo và xin phép sử dụng thông tin của P.N. Thường Đoan, Nguyễn Trọng Chức, Huỳnh Ái Tông… )
Tags